Nằm ẩn mình dưới lòng đất xã Kỳ Anh (nay là xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam), địa đạo Kỳ Anh là minh chứng cho tinh thần chiến đấu kiên cường và sự sáng tạo phi thường của quân dân Quảng Nam trong những năm tháng kháng chiến.
Tháng 5.1965, địa đạo Kỳ Anh được người dân bắt đầu đào, với những công cụ đơn giản như cuốc, xẻng, xà beng, thúng… cùng sự tham gia của nhiều lực lượng như bộ đội, du kích địa phương, phụ nữ, nông dân.
Đường vào hầm cứu thương
ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Đến năm 1967, địa đạo được hoàn thiện với tổng chiều dài khoảng 32 km, chiều rộng từ 0,5 - 0,8 m, chiều cao khoảng 0,8 - 1 m, chiều dài các đoạn tùy theo địa thế của mỗi thôn.
Địa đạo không chỉ là nơi trú ẩn mà còn được thiết kế với nhiều công năng khác nhau: hầm chỉ huy, hầm quân y, hầm chứa lương thực, hầm tránh bom, các ụ chiến đấu bí mật và cả những đường hầm thông hơi được ngụy trang khéo léo.
Địa đạo Kỳ Anh trở thành "căn cứ lòng dân", góp phần làm nên những chiến thắng vang dội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ông Huỳnh Kim Ta (66 tuổi, ở làng Thạch Tân) cho hay cùng với địa đạo Củ Chi (ở TP.HCM) và địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị), địa đạo Kỳ Anh là một trong 3 địa đạo lớn nhất của Việt Nam trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm.
Địa đạo Kỳ Anh bắt nguồn từ ngôi đình làng cổ Thạnh Tân hơn 300 năm tuổi. Ngày xưa, việc đào địa đạo bắt đầu từ ngay dưới những hàng tre và hệ thống cây dây leo bản địa.
Đặc biệt, trong mỗi hầm tránh pháo của người dân đều có đường thông với địa đạo Kỳ Anh, nên khi quân địch đến thì cán bộ, chiến sĩ cách mạng đi theo đường tránh pháo để vào địa đạo ẩn nấp.
Nhiều bí ẩn xung quanh ngôi đình làng cổ hơn 300 năm tuổi
Ở làng Vĩnh Bình, địa đạo bắt nguồn từ giếng nước của gia đình ông Hồ Kỳ. Khi xuống khỏi mặt nước, dưới lòng đất sẽ có 3 đường đi.
Cụ thể, một đường đi vào làng Vĩnh Bình. Đường khác dẫn vào nhà liệt sĩ Phạm Sĩ Thuyết, một căn cứ cách mạng đáng tin cậy, vì dưới nền nhà là căn hầm hoạt động cách mạng bí mật. Một đường khác dẫn ra hướng sông Đầm với hệ thống bãi lau sậy sình lầy rộng hơn 180 ha.
Bên trong địa đạo Kỳ Anh
ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Theo ông Ta, vị trí địa đạo Kỳ Anh chỉ cách trụ sở chính quyền cũ 7 km và cách căn cứ nơi quân Mỹ đóng quân chỉ khoảng 2 km, nên nơi đây được xem là vùng chiến lược của cách mạng, đóng vai trò hết sức quan trọng.
"Vì có vị trí quan trọng, nên trong chiến tranh, nơi đây thường bị địch đánh phá rất ác liệt khiến nhà cửa, làng mạc bị tàn phá nghiêm trọng. Trong chiến tranh, làng Thạch Tân chỉ có 140 hộ gia đình với hơn 600 người dân, nhưng lại có đến 203 liệt sĩ và 59 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trải qua 2 cuộc chiến tranh chống ngoại bang xâm lược, toàn xã Tam Thăng có 1.252 liệt sĩ và có đến 237 Bà mẹ Việt Nam anh hùng", ông Ta chia sẻ.
Địa đạo Kỳ Anh có nhiều lối đi ở địa bàn xã, nhưng tập trung nhiều nhất là ở xóm Thạch Tân và Vĩnh Bình. Thời gian đào từ 17 giờ ngày hôm nay qua 2 giờ sáng ngày hôm sau. Đất đá sau khi đào sẽ được vận chuyển đổ lên các hầm tránh pháo của người dân.
Ông Ta cũng cho hay, địa đạo Kỳ Anh khác với địa đạo Củ Chi và Vịnh Mốc ở chỗ được xây dựng ngay trong khu dân cư.
"Việc xây dựng và giữ bí mật của địa đạo có sự góp công rất lớn từ người dân. Vì vậy, ngoài tên địa đạo Kỳ Anh, công trình còn có tên địa đạo trong lòng dân", ông Ta tâm sự.
Địa đạo Kỳ Anh đã được công nhận Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia
ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Một điểm đặc biệt làm nên sự độc đáo của địa đạo Kỳ Anh chính là việc địa đạo chạy ngang qua ngôi đình thiêng Thạch Tân. Ngôi đình cổ kính này không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương mà còn chứng kiến một sự kiện phi thường.
Trong chiến tranh, ngôi đình là căn cứ cách mạng, dưới ngôi đình cổ này được xây dựng hầm cứu thương và hầm trữ lương thực. Năm 1968, quân địch hành quân đến đây, nghi là căn cứ cách mạng nên đã dùng 4 xe tăng phá các vách tường rồi cột dây xích vào các cột đình để kéo, nhưng các dây xích đều bị đứt.
"Sự kiên cố lạ thường của ngôi đình càng làm tăng thêm niềm tin và sức mạnh tinh thần cho quân và dân ta. Hiện nay, những cây cột đình làng vẫn còn in hằn vết đạn, vết dây xích", ông Ta nói thêm.
Năm 1997, địa đạo Kỳ Anh được công nhận Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.
Dười đây là một số hình ảnh PV Thanh Niên ghi lại về địa đạo Kỳ Anh:
Hầm cứu thương nằm ngay dưới ngôi đình làng cổ Thạch Tân
ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Địa đạo Kỳ Anh có tổng chiều dài 32 km
ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Ông Huỳnh Kim Ta hướng dẫn, thuyết minh cho một du khách nước ngoài khi đến tham quan địa đạo Kỳ Anh
ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Với chiều dài ấn tượng 32 km, địa đạo Kỳ Anh không chỉ là một công trình quân sự độc đáo mà còn là một di tích lịch sử mang đậm giá trị văn hóa và tâm linh
ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Địa đạo Kỳ Anh được xem là 1 trong 3 địa đạo dài và quy mô nhất Việt Nam, sánh ngang với địa đạo Củ Chi (TP.HCM) và địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị)
ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Cổng vào hầm chỉ huy
ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Những hiện vật được trưng bày tại địa đạo Kỳ Anh
ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Đình làng Thạch Tân hơn 300 năm tuổi được xem là ngôi đình thiêng liêng
ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Miệng hầm cây rơm dẫn vào địa đạo Kỳ Anh
ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Địa đạo Kỳ Anh với hệ thống đường hầm chằng chịt được đào bằng phương pháp thủ công, len lỏi qua các thôn xóm, trở thành nơi trú ẩn an toàn, là căn cứ hoạt động bí mật của bộ đội và du kích
ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Những kỷ vật thời chiến được trưng bày tại nhà lưu niệm địa đạo Kỳ Anh để người dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu
ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Khu vực họp bàn về công tác chiến đấu trong địa đạo
ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Địa đạo Kỳ Anh thu hút du khách đến tham quan, khám phá
ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Một miệng đường hầm khác dẫn vào địa đạo Kỳ Anh
ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Cột đình làng Thạch Tân gắn với sợi dây xích mà địch dùng 4 xe tăng kéo nhưng không ngã
ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Nguồn: https://thanhnien.vn/dia-dao-trong-long-dan-dai-32-km-o-quang-nam-co-gi-dac-biet-185250421180455292.htm
Bình luận (0)