Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc: Cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL với định hướng lấy người dân làm trung tâm. Ảnh: VGP/DA
Nhiều điểm sáng trong công tác PBGDPL
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Đặng cho biết, công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của UBND tỉnh Tây Ninh trong năm 2024 và quý I/2025 có nhiều kết quả nổi bật.
Về công tác PBGDPL, trong năm 2024, toàn tỉnh đã tổ chức được gần 10.350 cuộc tuyên truyền pháp luật miệng cho gần 465.300 các giới, các ngành và nhân dân.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành cũng tăng cường tuyên truyền, PBGDPL bằng nhiều hình thức, như: lồng ghép tuyên truyền pháp luật thông qua việc tiếp công dân; trong quá trình xét xử, hòa giải các vụ án; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền trên băng rôn, trang mạng xã hội… Đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, để công tác PBGDPL được sâu rộng, kịp thời.
Trong quý I/2025, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh tổ chức hội nghị triển khai một số Luật vừa được Quốc hội ban hành năm 2024 cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và công chức pháp chế.
Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong năm 2014 cũng là một điểm sáng nổi bật. UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo các sở, ngành tăng cường thông tin và đăng tải văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Trung ương về những nội dung mới liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa; nguyên tắc thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa... trên trang thông tin điện tử của các sở, ngành và của tỉnh; đồng thời, chỉ đạo Sở Công Thương thường xuyên cập nhật các văn bản, hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành…
Qua đó, phần nào hỗ trợ, tháo gỡ những bất cập, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh; hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công. Ngoài ra, UBND tỉnh ban hành 3 VBQPPL có liên quan nhằm hướng dẫn, cụ thể hóa các quy định, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động.
Song song đó, tỉnh cũng cử công chức tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn người làm công tác hỗ trợ pháp lý về đổi mới cách thức tiếp cận doanh nghiệp, đổi mới cách thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Đồng thời tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, thông tin, quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, xăng dầu, khí, các quy định của pháp về hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiêu chuẩn hàng hóa trong hoạt động thương mại biên giới… cho các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Ngoài ra, UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo Sở Tư pháp xây dựng và triển khai các tài liệu hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa, liên quan đến các nội dung như quy định pháp luật về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ diện tích khu đất công để tách thành dự án độc lập trên địa bàn tỉnh; mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông thường xuyên; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn,...
Đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, truyền thông về trợ giúp pháp lý
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh ngày 23/5, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh, công tác PBGDPL được tỉnh quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực; đặc biệt trong việc tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo PBGDPL đối với những vấn đề thiết thực với người dân, dư luận xã hội quan tâm; đa dạng hóa các hình thức PBGDPL.
Trước yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới theo tinh thần của Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, đòi hỏi cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, với định hướng lấy người dân làm trung tâm.
Do đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị tỉnh Tây Ninh quan tâm, thực hiện tốt 8 nội dung. Một là, phát huy vị trí, vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp nói chung, trách nhiệm của các cơ quan thành viên Hội đồng nói riêng trong triển khai thực hiện văn bản của Đảng, bám sát nhiệm vụ được giao tại Luật PBGDPL, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, các Chương trình, Đề án của Bộ, ngành Trung ương, kịp thời tham mưu UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tại địa phương. Chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực tiễn trong công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh.
Hai là, thực hiện có hiệu quả, bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ, đề án PBGDPL (Đề án 407 về truyền thông chính sách, Đề án 977 về tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, Đề án 279 về nâng cao năng lực cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…).
Chú trọng thực hiện truyền thông chính sách "từ sớm, từ xa" theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2025, nhất là những chính sách có tác động lớn đến xã hội. Cơ quan chủ trì đề xuất chính sách, soạn thảo VBQPPL cần ban hành và tổ chức hiệu quả Kế hoạch truyền thông chính sách…
Ba là, định kỳ tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở, kỹ năng phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.
Bốn là, phát huy vai trò của từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị tại địa phương, đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phối hợp trong tổ chức các hoạt động PBGDPL, trợ giúp pháp lý, trong đó chú trọng tăng cường công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, yếu thế, người theo đạo trên địa bàn…
Năm là, chú trọng hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL tại địa phương; rà soát, đánh giá những vướng mắc từ quy định của Luật PBGDPL, Luật hòa giải ở cơ sở, Luật Trợ giúp pháp lý để đề xuất sửa đổi, bổ sung; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, giải quyết theo thẩm quyền và đề xuất với Bộ Tư pháp, Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương xem xét, giải quyết.
Sáu là, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL; truyền thông về trợ giúp pháp lý. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, trợ giúp pháp lý.
Bảy là, thực hiện có hiệu quả Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030"; kiện toàn tổ hòa giải cơ sở sau khi thực hiện việc sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã trên địa bàn tỉnh, bảo đảm xây dựng đội ngũ hòa giải viên chất lượng, hoạt động hòa giải chuyên nghiệp, hiệu quả; nâng cao hiệu quả công tác hòa giải cơ sở…
Tám là, cần tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí thỏa đáng để nâng cao chất lượng công tác PBGDPL, trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng yêu cầu của các lĩnh vực này hiện nay.
Diệu Anh
Nguồn: https://baochinhphu.vn/doi-moi-cong-tac-pho-bien-giao-duc-phap-luat-lay-nguoi-dan-lam-trung-tam-10225052319125806.htm
Bình luận (0)