Đánh thức tiềm năng du lịch văn hóa
Với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phục vụ du lịch đã và đang mở ra tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa của đất Võ.
Bình Định là vùng đất có bề dày trầm tích lịch sử, văn hóa giàu bản sắc. Cả tỉnh hiện có 152 di tích được xếp hạng (2 di tích quốc gia đặc biệt; 34 danh thắng, di tích quốc gia; 116 di tích cấp tỉnh) và 80 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê di sản. Ngoài những hệ thống di tích liên quan đến văn hóa Sa Huỳnh, kiến trúc đền tháp Chăm, phong trào nông dân Tây Sơn… Bình Định còn nhiều di sản văn hóa phi vật thể, như: Võ cổ truyền, hát bội, bài chòi dân gian, các lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống, cùng các món ẩm thực mang hương vị độc đáo là tiềm năng để khai thác sản phẩm du lịch văn hóa.
Du khách tham quan di tích tháp Đôi. Ảnh: ĐOAN NGỌC |
Thời gian qua, tỉnh và các địa phương chú trọng dành nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, tôn tạo, tu bổ các di tích, danh thắng; bảo vệ và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể; đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối các di tích, khu, điểm du lịch nhằm hướng tới phát triển du lịch văn hóa mang đặc trưng của từng địa phương để phục vụ du khách.
Việc đưa du khách, nhất là du khách nước ngoài đến Bình Định trải nghiệm du lịch văn hóa của các DN dần dần đã có nhiều tín hiệu tích cực. Bà Hoàng Thị Thu Sen - Giám đốc chi nhánh Vietravel Bình Định, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định, cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu du khách, ngoài khai thác du lịch văn hóa, lịch sử, Vietravel Bình Định còn khai thác sản phẩm du lịch khám phá khoa học, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), du lịch biển, đảo… Chúng tôi đưa khách đến tham quan hệ thống di tích tháp Chăm, khám phá bản sắc văn hóa tại các lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống, thưởng thức ẩm thực… Nhờ được quảng bá tốt, hình ảnh đất và người Bình Định ngày càng có thêm sức hút”.
Công ty TNHH Thích Tour mở hướng khai thác du lịch văn hóa gắn với du lịch cộng đồng, với việc khai thác các tour du lịch: Hành trình tìm hiểu lịch sử phong trào Tây Sơn, tham quan các tháp Chăm và làng nghề, trải nghiệm văn hóa ẩm thực Bình Định.
Ông Đinh Quốc Thích, Giám đốc Công ty TNHH Thích Tour, cho biết: “So với các sản phẩm du lịch khác, sản phẩm du lịch văn hóa “kén khách” hơn. Những tour du lịch văn hóa chúng tôi phục vụ lâu nay phần lớn là du khách nước ngoài, còn lại số ít du khách trong nước yêu thích trải nghiệm văn hóa, lịch sử. Theo tôi, sản phẩm du lịch văn hóa ở Bình Định rất giàu tiềm năng nhưng chưa thực sự thu hút được nhiều khách như tiềm năng. Do đó, nên có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa từ cơ quan quản lý nhà nước, DN du lịch để làm sao khai thác giá trị văn hóa trở thành sản phẩm đặc sắc, thu hút du khách tìm đến trải nghiệm”.
Du khách nước ngoài trải nghiệm làng nón ngựa Phú Gia. Ảnh: DNCC |
Những năm gần đây, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Phương Mai chú trọng khai thác tour du lịch văn hóa Bình Định, kết nối đưa du khách trẻ, nhất là học sinh, sinh viên các trường trong tỉnh đến với hành trình trải nghiệm Bảo tàng Quang Trung, Bảo tàng tỉnh, các di tích, danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống để tìm hiểu những truyền thống lịch sử, văn hóa trên quê hương.
Bà Lê Thị Thanh Trà, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Phương Mai, cho biết: “Với những tour du lịch văn hóa đưa học sinh, sinh viên trải nghiệm sẽ giúp các em hứng thú hơn trong những giờ học ngoại khóa, có thêm nhiều kiến thức bổ ích trong học tập. Công ty cũng khai thác tour du lịch văn hóa kết hợp tour du lịch khám phá khoa học, trải nghiệm biển, đảo để phục vụ nhiều lứa tuổi du khách trong nước”.
Theo nhiều DN du lịch, Bình Định có tiềm năng, thế mạnh và nhiều điều kiện để phát triển du lịch văn hóa. Tuy vậy, cần đẩy mạnh quảng bá, tạo sự đa dạng sản phẩm, liên kết giữa các DN để có định hướng tiếp cận nhu cầu du khách, phục vụ bằng nhiều hình thức khác nhau, nhằm tạo hiệu ứng, thu hút du khách đến Bình Định trải nghiệm du lịch văn hóa.
ĐOAN NGỌC
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=22&macmp=22&mabb=343483
Bình luận (0)