Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đạo diễn Hàn Quốc tâm huyết dựng nhạc kịch về Bác Hồ và cách mạng Việt Nam

Vở nhạc kịch phản ánh không khí sôi sục những ngày trước Cách mạng Tháng Tám của dân tộc Việt Nam, trong đó nhấn mạnh vai trò của giai cấp tiểu tư sản trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc.

VietnamPlusVietnamPlus19/07/2025

Hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2025), Nhà hát Kịch Việt Nam phối hợp với các các nghệ sỹ Hàn Quốc thực hiện vở nhạc kịch “Café bánh mì” – thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tầng lớp nhân dân Việt Nam yêu nước.

Đây là lần đầu tiên cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam và vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc được khắc họa bằng ngôn ngữ nhạc kịch. Các nghệ sỹ đang gấp rút tập luyện để công diễn tác phẩm vào tối 15/8 tại Nhà hát Ngôi Sao, Hà Nội.

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Cho Joon Hui về tác phẩm ý nghĩa này.

Ngưỡng mộ nhân cách vĩ đại của Bác Hồ

- Các tác phẩm sân khấu về lãnh tụ thường có những cái tên nghiêm túc và trực diện. Anh có thể lý giải vì sao vở nhạc kịch này có tên là “Café bánh mì”?

Đạo diễn Cho Joon Hui: Càphê và bánh mì là hai đặc sản nổi tiếng tại Việt Nam, là món ăn, thức uống gắn bó với người dân trong đời sống hàng ngày. Tôi biết điều này thông qua phương tiện truyền thông ở Hàn Quốc. Với tôi, đây là hình ảnh đại diện cho đông đảo quần chúng nhân dân Việt Nam. Và chính những con người vô danh đó cũng là nhân vật chính trong vở nhạc kịch, qua đó gián tiếp ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh.

dsc04745.jpg
Đạo diễn Cho Joon Hui (giữa) chia sẻ về vở nhạc kịch trong buổi lễ khởi công. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bác Hồ vĩ đại và nhân dân Việt Nam cũng rất vĩ đại trong cuộc kháng chiến giành độc lập tự do, nên tôi muốn làm vở nhạc kịch về những người hùng thầm lặng không tên. Nếu làm một vở diễn ca ngợi nhân vật trung tâm là Bác Hồ thì rất dễ nhưng điều tôi muốn là làm sao để tinh thần của Hồ Chủ tịch có thể biểu hiện qua người dân bình thường, qua những chiến sỹ vô danh. Trong vở nhạc kịch, tinh thần, tư tưởng của Người bao trùm lên toàn bộ dân tộc, các tầng lớp nhân dân, thể hiện qua từng nhân vật trong tác phẩm. Vì thế mà chúng tôi chọn đặt tên cho tác phẩm là “Café bánh mì.”

- Vở nhạc kịch “Café bánh mì” đang thu hút sự quan tâm của công chúng vì đây là lần đầu tiên đề tài nghiêm túc như cách mạng và Bác Hồ được thể hiện trên sân khấu nhạc kịch. Anh sẽ khai thác góc độ nào để tạo điểm nhấn và sự khác biệt cho tác phẩm của mình?

Đạo diễn Cho Joon Hui: Vở kịch có bối cảnh xã hội chân thực về đất nước Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh đầy đau thương, đói khổ và ca ngợi những người dân yêu nước trong đó có sự đóng góp rất lớn của giai cấp tiểu tư sản đã cống hiến không chỉ tiền của mà còn hy sinh cả tính mạng để đi theo kháng chiến, đi theo cách mạng. Nhân vật đại diện cho giai cấp tiểu tư sản trong tác phẩm lần này được khai thác từ nhân vật có thật trong lịch sử.

dsc04549.jpg

Dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn gian khổ nhưng người dân Việt Nam vẫn giữ vững niềm tin vào thắng lợi, nhất định không chịu khuất phục trước mọi áp bức của kẻ thù. Tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam trong cách mạng tháng Tám 1945 là một biểu hiện cao đẹp của lòng yêu nước và sức mạnh đoàn kết, để từ đó giành độc lập tự do và khẳng định ý chí quật cường trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

- Có chi tiết nào trong kịch bản này mang lại cảm xúc cho anh nhiều nhất?

Đạo diễn Cho Joon Hui: Tôi rất quan tâm đến lịch sử. Ngay khi đọc kịch bản, tôi đã thấy có sự đồng cảm sâu sắc bởi Việt Nam và Hàn Quốc đều trải qua chiến tranh, đều phải chiến đấu để giành độc lập dân tộc. Nếu Việt Nam có lãnh tụ Hồ Chí Minh thì Hàn Quốc cũng có một vị anh hùng được xem là “cha già dân tộc.” Ông cũng ra nước ngoài để tìm đường cứu nước, giống như Bác Hồ.

Đáng tiếc là nghệ thuật sân khấu không còn được ưa chuộng tại Hàn Quốc. Do công nghiệp giải trí phát triển nhanh nên người dân không mặn mà với kịch nghệ, đặc biệt là các tác phẩm về đề tài lịch sử. Do đó, tôi gửi gắm rất nhiều tâm huyết của mình vào vở “Café bánh mì” – không chỉ vì sự ngưỡng mộ của cá nhân tôi dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn vì sự tương đồng giữa lịch sử hai nước, tôi mong muốn có thể góp phần tạo ra một tác phẩm mang ý nghĩa giao lưu văn hóa giữa Việt Nam-Hàn Quốc.

dsc04576.jpg
Êkíp sáng tạo phía Hàn Quốc trong buổi lễ khởi công. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Điều tôi ấn tượng nhất trong kịch bản này là tinh thần khoan dung của người Việt nói chung và Bác Hồ nói riêng được thể hiện rất rõ. Dân tộc Việt Nam là dân tộc rất mạnh mẽ, yêu chuộng hoà bình và chỉ có dân tộc mạnh mẽ mới có thể tha thứ cho kẻ thù, cho kẻ đã áp bức, khiến dân tộc mình thống khổ.

Tôi đã đến viếng Lăng Bác để hiểu hơn về nhân cách và sự nghiệp của Người. Những câu nói bất hủ của Bác như “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” mang giá trị tư tưởng rất lớn, sẽ được thể hiện trong vở nhạc kịch này.

Ấn tượng với sân khấu Việt

- Điều gì đã mang anh đến với một dự án nhạc kịch tại Việt Nam, về một đề tài khó như chiến tranh cách mạng và anh hùng dân tộc?

Đạo diễn Cho Joon Hui: Từ khi còn học phổ thông, tôi đã rất ấn tượng với nền nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam, rất độc đáo và giàu truyền thống. Tôi còn nhớ tác phẩm đầu tiên tôi được xem là múa rối nước. Đó là hoạt cảnh về đời sống lao động và sinh hoạt gia đình. Tôi thấy rất thú vị và vui nhộn.

Năm ngoái, khi đang giảng dạy tại Khoa Sân khấu, Đại học Dongguk, một trong số các sinh viên của tôi giới thiệu tôi với các nghệ sỹ Nhà hát Kịch Việt Nam. Tôi sang Việt Nam và xem một vở kịch chính luận của Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Bắc về đề tài cách mạng. Từ đó, tôi hiểu hơn về nghệ thuật biểu diễn Việt Nam và rất ấn tượng với tinh thần sân khấu của các nghệ sỹ. Ở góc độ chuyên môn, tôi cho rằng nghệ thuật sân khấu Việt Nam có một vai trò quan trọng và nổi bật trong nền nghệ thuật châu Á.

Từ mối lương duyên đó và nhờ cô học trò kết nối mà tôi được tiếp cận với kịch bản “Café bánh mì” của tác giả Seo Sang Wan. Cùng Giám đốc nghệ thuật Park Hyun Woo và Chỉ đạo nghệ thuật Kiều Minh Hiếu của Nhà hát Kịch Việt Nam, chúng tôi quyết định bắt tay dàn dựng vở diễn dưới hình thức nhạc kịch.

512028994-1308283884636644-810317867790274838-n.jpg
Đạo diễn Cho Joon Hui và êkíp trong buổi casting diễn viên cho vở nhạc kịch “Café bánh mì”. (Ảnh: NHKVN)

- Những năm gần đây, nhạc kịch đã trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam, nhưng đây vẫn được xem là một thể loại kén khán giả. Dùng nhạc kịch để truyền tải thông điệp về chiến tranh cách mạng có phải là một bài toán khó với anh không?

Đạo diễn Cho Joon Hui: Các nghệ sỹ Nhà hát Kịch Việt Nam đều dày dạn kinh nghiệm diễn xuất và cũng đã tham gia nhiều vở về đề tài cách mạng, tuy nhiên nhạc kịch vẫn là lĩnh vực mới mẻ đối với họ.

Dù vậy, tôi không xem đây là khó khăn. Nhìn vào ánh mắt quyết tâm của các nghệ sỹ và chứng kiến sự chuyên nghiệp của họ, tôi tin rằng họ sẽ làm tốt vai trò của mình trong dự án này.

dsc04764.jpg
Các nghệ sỹ tham gia vở nhạc kịch. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tôi nói với họ rằng: Vào những năm 90 khi nhạc kịch du nhập vào Hàn Quốc, tôi cũng như họ bây giờ, hoàn toàn không hiểu gì về thể loại này. Sau đó, tôi học và tập luyện nhưng khán giả xem chúng tôi diễn, hát mà hầu như không hiểu chúng tôi đang làm gì. Họ không thích ngay đâu nhưng dần dần, nhạc kịch đã được công chúng tiếp nhận. Sau 30 năm thì Hàn Quốc đã có những nghệ sỹ nhạc kịch nổi danh thế giới. Người Việt yêu âm nhạc và nghệ thuật nên tôi tin rằng nhạc kịch sẽ phát triển tại Việt Nam.

Ngay từ cuối năm 2024, êkip sáng tạo của Hàn Quốc đã bắt đầu làm việc với Nhà hát Kịch Việt Nam để kịp thời ra mắt tác phẩm khán giả đúng dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tôi quyết định giảm thời lượng vũ đạo để không làm khó các nghệ sỹ. Họ tập luyện rất nghiêm túc, bắt đầu từ luyện thanh, tập hát rồi kết hợp hát và diễn. Bạn sẽ thấy họ diễn xuất và hát rất chuyên nghiệp trong vở này.

Rào cản ngôn ngữ không phải là vấn đề bởi âm nhạc và nghệ thuật là ngôn ngữ chung của chúng tôi.

- Xin cảm ơn anh đã chia sẻ./.

(Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/dao-dien-han-quoc-tam-huyet-dung-nhac-kich-ve-bac-ho-va-cach-mang-viet-nam-post1049885.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm