Lãnh đạo huyện Lang Chánh thăm, tặng quà gia đình người có công với cách mạng tại xã Tân Phúc.
Tri ân bằng hành động cụ thể
Thanh Hóa là một trong những địa phương có số lượng người có công với cách mạng lớn nhất cả nước, với hơn 350.000 người, bao gồm gần 57.000 liệt sĩ, hơn 43.000 thương binh, gần 16.000 bệnh binh và hàng chục nghìn người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học. Con số không chỉ gợi nhắc về sự hy sinh, mất mát, mà còn là trách nhiệm thiêng liêng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà trong công cuộc chăm lo đời sống cho những người đã hy sinh, cống hiến vì Tổ quốc.
Nhận thức sâu sắc điều đó, tỉnh đã thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi theo quy định của Trung ương, đồng thời ban hành các chương trình, kế hoạch riêng phù hợp với tình hình địa phương. Tính đến nay, hơn 64.000 người có công và thân nhân đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, tỉnh đều dành ngân sách hàng chục tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà, tri ân người có công, riêng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, gần 28 tỷ đồng đã được chi để trao tặng 92.600 suất quà ý nghĩa.
Không dừng lại ở việc thực hiện chính sách, các cấp, các ngành đã tạo được những bước chuyển sâu sắc về nhận thức và hành động thông qua phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa, tinh thần tri ân không ngừng được khơi dậy trong mỗi người dân, lan tỏa từ chính quyền đến cộng đồng doanh nghiệp, đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân. Cụ thể, từ nguồn vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh và cấp huyện, trong 3 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa, hỗ trợ sinh kế cho người có công gặp khó khăn. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tính đến ngày 10/4/2025, tổng kinh phí các cấp đã phân bổ 452 tỷ 620 triệu đồng, để hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 4.328 hộ.
Cùng với đó, các hoạt động thăm hỏi, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, dâng hương, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân mỗi dịp 27/7... đã trở thành hoạt động ý nghĩa, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Có thể nói, từng hành động, từng nghĩa cử cũng góp phần bồi đắp tình cảm, làm nên một cộng đồng biết ơn và biết sống vì nhau. Khi những trái tim cùng chung nhịp đập với người có công, phong trào đền ơn đáp nghĩa sẽ còn mãi được gìn giữ và lan xa.
Yêu thương tiếp nối
Tình cảm tri ân không chỉ là việc của hiện tại mà còn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá khứ, hiện tại và tương lai. Với mục tiêu chăm lo toàn diện cho người có công, từ hỗ trợ vật chất đến cải thiện chất lượng sống, từ phục hồi sức khỏe đến đồng hành trong giáo dục và lập nghiệp. Hằng năm, hàng chục nghìn lượt người có công được tổ chức điều dưỡng tại gia đình hoặc tại các trung tâm chuyên biệt, với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa ngày càng được đầu tư nâng cấp, không chỉ là nơi nương tựa cuối đời mà còn là mái nhà ấm áp nghĩa tình. Công tác giáo dục và hỗ trợ học tập cho con em người có công được triển khai sâu rộng, hơn 1.900 lượt học sinh, sinh viên được miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập với tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng. Các chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh... đã giúp nhiều gia đình vươn lên ổn định cuộc sống.
Một trong những giá trị quan trọng nhất của công tác đền ơn đáp nghĩa là khả năng truyền cảm hứng, giáo dục đạo lý sống cho thế hệ mai sau. Trong một xã hội ngày càng phát triển nhanh về công nghệ và nhịp sống hiện đại, việc giữ gìn những ký ức hào hùng, lòng biết ơn sâu sắc với thế hệ đi trước trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Những chương trình như: “Thắp nến tri ân”, “Hành trình đến địa chỉ đỏ”, “Tình nguyện chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng”, hay dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ... đã giúp nhiều bạn trẻ được trực tiếp trải nghiệm, lắng nghe và cảm nhận rõ hơn về quá khứ oanh liệt mà đầy hy sinh của cha ông. Từ đó, các em không chỉ học được bài học lịch sử, mà còn học được cách sống có trách nhiệm, sống nhân ái và sẻ chia. Giữ lửa tri ân trong trái tim những người trẻ là cách tốt nhất để phong trào đền ơn đáp nghĩa không chỉ là nghĩa vụ hôm nay mà còn là trách nhiệm của cả một thế hệ với tương lai.
Không dừng lại ở những con số khô cứng, điều đáng quý là cách mà chính sách được triển khai thấu tình, đạt lý. Lan tỏa không chỉ bằng phong trào, mà từ chiều sâu nhân ái đã “bén rễ” trong cộng đồng, trong mỗi trái tim người dân xứ Thanh. Đền ơn đáp nghĩa không chỉ là việc của hôm qua hay hôm nay, mà là hành trình của cả dân tộc trong việc gìn giữ ký ức, lan tỏa lòng biết ơn và xây dựng một xã hội nhân văn, bền vững. Những chính sách đúng đắn, những hành động cụ thể và tình cảm chân thành của cộng đồng đã tạo nên một mạng lưới yêu thương, nơi những người có công được trân trọng, được sẻ chia và tiếp thêm sức mạnh. Khi mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rằng, tri ân là một phần của nhân cách sống, thì mạch nguồn đạo lý ấy sẽ không bao giờ cạn. Và chính trong hành trình tiếp nối yêu thương ấy, chúng ta đang bền bỉ viết tiếp những trang sử hào hùng của quê hương bằng trái tim của lòng biết ơn và khát vọng dựng xây.
Bài và ảnh: Trần Hằng
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/den-on-dap-nghia-khi-yeu-thuong-duoc-tiep-noi-248356.htm
Bình luận (0)