25 giảng viên đầu tiên của Đồng Nai tham gia
Theo Sở Khoa học và công nghệ, đây không chỉ là dịp để cập nhật kiến thức chuyên sâu, tiếp cận các xu hướng công nghệ mới nhất, mà còn là cơ hội để các học viên - là cán bộ nghiên cứu, giảng viên trong tỉnh - được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, qua đó hình thành mạng lưới cộng tác, thúc đẩy sự liên kết giữa nhà nước, nhà trường, nhà khoa học và doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao.
Các chuyên gia, giảng viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trình bày, giảng dạy một buổi học lý thuyết cho các học viên tại Sở Khoa học và công nghệ. Ảnh: Hải Quân |
Lớp học gồm 25 học viên là cán bộ, giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang giảng dạy, nghiên cứu trong những lĩnh vực có liên quan. Giảng viên của lớp là những giảng viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và các chuyên gia có chuyên môn sâu, kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, vi mạch và MEMS (hệ thống vi cơ điện tử).
Lớp bồi dưỡng tập trung vào các nội dung đào tạo về kiến thức nền tảng về ngành công nghiệp bán dẫn, xu hướng phát triển toàn cầu và chiến lược phát triển ngành của Việt Nam; kiến thức về các phương pháp và thực hành kỹ thuật phủ màng mỏng vật liệu, kỹ thuật khắc ăn mòn, kỹ thuật pha tạp khuếch tán và cấy ion; các quy trình vi chế tạo linh kiện bán dẫn và MEMS.
Ngoài ra, lớp còn có nội dung về thực hành mô phỏng, thiết kế chế tạo bộ mặt nạ quang (photomask) cho linh kiện cảm biến áp suất; tăng cường kỹ năng thực hành cho công chức, viên chức, người lao động trong việc vận dụng công nghệ vi chế tạo linh kiện bán dẫn và MEMS trong các dự án công nghệ cao.
Khơi dậy tiềm năng nghiên cứu, sáng tạo
Các học viên sẽ học lý thuyết kết hợp thực hành tại Sở Khoa học và công nghệ, Nhà điều hành Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh và các công ty đối tác của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Thầy Trần Công Đời, Trưởng bộ môn Tin học (Trường đại học Đồng Nai) - một trong những học viên tham gia lớp bồi dưỡng, chia sẻ: “Khi tham gia lớp bồi dưỡng, chúng tôi đã được tiếp cận những kiến thức nền tảng và cốt lõi về thiết kế vi mạch, công nghệ chế tạo linh kiện bán dẫn. Những kiến thức này đã giúp tôi hình dung được một bức tranh tổng thể về lĩnh vực công nghệ vi mạch - một ngành mũi nhọn đang phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, các nội dung thực hành trong chương trình đã cụ thể hóa lý thuyết, giúp chúng tôi trực tiếp trải nghiệm quy trình chế tạo vi mạch, điều mà trước đây phần lớn chỉ được học qua “sách vở”.
Các học viện trực tiếp thực hành tại phòng thí nghiệm của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV |
“Những trải nghiệm này mang lại giá trị thực tiễn rất lớn trong công tác giảng dạy, giúp giảng viên như chúng tôi tự tin hơn trong việc truyền đạt kiến thức, giảng dạy một cách sinh động, dễ hiểu, đồng thời cập nhật nội dung học tập sát với thực tiễn công nghệ hiện nay” - thầy Trần Công Đời bày tỏ.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Minh Dũng chia sẻ, việc tổ chức lớp bồi dưỡng này là một bước đi cụ thể, thể hiện quyết tâm của Đồng Nai trong việc đầu tư cho tri thức, khơi dậy tiềm năng nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.
Từ đó, từng bước triển khai kế hoạch của UBND tỉnh để thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nghị quyết, kế hoạch liên quan của Chính phủ, Tỉnh ủy về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 trên địa bàn tỉnh.
“Đây chính là những viên gạch đầu tiên để chúng ta xây dựng lực lượng nhân lực có năng lực chuyên sâu, góp phần đưa Đồng Nai trở thành tỉnh công nghiệp công nghệ số bền vững vào năm 2030” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Minh Dũng nhấn mạnh.
* Một số hình ảnh về lớp bồi dưỡng kiến thức và nâng cao năng lực thiết kế vi mạch:
Các học viên gồm các nhà nghiên cứu, cán bộ, giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng ở Đồng Nai tham gia lớp bồi dưỡng sẽ được học lý thuyết kết hợp thực hành các nội dung liên quan đến vi mạch bán dẫn. Ảnh: Hải Quân |
Lớp bồi dưỡng sẽ kéo dài trong vòng 10 ngày, trong đó phần lớn thời gian các học viên sẽ được đào tạo tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV |
Các học viên tham quan phòng thực hành, ứng dụng công nghệ mới tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV |
Hải Quân
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202505/dat-vien-gach-dau-tien-ve-dao-tao-nhan-luc-chuyen-sau-cho-linh-vuc-cong-nghe-ban-dan-b2442bd/
Bình luận (0)