BHG - Đầu tháng 5.2025, các ngành chức năng của tỉnh và huyện Bắc Mê, cùng các chuyên gia Viện Khảo cổ học, đã báo cáo sơ bộ về các di vật khảo cổ được khai quật tại khu vực nền chùa cũ (chùa Ba Tự), thôn Bó Củng, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê). Đây chính là những "mảnh ghép" quý giá, lặng lẽ kể lại câu chuyện của lịch sử qua từng lớp đất. Đồng thời, các di vật giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cội nguồn, hé lộ một phần của nền văn hóa theo từng giai đoạn phát triển của dân tộc.
Tháng 11.2023, các ngành chức năng của tỉnh và huyện Bắc Mê, cùng các chuyên gia đã tiến hành khảo sát, nắm bắt hiện trạng diện tích di tích nền chùa cũ thuộc thôn Bó Củng, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê). Di tích nằm bên bờ Nam sông Gâm, cách mép sông hiện tại khoảng 100m. Toàn bộ khu vực nằm trên đỉnh một quả đồi thấp, có hình dáng như mai rùa. Phía Bắc, Đông và Tây thoáng đãng, được bao bọc bởi dòng sông Gâm; phía Nam có núi cao che chắn, tạo nên một địa thế đẹp, phù hợp với việc xây dựng các công trình quan trọng. Theo tính toán sơ bộ, diện tích phân bổ của kiến trúc khoảng 2.720m², các công trình được quy hoạch thành 5 cấp nền có quy mô và cao độ khác nhau.
Lãnh đạo các ngành chức năng của tỉnh và huyện Bắc Mê cùng các chuyên gia khảo sát tại khu vực nền chùa cũ (chùa Ba Tự), thôn Bó Củng, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê). |
Qua khảo sát, đoàn sưu tầm đã phát hiện 173 hiện vật. Trong đó, thời Trần có 156 hiện vật, gồm gạch, ngói, trang trí kiến trúc, mảnh tháp, gốm men, sành mịn, sành thô. Thời Lê Sơ có 8 hiện vật là gốm men trắng vẽ lam và men trắng. Thời Lê Trung Hưng có 3 hiện vật là gốm trắng. Thời Nguyễn có 3 hiện vật là gạch bìa.
Trong quá trình khai quật di tích, đoàn đã phát hiện tổng cộng 12.456 hiện vật có niên đại từ thời Lý đến thời Nguyễn. Cụ thể, có 2 hiện vật gốm men thời Lý. Thời Trần có 161 hiện vật là vật liệu kiến trúc như ngói, trang trí kiến trúc (tượng rồng, lá đề), mảnh tháp và đồ dùng sinh hoạt. Thời Lê Sơ có tới 7.172 hiện vật, chủ yếu là đồ gốm men, ngói cong. Thời Lê Trung Hưng có 33 hiện vật, đều là gốm men trắng. Thời Nguyễn có 6 hiện vật là gốm men trắng vẽ lam. Ngoài ra, có 17 hiện vật kim loại như đinh, chuông, tiền và mảnh sành hình chữ nhật.
Theo đánh giá của các chuyên gia Viện Khảo cổ học, trong số các di vật thời Trần, đáng chú ý là một số mảnh tượng rồng, lá đề, mảnh tháp trang trí rồng cuộn kết hợp với hoa lá. Rồng là biểu tượng dành cho vua, thể hiện quyền lực; lá đề và tháp là những biểu tượng gắn liền với hệ tư tưởng Phật giáo. Sự xuất hiện của các hiện vật này phần nào cho thấy sự kết hợp giữa chính trị và tôn giáo, đồng thời gợi ý rằng ngôi chùa thời Trần này có thể có liên quan đến triều đình hoặc người trong hoàng tộc.
Các đại biểu tham quan những hiện vật được khai quật tại chùa Ba Tự. |
Việc phát hiện số lượng lớn vật liệu kiến trúc, đồ trang trí và các mảnh tháp cho thấy công trình được xây dựng từ thời Trần và tiếp tục được sử dụng, tu bổ qua các thời kỳ Lê Sơ, Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn. Chỉ trong phạm vi khai quật rất nhỏ — 80m² trên tổng thể khoảng 2.720m² — đã phát hiện hàng chục nghìn hiện vật kéo dài từ thời Lý đến thời Nguyễn. Nhiều di vật khác hiện vẫn đang được bảo tồn tại các hố khai quật.
Những tư liệu này có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu lịch sử, văn hóa của vùng đất Bắc Mê nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung. Các di vật thu thập được sẽ bổ sung nguồn tư liệu quý giá phục vụ công tác trưng bày, giới thiệu và phát huy giá trị di sản tới đông đảo Nhân dân, du khách trong và ngoài nước tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang.
Đồng chí Ma Văn Tỏe, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê, cho biết: Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa thể khẳng định chính xác phạm vi phân bổ toàn bộ di tích. Vì vậy, trước mắt, huyện phối hợp với các ngành chức năng để xây dựng phương án bảo vệ và bảo tồn di tích, di vật, nhằm tránh tình trạng bị xâm hại hoặc phá hủy do hoạt động xây dựng, canh tác của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho Nhân dân về giá trị của di sản, từ đó tăng cường ý thức bảo vệ, gìn giữ, tránh làm hư hại di tích hoặc làm thất lạc hiện vật.
Sau khi xác định được chính xác phạm vi, tính chất và niên đại của di tích, huyện sẽ tiến hành lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích, khoanh vùng bảo vệ và xây dựng phương án phát huy, khai thác giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Mục tiêu là đảm bảo sự phát triển hài hòa, bền vững giữa phát triển kinh tế – xã hội với công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc.
Bài, ảnh: Hoàng Tuyến
Nguồn: https://baohagiang.vn/van-hoa/202505/di-vat-khao-co-nhung-manh-ghep-giua-lich-su-va-tuong-lai-9d93bb9/
Bình luận (0)