Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đề thi tốt nghiệp THPT 2025: Cần phân tích kết quả thi, đổi mới cách dạy học

Bộ GD-ĐT cho biết sẽ thực hiện phân tích kết quả thi của thí sinh để có cơ sở đánh giá về chất lượng của đề thi, kỳ thi, công tác dạy học trên phạm vi toàn quốc.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên02/07/2025

KHÔNG NÊN DỒN ÁP LỰC ĐỔI MỚI LÊN HỌC TRÒ

Thầy Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cho rằng cách ra đề những môn như toán, tiếng Anh dù không có nội dung vượt chương trình nhưng sẽ phù hợp hơn nếu áp dụng với học sinh (HS) đã thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được một chặng đường dài hơn, ít nhất là 7 năm (bao gồm cả cấp THCS), thay vì 3 năm như "lứa" HS này.

"Nếu nói thay đổi đột ngột thì không đúng, nhưng sẽ đúng nếu nói thay đổi cần phù hợp hơn", ông Nam nói, cho biết thực tế khi làm các đề minh họa mà Bộ GD-ĐT công bố và làm bài thi thử do Sở GD-ĐT Hà Nội ra đề theo hướng mới thì kết quả bài làm ở các môn đều không cao như các năm trước.

Một đề thi quá khó, gây choáng váng không nên là công cụ tạo ra cú hích thay đổi. Giáo dục cần những chuyển động có lộ trình, không phải những cú sốc, nhất là khi người chịu ảnh hưởng trực tiếp là học sinh

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT)

Một giáo sư toán học có nhiều kinh nghiệm trong việc bồi dưỡng đội tuyển cho rằng, gắn thực tế vào môn toán là một hướng đi tích cực; tăng cường đọc hiểu trong môn tiếng Anh là cần thiết cho năng lực ngôn ngữ; và phân hóa để xét tuyển ĐH là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, nếu tất cả những điều đúng đó lại được thực hiện theo cách khiến khá đông HS trong một kỳ thi tốt nghiệp cảm thấy "choáng váng" thì cách làm ấy chưa chắc đã đúng.

Cũng theo vị giáo sư này, ra đề hay - mới - lạ không khó. Một đề thi tốt không cần dễ, song cần phù hợp để HS trung bình có thể đạt mục tiêu tốt nghiệp. Phù hợp để HS khá có cơ hội thể hiện nỗ lực, để HS giỏi được tỏa sáng đúng năng lực.

"Giáo dục không nên là nơi trút hết áp lực đổi mới lên vai học trò. Cải cách là cần thiết, nhưng phải đúng lúc, đúng cách. Đổi mới không phải là cuộc đua vượt rào, mà là hành trình đồng hành", vị giáo sư chia sẻ.

Đề thi tốt nghiệp THPT 2025: Cần phân tích kết quả thi, đổi mới cách dạy học - Ảnh 1.

Thí sinh gặp khó với đề thi môn tiếng Anh và toán kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay

ẢNH: TUẤN MINH

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), nêu quan điểm: Việc khuyến khích học thực chất, chống bệnh thành tích và cải thiện dạy - học tiếng Anh là rất cần thiết. Tuy nhiên, một đề thi quá khó, gây choáng váng không nên là công cụ tạo ra cú hích thay đổi. Giáo dục cần những chuyển động có lộ trình, không phải những cú sốc, nhất là khi người chịu ảnh hưởng trực tiếp là HS. Nếu chương trình chưa đảm bảo đủ thời lượng và chất lượng dạy - học kỹ năng đọc hiểu sâu; nếu sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn trong học tiếng Anh còn lớn; nếu sách giáo khoa chưa cung cấp đủ kiểu ngữ liệu như đề thi - thì việc bất ngờ nâng độ khó sẽ tạo cảm giác đánh đố, thay vì khuyến khích HS học tập nghiêm túc.

Cũng theo ông Vinh, một đề thi tốt nghiệp không thể mang tư duy của một kỳ thi "tuyển lọc" trong khi chưa có lộ trình chuyển đổi chính thức và không chuẩn bị trước cho HS. Sự chuyển dịch trong kiểm tra đánh giá cần đi cùng cải cách đồng bộ ở chương trình, phương pháp giảng dạy, điều kiện học tập…

CẦN THAY ĐỔI DẠY HỌC VÀ BẢN LĨNH ĐỂ TIẾP TỤC

Theo thầy Đàm Tiến Nam, sự thay đổi trong cách ra đề thi sẽ tác động trực tiếp tới cách dạy học. Thực tế các nhà trường đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt là khi có đề minh họa của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, sau kỳ thi năm nay thì việc thay đổi phải mạnh mẽ hơn nữa. Điều dễ nhận thấy là đề thi có phần yêu cầu vận dụng cao, nếu HS chỉ quen luyện thi bằng cách giải đi giải lại các dạng bài thì sẽ không thể đạt điểm cao. Thay vào đó, các em cần được trang bị năng lực giải quyết vấn đề, biết liên hệ kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Mà vấn đề của cuộc sống thì muôn hình vạn trạng, không thể luyện đề một cách máy móc như trước kia được.

Cũng chính vì đề thi gắn với thực tiễn, kiểm tra năng lực giải quyết vấn đề nên thầy Nam cho rằng HS cần được trang bị tốt hơn về kỹ năng tự học. "Tôi tin rằng nếu kiên trì và có sự đồng hành đổi mới dạy học ở các trường thì sự thay đổi và thích ứng của HS sẽ tốt hơn qua từng năm", thầy Nam nói.

Với môn ngữ văn, PGS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn ngữ văn trong chương trình GDPT 2018, nhìn nhận đề thi môn ngữ văn đã căn bản đáp ứng được yêu cầu của đề thi đánh giá năng lực theo chương trình 2018. Cụ thể là yêu cầu về năng lực đọc hiểu và năng lực viết.

Ông Thống đánh giá, đề thi này chính thức đã khép lại một thời kỳ giáo viên chỉ chạy theo trang bị kiến thức, dạy tủ, đoán mò; HS học thuộc tài liệu có sẵn…, đi thi chỉ chép lại, nói theo người khác. Cách thi này mở ra một giai đoạn mới: dạy cách đọc, cách viết một văn bản (cách học).

Đề thi tốt nghiệp THPT 2025: Cần phân tích kết quả thi, đổi mới cách dạy học - Ảnh 2.

Sự thay đổi trong cách ra đề thi sẽ tác động trực tiếp tới cách dạy học

ảnh: Nhật Thịnh

PGS Đỗ Ngọc Thống cũng cho rằng, cách ra đề môn ngữ văn năm nay mở ra một giai đoạn đề thi và đáp án được thiết kế theo yêu cầu năng lực, khác đáp án theo nội dung. Giáo viên cần đánh giá được cách đọc, cách viết, cách giải quyết một vấn đề của HS. Dài hay ngắn, trình bày theo những cách khác nhau, miễn là đúng hướng và có sức thuyết phục. Với định hướng năng lực, các nội dung cụ thể không quan trọng bằng hướng, cách suy nghĩ và cách giải quyết vấn đề của HS.

"Chặng đường đổi mới còn dài, cần lắng nghe các ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện tốt hơn cách ra đề thi theo yêu cầu mới. Tuy nhiên, cũng cần đủ bản lĩnh để tin vào những gì mình đã làm. Đề thi tốt nghiệp năm 2025 là một biểu hiện cụ thể, khép lại một cách làm cũ, mở ra một khởi đầu mới, một cách đánh giá mới góp phần "bẻ ghi" để con tàu dạy và học ngữ văn chuyển sang một hướng đúng hơn, có hiệu quả hơn", PGS Thống nhìn nhận.

Bộ GD-ĐT sẽ phân tích kết quả để đánh giá chất lượng đề thi

Ngày 1.7, Bộ GD-ĐT đã có báo cáo về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, trong đó khẳng định đề thi các môn đã từng bước thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đó là "đánh giá đúng năng lực HS, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH". Đề thi gia tăng các câu hỏi có tính phân hóa để tránh tình trạng như những năm trước là đề thi còn ít câu hỏi để phân loại, dẫn đến gây khó khăn cho công tác tuyển sinh, kéo theo nhiều cơ sở giáo dục ĐH phải tổ chức các kỳ thi riêng, tốn kém và lãng phí nguồn lực xã hội.

Về nội dung đề thi, Bộ GD-ĐT khẳng định không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình GDPT 2018. Tỷ lệ cấp độ tư duy (liên quan đến độ khó) được yêu cầu bám sát đề tham khảo đã công bố, có tính phân hóa và dựa vào kết quả thử nghiệm ở 3 vùng miền.

Việc có một số thông tin đánh giá đề khó, đặc biệt đối với môn thi toán và tiếng Anh, theo Bộ GD-ĐT, có thể do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, bộ này cho rằng cần đợi khi có kết quả chấm thi mới có thể xác định rõ ràng được.

"Để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29 và các thách thức đề ra đối với công tác đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, đề thi đã có nhiều sự điều chỉnh. Dù định dạng đề thi và định hướng điều chỉnh công tác ra đề thi đã được công bố từ năm 2023 nhưng do cấu trúc định dạng đề thi mới nên khó tránh khỏi tình trạng giáo viên và HS bỡ ngỡ với đề thi năm nay", Bộ GD-ĐT thừa nhận.

Khi đã hoàn tất việc chấm thi, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ thực hiện phân tích kết quả thi của TS để có cơ sở đánh giá về chất lượng của đề thi, kỳ thi, công tác dạy học trên phạm vi toàn quốc. Thực hiện phân tích điểm hiệu chỉnh giữa các môn thi để phục vụ công tác đánh giá kết quả thi của các môn thi. Việc này, theo Bộ GD-ĐT, là một trong những yêu cầu mới đối với công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Cũng tại báo cáo trên, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo đổi mới cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá quá trình học của HS, bao gồm cả kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ theo hướng tích hợp liên môn và gắn với thực tế, giúp HS tiếp tục làm quen với việc đánh giá theo hướng năng lực.

Nguồn: https://thanhnien.vn/de-thi-tot-nghiep-thpt-2025-can-phan-tich-ket-qua-thi-doi-moi-cach-day-hoc-185250701205249776.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm