Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Di sản liên biên giới Việt - Lào góp phần bảo vệ chủ quyền, biên giới đất nước

“Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô” là Di sản thế giới liên biên giới đầu tiên của Việt Nam và Lào, hình mẫu về việc 2 nước hợp tác đề cử di sản chung, thúc đẩy hòa bình và an ninh theo quan điểm của UNESCO.

VietNamNetVietNamNet25/07/2025


Nhiều thông tin thú vị về di sản liên biên giới Việt – Lào được ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ sáng nay tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại.

W-Ong Thanh Cuc Di san.jpg1.jpg

Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cung cấp thông tin cho báo giới. Ảnh: Bình Minh

Cụ thể, trung tuần tháng 7 vừa qua, Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới (UNESCO) ở Thủ đô Paris - Pháp đã phê duyệt việc điều chỉnh ranh giới của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) gồm cả Vườn quốc gia Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn, Lào); đưa tên gọi “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô” vào danh sách di sản thế giới.

Hồ sơ đề cử công nhận Vườn quốc gia Hin Nam Nô là phần mở rộng của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được Chính phủ 2 nước Lào và Việt Nam thống nhất gửi tới UNESCO hồi tháng 2/2024.

Trao đổi với Báo VietNamNet, Phó cục trưởng Trần Đình Thành nhấn mạnh, ngành du lịch Việt Nam có cơ hội để mở rộng sang Hin Nam Nô (hiện mới chỉ có 1 điểm du lịch chính, đón khoảng gần 3.000 khách du lịch/năm). Cục Di sản văn hóa sẽ cung cấp thông tin để Cục Du lịch và tỉnh Quảng Bình nghiên cứu nội dung phát triển tuyến du lịch từ Phong Nha sang Him Nam Nô trong thời gian tới, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch gắn kết với di sản.

Sự kiện “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô” trở thành Di sản thế giới liên biên giới đầu tiên của Việt Nam và Lào cho thấy tầm quan trọng của hợp tác trên toàn cầu thông qua việc đề cử di sản chung, đóng góp vào việc thúc đẩy hòa bình và an ninh theo quan điểm của UNESCO, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa 2 nước. 

Đây là hình mẫu trong quản lý di sản thế giới liên biên giới đầu tiên giúp Việt Nam có thêm kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quản lý di sản thế giới theo Công ước 1972 về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của UNESCO.

Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa lưu ý, Vườn quốc gia Hin Nam Nô được nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế quan tâm, hỗ trợ nghiên cứu để bảo tồn, phát huy giá trị. Do vậy, Việt Nam cũng sẽ có thêm điều kiện phối hợp với các tổ chức, chuyên gia quốc tế để tiếp tục nghiên cứu giá trị của Phong Nha - Kẻ Bàng. 

“Nhiều nội dung được báo cáo trong hồ sơ di sản đa quốc gia của phía Hin Nam Nô đã giúp Việt Nam làm sáng tỏ nhiều vấn đề, bổ sung việc phát huy giá trị trong công tác nghiên cứu khoa học về Phong Nha - Kẻ Bàng. Ví dụ các thảm thực vật liên quan tới sự hình thành Phong Nha - Kẻ Bàng, hệ thống sông ngầm chảy qua Việt Nam hoặc chảy từ Việt Nam sang Lào, khu vực sinh sống, hoạt động của động thực vật qua biên giới Việt Nam - Lào…”, ông Thành cho hay.

Thời gian tới, hai nước Việt – Lào sẽ tiếp tục kết nối hợp tác trong nghiên cứu khoa học, làm rõ thêm các giá trị nổi bật toàn cầu của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nói riêng và của cả di sản nằm trên 2 nước Việt Nam, Lào; nâng cao hiệu quả quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô.

“Khai thác, phát huy tốt giá trị của Di sản liên biên giới Việt – Lào sẽ đóng góp tích cực vào việc tăng cường thực hiện bảo vệ chủ quyền, biên giới đất nước theo đúng Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới và Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Lào”, ông Thành nhấn mạnh.

Sức hấp dẫn của di sản thế giới liên biên giới

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có vùng lõi 123.326 ha, vùng đệm 220.055ha. Vườn quốc gia Hin Nam Nô có vùng lõi 94.121ha, vùng đệm 75.834 ha. Tổng diện tích di sản thế giới là 217.447ha vùng lõi và 295.889ha vùng đệm. 

Di san lien bien gioi Viet   Lao.jpg2.jpg

Di sản thiên nhiên thế giới này có hệ thống karst nhiệt đới ẩm ướt nguyên vẹn lớn nhất trên toàn cầu.

Di sản thiên nhiên thế giới này có hệ thống karst nhiệt đới ẩm ướt nguyên vẹn lớn nhất trên toàn cầu. Đặc biệt quan trọng là các hang động Sơn Đoòng và Xe Bang Fai có đoạn hang động lớn nhất thế giới được ghi nhận về đường kính, tính liên tục, đoạn hang sông hoạt động lớn nhất, cũng như hồ chứa hang động đơn lẻ tương ứng.

Tính đến nay, Việt Nam đã có 9 di sản thế giới, trong đó có 2 di sản thế giới liên tỉnh là Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng), Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc (tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng); 1 di sản thế giới liên biên giới Việt - Lào.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có hơn 2.700 loài thực vật và 800 loài động vật được ghi nhận. Còn Vườn quốc gia Hin Nam Nô có hơn 1.500 loài thực vật và 536 loài động vật có xương sống đã được ghi nhận.

Khu di sản là nơi sinh sống của 10 - 11 loài linh trưởng, 4 loài trong số đó là đặc hữu, cùng quần thể còn lại lớn nhất của Vượn má trắng miền Nam và Voọc đen đặc hữu.

Từ năm 1998, UNESCO đã khuyến nghị Việt Nam cần có các cuộc thảo luận với Nhà nước Lào nhằm mục đích mở rộng hơn nữa ranh giới ở giai đoạn sau, để bao gồm cả khu bảo tồn Karst Hin Nam Nô của Lào.

Năm 2003, UNESCO công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thế giới, tiếp tục khuyến nghị Việt Nam đối thoại về một thỏa thuận xuyên biên giới với Lào, trong đó hợp nhất Phong Nha-Kẻ Bàng và Khu Bảo tồn Quốc gia Hin Nam Nô. 

Từ đó đến nay, UNESCO đã có 6 khuyến nghị về nội dung hợp tác xây dựng hồ sơ giữa hai quốc gia Việt Nam và Lào.

Trên phương diện khoa học, việc xây dựng hồ sơ chung theo khuyến nghị của UNESCO nhằm đảm bảo tính toàn vẹn của di sản thế giới với hệ thống karst lớn nhất khu vực Đông Nam Á; tăng cường mối liên kết về đa dạng sinh học và hệ sinh thái trong khu vực.

Ngày 25/1/2023, Thủ tướng Chính phủ Lào có Công thư gửi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam chính thức đề nghị Việt Nam có thư ủng hộ di sản Hin Nam Nô là di sản thế giới xuyên biên giới mở rộng của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.  

Ngày 1/2/2024, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã có Công hàm số 18 gửi Trung tâm Di sản Thế giới chính thức ủng hộ Hồ sơ đề cử nêu trên.

Nguồn:https://vietnamnet.vn/di-san-lien-bien-gioi-viet-lao-gop-phan-bao-ve-chu-quyen-bien-gioi-dat-nuoc-2425416.html




Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm