Lễ cầu mưa được tổ chức hằng năm với niềm tin rằng Pơtao Apui (vua lửa) có khả năng thông linh với Yàng (trời) để cứu những vùng đất mùa khô đang khát cháy, mang lại nhiều điều lành cho dân làng.
Ông Siu Phơ (trái) chủ trì lễ cúng cầu mưa
ẢNH: TRẦN HIẾU
Nghi lễ cầu mưa từng tồn tại, trải dài theo cuộc sống của những cư dân Jrai vùng đông nam tỉnh Gia Lai. Nơi ấy từ xa xưa đã tồn tại những ông vua không ngai, một dạng thần quyền trong cộng đồng cư dân các dân tộc thiểu số ở đây. Đó là "vua nước", "vua lửa".
Từ năm 2015, Bộ VH-TT-DL đã công nhận nghi lễ này là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cũng từ nhiều năm nay, lễ cầu mưa được tổ chức bài bản tại Khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi ở xã Ayun Hạ, H.Phú Thiện (Gia Lai).
THẮT CHẶT MỐI ĐOÀN KẾT CỘNG ĐỒNG
Bắt đầu tầm cuối tháng 3 hoặc từ đầu tháng 4 dương lịch hằng năm, khi mặt trời phủ màu vàng quạch trên vùng đất cao nguyên mùa khô khát cháy, thời điểm ấy dân làng sửa soạn đồ lễ để cầu mưa, cầu sức khỏe, mùa màng bội thu, đoàn kết và vượt qua khó khăn để buôn làng no ấm.
Mối quan hệ cộng đồng từ ấy cũng được thắt chặt hơn. Điều này đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ buôn làng, cộng đồng trước thú dữ; đoàn kết để chiến thắng kẻ thù, bệnh tật…
Nhiều năm trước, nghi lễ này do ông Rơlan Hieo, phụ tá cho vị "vua lửa" cuối cùng đảm nhiệm. Chúng tôi còn nhớ sự nghiêm cẩn của ông trước tiền nhân, nghiêm trang trong phần lễ. Ông đứng im một thoáng để định thần rồi trịnh trọng bước ra chỗ cây nêu dựng giữa một khoảng đất trống. Sau đó, ông quay mặt về ngọn núi, nơi từng cất giữ thanh gươm - vật báu của làng mà ngày xưa chỉ có "vua lửa" mới được quyền đến lấy khi làm lễ.
Đồ lễ gồm một ghè rượu, sáp ong se thành cây nến, một tô gạo, thịt được cắt ra thành từng miếng bày sẵn. Ông lấy củ Jrao hchich (một loại củ rừng) do chính ông đi vào rừng sâu lấy về hòa với rượu, sau đó rửa tay nhằm thanh tẩy những ô uế trên người trước khi hành lễ.
Một hồi chiêng tấu lên, ông Rơlan Hieo nghiêm cẩn ngồi xuống bên ché rượu, cắm cần rượu cúng Pơtao Apui vào ché, lạy 3 lạy, thắp nến chào thần linh rồi lầm rầm khấn: "Ơi Yàng, ơi Pơtao Apui, ơi thần hàng ngàn, hàng vạn, mẹ ở thượng nguồn sông Ba, cha ở thượng nguồn biển cả… Mong các vị thần phù hộ và che chở cho dân làng được nhiều sức khỏe, cho mưa thuận gió hòa và cho mùa màng tốt tươi…".
NGHI LỄ TRUYỀN ĐỜI
Sau phần lễ là phần hội. Phụ nữ trong làng được huy động từ trước để phục vụ nấu nướng. Những ghè rượu đã được các bàn tay khéo léo của các phụ nữ ủ sẵn từ lâu, nay mang ra đổ nước vào và chỉ còn chờ khai hội. Mùi rượu cần bốc lên thơm lừng. Đám trai làng nhanh nhẹn, khỏe mạnh cũng đã xắn tay cắt thịt, làm dàn để đặt rượu cần…
Sau phần lễ là phần hội với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ
ẢNH: TRẦN HIẾU
Tùy điều kiện mà lễ hội được tổ chức to hay nhỏ. Có năm làm cả trâu, bò, năm thì chỉ làm heo. Dù ít hay nhiều nhưng đều thể hiện sự long trọng, trang nghiêm. Sau 14 đời "vua lửa" chủ trì nghi lễ này, dù ngày nay không còn sự tồn tại của những ông vua không ngai như thế, nhưng tín ngưỡng dân gian này vẫn được duy trì và được cộng đồng Jrai coi trọng.
Vào phần hội, người làng hòa vào niềm vui trong từng can rượu cần. Những vòng xoang cứ thế mở rộng thêm ra theo những điệu cồng chiêng đầy mời gọi. Nhiều du khách biết có lễ cầu mưa cũng tìm đến để tận mắt chứng kiến, thưởng lãm nghi lễ truyền đời từ xa xưa.
Những năm gần đây, lễ cầu mưa được tổ chức tại Khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi ở xã Ayun Hạ, nơi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ 32 năm nay. Nghi thức cúng cầu mưa được phục dựng nguyên bản theo phong tục của người Jrai. Thực hiện lễ cúng là ông Siu Phơ, phụ tá của ông Rơlan Hieo. Sự trùng hợp rất thú vị là có một vài năm, sau lễ cúng buổi sáng thì chiều đó trời cũng đổ mưa.
Hàng chục năm nay, đại thủy nông Ayun Hạ đã đưa nước về đến các chân ruộng giúp người dân canh tác lúa hai vụ. Nước về thôn buôn, nước về đến chân nhà sàn. Cuộc sống người dân ấm no, hình thành thêm những vùng dân cư trù phú. Người dân làm giàu từ đồng đất quê hương với nghề trồng lúa. Mặc dù đã chủ động được nguồn nước tưới trong mùa hạn hán cao nguyên nhưng nghi lễ cầu mưa vẫn được cộng đồng người Jrai duy trì.
Ông Nguyễn Ngọc Ngô, Phó chủ tịch thường trực UBND H.Phú Thiện, cho biết: "Đây là lễ hội văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Jrai vùng đông nam Gia Lai. Những năm gần đây, cùng với lễ cầu mưa, chúng tôi còn tổ chức nhiều hoạt động mang đậm phong vị văn hóa bản địa và tổ chức phiên chợ nông sản để quảng bá sản phẩm địa phương như chả cá thác lác từ hồ thủy nông Ayun Hạ, các loại gạo đặc sản, yến sào… nhằm thu hút du khách, quảng bá tiềm năng, cơ hội của địa phương. Chúng tôi cũng lưu ý các ngành chức năng để lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa tột quý của cộng đồng Jrai ở đây, trong đó có lễ cúng cầu mưa". (còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/doc-dao-di-san-van-hoa-phi-vat-the-le-cau-mua-o-ayun-ha-185250403222924044.htm
Bình luận (0)