Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành TP. Huế |
Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành TP. Huế trăn trở: Vẻ đẹp các con sông ở Huế đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa. Bao năm qua, ngoài sông Hương đã được khai thác một số hoạt động, dịch vụ du lịch thì nhiều con sông khác vẫn chưa được đầu tư các dịch vụ, khai thác sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Kể cả sông Hương, một trong những con sông mang tính biểu tượng, khi nhắc đến Huế thì dịch vụ vẫn còn rất “nghèo” và chưa xứng tầm với tiềm năng vốn có.
Ông đang nhắc đến khoảng cách giữa tiềm năng và khai thác du lịch đường sông ở Huế. Ở góc độ lữ hành, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Nhắc đến những con sông ở Huế, người ta nhớ đến đầu tiên là sông Hương. Huế là vùng đất có hệ thống sông ngòi phân bố khá dày đặc với các tuyến sông chính: Sông Hương, sông Tả Trạch, sông Hữu Trạch, sông Bồ, sông An Cựu, sông Ô Lâu... Những con sông trên không chỉ cung cấp nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn là nét văn hóa, mang lại nguồn cảm hứng của không ít nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ.
Sông Hương giàu tiềm năng để khai thác du lịch |
Thực tế, sông Hương là con sông hiếm hoi có các dịch vụ khai thác du lịch đường thủy ở Huế. Trong khi đó, các con sông khác ở Huế dường như chưa có các dịch vụ, sản phẩm du lịch đường sông. Đơn cử như sông Ngự Hà, dù có những chương trình khảo sát, với những ý tưởng nhưng bao năm qua con sông này vẫn đang chờ được khai thác du lịch.
Trở lại với câu chuyện sông Hương, thẳng thắn nhìn nhận thì dịch vụ du lịch vẫn đang còn “nghèo”, khi bao năm chủ yếu vẫn chỉ có đi thuyền nghe ca Huế, trà chiều, dịch vụ đạp vịt... Du lịch trên sông Hương hiện vẫn đang đối mặt với câu chuyện thuyền hết niên hạn, chất lượng thuyền chưa đảm bảo, dịch vụ trên sông chưa làm hài lòng du khách…
Tiềm năng du lịch đường sông ở Huế rất lớn, nhưng chủ yếu mới chỉ khai thác được về vận chuyển. Đó là các tour đi thuyền ngắm cảnh, lên chùa Thiên Mụ, đi các lăng tẩm. Yếu tố trải nghiệm từ các dịch vụ du lịch đường sông chưa nhiều.
Phải chăng có những rào cản khiến các doanh nghiệp lữ hành chưa khai thác các tour, tuyến, sản phẩm du lịch, thưa ông?
Đúng là đang có những vấn đề hiện hữu. Nếu có sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp lữ hành sẵn sàng bán tour, nhưng Huế vẫn còn đang rất thiếu.
Nhu cầu của du khách luôn có. Ngay cả công ty của chúng tôi, trước đây bán các sản phẩm đi thuyền, tour tham quan bằng thuyền rất ổn định. Khách Tây rất thích và hầu như sáng nào cũng có khách. Đến nay, qua nắm bắt thông tin từ các đơn vị lữ hành, tour đi thuyền tham quan bằng thuyền trên sông Hương giảm đến 40 - 50% do nhiều nguyên nhân.
Dòng sông Hương xanh và đẹp, thuận lợi để phát triển du lịch đường sông |
Thứ nhất là hệ thống thuyền rồng trên sông Hương đến giai đoạn hết niên hạn, chất lượng dịch vụ giảm; tiếng ồn của thuyền lớn. Thực ra, đã có dịch vụ du thuyền trên sông Hương - Moon river cruises rất chất lượng nhưng số lượng còn hạn chế, giá thành dịch vụ cao hơn để tương xứng với chất lượng, có tính chọn lọc khách hơn nên lữ hành khó khai thác; khách phổ thông khó lựa chọn sử dụng dịch vụ.
Dịch vụ trên sông chủ yếu là ca Huế. Thời gian qua, doanh nghiệp và cả du khách phản ánh sự cạnh tranh không lành mạnh, chuyện hạ giá, giảm chất lượng, cắt giảm thời gian phục vụ; tính chuyên nghiệp trong phục vụ… Những yếu tố trên cộng với việc niên hạn của thuyền sắp hết khiến doanh nghiệp lữ hành ngại khai thác. Bởi vì, uy tín của doanh nghiệp lữ hành cũng ở đó. Mặt khác, bây giờ họ đi và phản hồi, đánh giá (review) rất nhiều, nếu không đảm bảo được chất lượng dịch vụ, doanh nghiệp phải chuyển hướng khai thác tour khác.
Nhìn sang các quốc gia phát triển du lịch đường sông, các địa phương bạn và kinh nghiệm khai thác lữ hành, theo ông, Huế nên đầu tư những dịch vụ gì để du lịch đường sông sôi động?
Ở nhiều nước, các con sông của họ chưa chắc đẹp bằng sông ở Huế. Thế nhưng, khách của họ vẫn rất đông. Lý do là họ có những cái mà khách cần.
Yếu tố xanh - sạch - đẹp thì sông ở Huế đã có và cần phải giữ. Nhưng phải có những sản phẩm đặc thù, sản phẩm có điểm nhấn. Có 3 yếu tố quan trọng mà du lịch đường sông nên hướng đến đó là ngắm cảnh, ăn uống và nghệ thuật. Khai thác sản phẩm, dịch vụ du lịch trên sông nên tập trung vào trục này.
Đối với ngắm cảnh, phải đầu tư hệ thống thuyền phù hợp, có chất lượng, tạo sự thoải mái và cảm giác an toàn cho du khách. Ngoài ra, cũng cần lựa chọn tour, tuyến gắn với những khung cảnh đẹp ở Huế. Phải có những dịch vụ ăn uống trên sông. Hiện nay, đã có nhưng chủ yếu là khách đặt mới có. Trong khi đó, với những khách đoàn, khách lẻ đến Huế và cần dịch vụ ngay về ẩm thực thì chưa đáp ứng được vì chưa có những nhà hàng trên sông, đó có thể là những nhà hàng ngay trên thuyền.
Về nghệ thuật, tôi nghĩ nên có những chương trình nghệ thuật đặc sắc, những show nhạc nước. Ngay cả ca Huế trên sông cũng phải nghiên cứu để làm một cách bài bản, chuyên nghiệp, đảm bảo yếu tố chất lượng.
Ông có nhắc đến tính đặc trưng, sản phẩm đặc thù. Xin ông nói rõ hơn?
Xu hướng du lịch của du khách muốn tìm kiếm sự khác biệt. Làm sao để du lịch sông Hương hay các con sông ở Huế khác với những con sông đẹp, nổi tiếng ở những nơi khác.
Huế có nhiều “chất liệu” để tạo ra sự khác biệt đó. Như 3 yếu tố tôi đã nhắc trên, về ngắm cảnh thì cảnh quan dọc hai bên bờ sông đã rất đẹp, nhưng đó là thực cảnh. Hệ thống đèn chiếu sáng cũng chỉ mới phục vụ người dân và du khách tản bộ, chưa có các hiệu ứng ánh sáng nghệ thuật. Đầu tư hiệu ứng ánh sáng sẽ làm khách ngắm cảnh mê đắm hơn vẻ đẹp đôi bờ sông.
Ẩm thực thì phải chú trọng đến ẩm thực đặc sắc của Huế. Huế được xem là kinh đô ẩm thực của Việt Nam. Phải nâng tầm văn hóa ẩm thực để phục vụ du khách và tạo sự khác biệt từ đây. Tương tự, chương trình nghệ thuật thì rõ ràng với mảnh đất giàu văn hóa như Huế, rất thuận lợi để khai thác và tạo sự khác biệt.
Ngoài tính đặc thù, ông nghĩ Huế cần đầu tư dịch vụ thế nào để xứng tầm và “đánh thức” du lịch đường sông?
Tôi cho rằng, quan trọng là đầu tư hạ tầng, dịch vụ, nâng cấp các bến thuyền, không để tình trạng nhếch nhác ở các bến thuyền. Đầu tư các dịch vụ trải nghiệm trên sông, những show diễn nghệ thuật hoành tráng và thường xuyên.
Du lịch đường sông không chỉ dưới nước mà còn trên bờ. Phải hình thành những dịch vụ tương xứng ở trên bờ, dưới nước, các tuyến đi bộ dọc bờ sông. Và, đặc biệt là phải chú ý đến yếu tố vệ sinh môi trường.
Quan trọng không kém là phải có hướng dẫn cụ thể để đầu tư các mẫu thuyền phù hợp, có quy chuẩn nhưng tạo ấn tượng cho du khách trải nghiệm.
Để kêu gọi các nhà đầu tư, thiết nghĩ chính quyền địa phương, ngành du lịch cần có những đề án, cơ chế cụ thể, đủ sức hấp dẫn để mời gọi họ.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Nguồn: https://huengaynay.vn/du-lich/danh-thuc-tiem-nang-du-lich-duong-song-152468.html
Bình luận (0)