Phụ nữ các xã vùng Mường Vang giao lưu trò chơi đánh mảng dân tộc Mường.
Hiện, địa bàn đang lưu giữ trên 1.200 chiếc chiêng Mường, gần 19.000 ngôi nhà sàn, phát triển 10 câu lạc bộ hát dân ca thường rang bộ mẹng, 1 câu lạc bộ mo Mường, 3 câu lạc bộ thơ ca, 5 câu lạc bộ chiêng Mường, 2 câu lạc bộ hát múa dân gian, 1 hợp tác xã dệt thổ cẩm dân tộc Mường. Cùng với đó, cộng đồng Mường Vang còn bảo tồn được nhiều phong tục độc đáo, tinh hoa ẩm thực bản địa. Đặc biệt, nét đẹp trang phục dân tộc vẫn được người dân thường xuyên sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, nhất là dịp lễ Tết, ngày hội. Các lễ hội truyền thống được bảo tồn, phục dựng. Hệ thống di tích, danh lam, thắng cảnh phong phú, tiêu biểu là Di tích Quốc gia đặc biệt Hang xóm Trại (xã Mường Vang) và Mái đá làng Vàng (xã Yên Phú).
Hiện nay, các hình thức sinh hoạt trò chơi dân gian có nguy cơ bị lãng quên, do những tác động của cơ chế thị trường vào đời sống văn hóa tinh thần, sự phát triển của internet, trò chơi game lấn át một số nhạc cụ, trò chơi dân gian truyền thống. Tại các xã vùng Mường Vang, trò chơi dân gian, bộ môn thể thao dân tộc Mường vẫn vươn sức sống bền bỉ.
Bà Bùi Thị Vinh ở xóm Rậm Cọ, xã Thượng Cốc bộc bạch: Người Mường ở vùng Mường Vang luôn tự hào về nguồn cội dân tộc mình, nhắc nhở, giáo dục con cháu phải biết giữ gìn vốn quý văn hóa. Đáng mừng là các thế hệ cộng đồng Mường nơi đây luôn tích cực phát huy giá trị văn hóa bằng việc sôi nổi tham gia các hoạt động phục dựng trò chơi dân gian, lễ hội, làng nghề dệt vải; các chương trình giao lưu hát đúp giao duyên, thường rang, bộ mẹng của dân tộc Mường với các câu lạc bộ xã bạn, tỉnh bạn.
Bà Bùi Thị Thắm - người có nhiều năm gắn bó với công tác bảo tồn văn hóa trong cộng đồng Mường Vang chia sẻ: Văn hóa Mường đã thấm sâu, lan tỏa trong đời sống tinh thần của mỗi người dân vùng Mường. Minh chứng rõ nét là các câu lạc bộ hát dân ca Mường trên địa bàn sinh hoạt đều đặn, tự tổ chức các hoạt động giao lưu và có nhiều đổi mới trong việc giới thiệu, quảng bá văn hóa Mường trên không gian mạng. Cộng đồng xóm, xã thường xuyên tự tổ chức trò chơi đánh mảng, đánh găng, đi cà kheo; các môn thể thao dân tộc như: Bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co... thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia.
Thời gian qua, để góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”, sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về chính sách, chủ trương; sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong hướng dẫn, triển khai, tổ chức các phong trào, hoạt động văn hóa rất đáng ghi nhận. Trên địa bàn đã phục dựng 9 lễ hội truyền thống, tiêu biểu như: Lễ hội Đu Vôi, lễ hội rước Bụt hang Khụ Dúng, lễ hội Xuống Đồng... Hàng năm, chính quyền tổ chức gặp mặt động viên các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, sưu tầm, thực hành văn hóa truyền thống. Trong khuôn khổ dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” đã hỗ trợ nhạc cụ, trang phục cho các đội văn nghệ các xã và áo mo Mường cho các câu lạc bộ mo Mường. Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống hàng năm được duy trì. Nhiều lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể, hoạt động thi đấu thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ được tổ chức. Các hoạt động trò chơi dân gian, giao lưu nhạc cụ dân tộc, múa, hát dân ca, không gian văn hóa chiêng Mường có cơ hội phát triển, tạo môi trường thực hành cho các nghệ nhân cũng như môi trường tốt cho sinh hoạt văn hóa dân gian.
Bùi Minh
Nguồn: https://baophutho.vn/doc-dao-van-hoa-muong-vang-235564.htm
Bình luận (0)