Từ xưa, người Hrê ở Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã biết dệt thổ cẩm làm trang phục và đồ dùng sinh hoạt, nhưng đến nay chỉ còn thôn Làng Teng (xã Ba Thành, H.Ba Tơ) là vẫn giữ nghề này.
GIỮ NGHỀ CHO LÀNG
Một ngày gần đây, một người bạn cho chúng tôi xem những mẫu y phục váy áo, vòng tay… thổ cẩm do người Hrê dệt. Ngạc nhiên về sự cách tân, sáng tạo, chúng tôi cứ đinh ninh đây là sản phẩm được dệt theo mẫu của nhà thiết kế. Thế nhưng khi hỏi kỹ lại mới biết thiết kế và dệt nên những sản phẩm độc đáo này lại là một cô gái Hrê ở thôn Làng Teng.
Thiếu nữ Hrê ở Làng Teng bên khung dệt thổ cẩm. Ảnh: Đ.MINH
Thôn Làng Teng có hơn 200 hộ, cách QL24 khoảng 3 - 4 km. Giống bao làng Hrê nằm bên sông Liêng hiền hòa, nhưng Làng Teng có nét riêng biệt. Đó là nơi này có cụm nhà sàn tái hiện làng Hrê ngày trước, trong ấy có những vật dụng, tranh ảnh ghi dấu sinh hoạt đời thường của người dân xã Ba Thành, nhiều nhất là của Làng Teng.
Điều đặc biệt hơn là phụ nữ Làng Teng vẫn còn giữ nghề dệt thổ cẩm, trong khi phụ nữ ở làng Hrê khác đã bỏ quên nghề này.
Nhiều năm trở lại đây, nghề dệt thổ cẩm Làng Teng có phần sôi động hẳn lên khi có một sơn nữ đầy nghị lực và đam mê, quyết tâm giữ gìn nghề truyền thống cha ông để lại. Đó là chị Phạm Thị Y Hòa (34 tuổi). Không chỉ giữ nghề của cha ông, chị còn nung nấu việc cách tân dệt thổ cẩm Làng Teng để phát triển mạnh ra thị trường.
Chị Hòa và mẫu thiết kế cách tân thổ cẩm Làng Teng. ẢNH: NVCC
Nghĩ là làm, chị Hòa đi học nghề dệt từ các nghệ nhân lớn tuổi và tự tìm hiểu, nghiên cứu để thiết kế mẫu thổ cẩm, làm sao vừa đảm bảo thổ cẩm truyền thống với các hoa văn chủ đạo, lại vừa đẹp, mang tính hiện đại. Quan trọng nữa là khi sản phẩm xuất hiện được mọi người đón nhận.
Nhờ sự nỗ lực giữ gìn nghề truyền thống, bước đầu chị Hòa đã gặt hái được thành công nhất định. Đến nay, chị không chỉ sản xuất váy, áo mà còn đa dạng thể loại sản phẩm, như: khăn trải bàn, khăn choàng cổ, cà vạt, ví hộ chiếu, túi xách, váy áo, khố, túi xách, sổ tay... Trong đó, cà vạt và khăn choàng đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Sản phẩm làm từ dệt thổ cẩm ở Làng Teng bán ra thị trường. ẢNH: K.ĐOÀN
Năm 2023, khăn choàng, khăn trải bàn, cà vạt và khăn lót bình hoa thổ cẩm của chị Hòa đã được Quảng Ngãi chọn làm quà tặng tại các sự kiện đối ngoại của tỉnh ở 17 quốc gia. Trong năm 2023 và 2024, cơ sở của chị đã sản xuất 1.300 cà vạt, 700 bộ váy, áo, khố nam, thu về hơn 1 tỉ đồng. Khoảng 30 lao động ở Làng Teng có việc làm từ nghề dệt truyền thống của chị, thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.
MỘT THỜI TRỒNG BÔNG DỆT THỔ CẨM
Những cụ già ở Làng Teng thường kể lại, xưa ở đây tổ tiên người Hrê trồng bông để dệt thổ cẩm. Thông thường vào khoảng cuối mùa xuân, bông nở trắng các vùng đồi trải dài theo dòng sông Liêng, phụ nữ Hrê lại đi hái về để làm sợi dệt thổ cẩm.
Nhớ lần ở Làng Teng, chúng tôi được nghệ nhân dệt thổ cẩm là bà Phạm Thị Pót kể rằng, dân làng còn đào các loại rễ cây rừng về nấu lên, rồi ngâm sợi vải vào cho ra các màu đen, đỏ. Trang phục truyền thống của người Hrê là phụ nữ mặc váy 2 tầng, yếm cánh màu đen, đầu trùm khăn, cổ đeo vòng và hạt cườm. Đàn ông thì đóng khố, ở trần hoặc khoác áo cánh ngắn… Trang phục có các màu sắc chủ đạo là đen, đỏ.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa, tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, có 4 nhóm người Hrê nằm ở các địa bàn miền núi Quảng Ngãi. Theo đó, chỉ có nhóm Hrê ở H.Sơn Hà (gọi là Hrê Nước Rin) và nhóm Làng Teng (gọi là Hrê Nước Liêng) có nghề dệt thổ cẩm; còn nhóm đồng bào Hrê phía tây H.Ba Tơ và nhóm ở H.Minh Long (Quảng Ngãi) thì không tìm thấy. Đến nay, chỉ còn Làng Teng vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm.
Trang phục thổ cẩm cách tân bằng dệt thủ công ở Làng Teng. ẢNH: Y HÒA
Tiến sĩ Khôi cho biết việc dệt quần, áo và các sản phẩm của người Làng Teng giống đồng bào dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn, Tây nguyên, nhưng nét độc đáo ở Làng Teng là hoa văn truyền thống trên thổ cẩm.
Theo tiến sĩ Khôi, để có màu sắc hoa văn, họ dùng rễ và lá cây để pha làm màu đen và đỏ. Những hoa văn đó mô tả đời sống tự nhiên, thiên nhiên, nhưng không có hình người và thú. Đặc biệt hoa văn Làng Teng không có hồi văn, nghĩa là băng hoa văn đi mãi không bao giờ dừng, lặp lại, thể hiện tư duy phát triển của đồng bào Hrê ở Làng Teng xưa. Ở đó, màu đen trên hoa là màu của nước, đất, đời sống con người, vạn vật; còn màu đỏ là của thần linh.
Nghề dệt thổ cẩm ở Làng Teng bây giờ đã thích nghi thị trường, do dân làng không còn trồng bông nữa mà dùng sợi chỉ vải, sản xuất theo đơn đặt hàng, nên sản phẩm nhiều màu hơn, đẹp hơn nhưng những hoa văn truyền thống vẫn còn in đậm trên thổ cẩm của làng.
Đặc biệt, trải qua bao năm tháng, để thể hiện sự trân trọng, người Làng Teng luôn mặc đồ thổ cẩm khi thôn, xã có lễ hội hoặc khi có ai đó về với ông bà, tổ tiên. Chị Hòa từng có lần từ chối dệt thổ cẩm Làng Teng bằng máy và cho rằng linh hồn thổ cẩm Hrê vùng Nước Liêng là dệt thủ công. Ở đó không chỉ là tâm huyết mà còn là cách để giữ mạch nguồn văn hóa của làng. (còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/doc-dao-di-san-van-hoa-phi-vat-the-lang-tho-cam-ben-song-lieng-185250405224152925.htm
Bình luận (0)