Tháo “nút thắt, điểm nghẽn” cho doanh nghiệp Việt
Trao đổi với phóng viên Báo PLVN, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nhận định: “Tinh thần cốt lõi của Nghị quyết 68 chính là đặt DN tư nhân vào vai trò đối tác chiến lược của Nhà nước - cùng kiến tạo phát triển xã hội. Chính sách mới không nhìn DN như đối tượng bị quản lý, mà là chủ thể đồng hành, chia sẻ trách nhiệm và cùng kiến thiết tương lai”.
Nghị quyết 68 nêu rõ DN là “đối tượng phục vụ” thay vì “đối tượng quản lý”. Thay đổi 4 chữ đó thực sự là một cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức. Từ nhận thức đến hành động là một quá trình đòi hỏi hệ thống chính quyền các cấp cùng vào cuộc. Ông Hiệp cho biết, hiện nay, Bộ Xây dựng đang yêu cầu các đơn vị triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, rà soát để cắt giảm mạnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Đó là những tín hiệu rất tích cực phục vụ cho DN Việt, giúp DN Việt có thêm tự tin để “so găng” với các DN nước ngoài.
Trong bối cảnh cả nước đang chuẩn bị triển khai những dự án, công trình trọng điểm quốc gia như Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 67 tỷ USD; đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng 8 tỷ USD..., VACC đã kiến nghị Bộ Xây dựng về một số cơ chế đặc thù để các nhà thầu trong nước tham gia các dự án trọng điểm của quốc gia. Cụ thể, kiến nghị đầu tiên là bỏ tiêu chí nhà thầu phải có kinh nghiệm 1 - 2 dự án tương đương mới được tham gia, do dự án đường sắt tốc độ cao chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam.
Về năng lực tài chính, VACC kiến nghị xem xét cộng dồn tài chính của các DN thành viên trong tổ hợp nhà thầu đăng ký tham gia, vì các DN xây dựng Việt Nam đa số có vốn nhỏ. Đồng thời, các gói thầu cần được tách phần xây lắp hạ tầng riêng, phần thiết bị riêng với quy mô hợp lý. Về cơ chế thầu, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cho phép chỉ định thầu có điều kiện để tiết kiệm thời gian; xây dựng hệ thống định mức đơn giá tổng hợp để có thể áp dụng kịp thời. Về hình thức hợp đồng, kiến nghị cho phép sử dụng hình thức hợp đồng trọn gói, với cơ chế hậu kiểm để giảm bớt vướng mắc cho các nhà thầu. Có thể sử dụng hợp đồng làm bảo đảm tín dụng cho các gói vay cho dự án và cho áp dụng mức lãi suất vay ưu đãi.
Chủ tịch VACC cũng đề xuất phân chia các dự án thành phần và phần hạ tầng thành gói thầu dành cho các nhà thầu Việt Nam. Đồng thời, thành lập tổ hợp các nhà thầu, mỗi một tổ hợp gồm 5 - 6 nhà thầu tập trung được cả DN lớn và vừa, để có thể phát huy sức mạnh tối đa của các DN. Đây chính là cơ hội vàng giúp DN phát triển.
Nhà thầu Việt Nam nên độc lập hay liên danh?
Trong thực hiện Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, ông Lê Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Kinh tế Quản lý Đầu tư Xây dựng (Bộ Xây dựng) thông tin: “Ngành xây dựng luôn luôn tiếp thu lắng nghe các phản hồi tích cực từ phía các hiệp hội, các DN, các tổ chức từ trung ương đến địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cùng với việc sắp xếp tổ chức bộ máy phân cấp, phân quyền, chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động ngày 1/7/2025, Bộ Xây dựng sẽ rà soát tổng thể toàn diện luật xây dựng và các văn bản hướng dẫn liên quan đến ngành”.
Về sửa đổi, tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc, tạo cơ hội cho các DN phát triển ông Tiến cho rằng, cần chia sẻ hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và DN, với mục tiêu phát triển kinh tế đất nước.
Cục trưởng Tiến cho biết thêm, trong sửa đổi các quy định phân cấp, phân quyền, Bộ Xây dựng đã có những bổ sung, sửa đổi quản lý chi phí, địa phương được phép ban hành định mức không cần thỏa thuận với Bộ Xây dựng.Bên cạnh đó, mô hình tổ hợp nhà thầu tuy chưa có khái niệm cụ thể trong luật, nhưng về thực chất đã được điều chỉnh thông qua hình thức nhà thầu độc lập hoặc liên danh.
“Tới đây, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đôn đốc địa phương công bố đơn giá sát thực tế, sẽ rà soát kiểm tra thống kê, nếu sai sẽ “thổi còi”, nếu đúng sẽ đưa vào hệ thống”, ông Tiến cho biết. Đồng thời nhấn mạnh vai trò của đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu thi công các dự án quy mô lớn trong giai đoạn tới.
Ông Nguyễn Hữu Thăng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư - Xây dựng HJC nhận định: Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị chính là phép thử cho năng lực kiến tạo và điều hành chính sách của Nhà nước trong giai đoạn mới. Với những DN vừa và nhỏ muốn “vươn ra biển lớn” thì cần liên kết lại tránh phân tán, thiếu liên kết.
Ngoài ra, cần có một cơ chế cởi mở, để cạnh tranh và phát huy hết khả năng của các nhà thầu. “Chúng tôi mong muốn Đảng, Quốc hội, Chính phủ có cơ chế hài hòa, hợp lý về lợi ích của Nhà nước, DN và xã hội để làm sao cơ chế mang lại hiệu quả chung cho quốc gia, DN” - ông Thăng nhấn mạnh.
Đồng thuận với quan điểm trên, ông Nguyễn Thái Lan - Công ty TNHH Hai Pha Việt Nam cho rằng, mô hình liên danh, liên kết, giảm hoặc bỏ các tiêu chí về hợp đồng tương tự, tương đương... trong Luật Đấu thầu sẽ giúp DN tự tin vào sân chơi tới đây trong đa ngành nghề, lĩnh vực. Ngoài ra, việc kết hợp năng lực, rút ngắn thời gian, chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích.
Ông Lan mong muốn có một quy định pháp lý cụ thể để điều tiết cơ chế hoạt động, phân chia trách nhiệm - quyền lợi giữa các bên. Cụ thể hóa và xây dựng mẫu hợp đồng tổ hợp nhà thầu; Quy định rõ trách nhiệm liên đới - riêng rẽ của từng thành viên; Hướng dẫn quy trình điều hành liên danh trong thực tế thi công...
Nguồn: https://baophapluat.vn/doanh-nghiep-noi-tim-huong-tham-gia-cac-du-an-trong-diem-quoc-gia-post553651.html
Bình luận (0)