Cho rằng Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đã thể hiện tầm nhìn đột phá khi xác định đây là cuộc cách mạng, Tiến sỹ Phan Xuân Dũng (Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) nhấn mạnh việc từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” sẽ mở đường cho nhiều mô hình đổi mới.
Thậm chí, theo ông Dũng, nếu tận dụng tốt các cơ hội hiện có, đặc biệt là nền tảng thành quả của ngành nông nghiệp và môi trường, cũng như các tri thức khoa học, mục tiêu lọt vào top 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh khoa học công nghệ hàng đầu đối với Việt Nam là hoàn toàn khả thi.
Tận dụng tốt các cơ hội hiện có
Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, đối với ngành nông nghiệp và môi trường, do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức trong ngày 10/5, Tiến sỹ Phan Xuân Dũng nhấn mạnh không có tổ chức hay quốc gia nào đạt được vị thế bền vững nếu không sở hữu nền khoa học công nghệ hiện đại.
Theo vị Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Nghị quyết 57 đã thể hiện tầm nhìn đột phá khi xác định đây là cuộc cách mạng, trong đó nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, còn nhà khoa học là lực lượng chủ lực. Đặc biệt, việc từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” sẽ mở đường cho nhiều mô hình đổi mới hiệu quả.
“Mục tiêu lọt top 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh khoa học công nghệ hàng đầu với chúng ta là hoàn toàn khả thi nếu tận dụng tốt các cơ hội hiện có,” ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh về vai trò nền tảng của ngành nông nghiệp và môi trường, khi từ một quốc gia thiếu ăn - Việt Nam đã vươn lên top 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Mặc dù tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm, song ngành này vẫn giữ vai trò trụ đỡ an sinh xã hội, cung cấp việc làm và ổn định đời sống cho hàng triệu người dân.
Trong lĩnh vực môi trường, Tiến sỹ Phan Xuân Dũng cho rằng Việt Nam kiên định với quan điểm không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế, chuyển hướng sang kinh tế tuần hoàn, coi chất thải là tài nguyên. Theo ông Dũng, những định hướng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nếu thực thi tốt Nghị quyết 57.
Về phía Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Dũng cho biết với 3,7 triệu hội viên (trong đó có hơn 2,2 triệu trí thức; 574 tổ chức khoa học công nghệ trên cả nước), tổ chức này đã xây dựng được phong trào nghiên cứu sâu rộng, thu hút đông đảo lực lượng trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp và môi trường.
“Thực tế trong thời gian qua cho thấy ngày càng nhiều doanh nhân kiêm nhà khoa học đã góp phần tạo dựng thương hiệu doanh nghiệp song hành với phát triển quốc gia. Bên cạnh nguồn vốn nhà nước, liên hiệp còn huy động được nguồn lực xã hội hóa lớn gấp hàng chục lần,” ông Dũng nhấn mạnh.
Với nguồn lực trên, ông Dũng kiến nghị các bộ, ngành cần tăng cường đặt hàng nghiên cứu, sử dụng hiệu quả kết quả khoa học, đặc biệt trong các lĩnh vực phát sinh từ thực tiễn như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường. Cùng với đó là cần đẩy mạnh truyền thông phổ biến tri thức đến người dân ở vùng sâu, vùng xa, và tôn vinh đội ngũ trí thức để tạo thêm động lực phát triển trong kỷ nguyên mới.
Người tài là then chốt cho chuyển đổi số
Tiến sỹ Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng cho rằng chữ đầu tiên của Nghị quyết 57-NQ/TW là “đột phá” không phải là ngẫu nhiên, bởi đây chính là tinh thần xuyên suốt trong hệ thống các nghị quyết (như Nghị quyết 193/2025/QH15, Nghị quyết 100, Nghị quyết 71/NQ-CP và Nghị định 88/2025/NĐ-CP) và đều thể hiện rõ khát vọng đưa đất nước vươn lên bằng động lực từ khoa học công nghệ và nhân lực chất lượng cao.

Theo ông Tiến, Nghị quyết 57 đã xác lập 5 quan điểm nền tảng, trong đó đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được coi là động lực chính để thúc đẩy lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất. Đây không chỉ là nhiệm vụ kỹ thuật mà còn là một yêu cầu chính trị - xã hội, đòi hỏi sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị.
Ông Tiến cũng cho biết ngay sau khi Nghị quyết 57 được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 03 (tháng 1/2024) và Nghị quyết 71 (tháng 4/2024) để cụ thể hóa các nhiệm vụ, thể hiện tinh thần hành động khẩn trương. Nghị quyết 71 xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh việc thay đổi tư duy lãnh đạo, nâng cao nhận thức xã hội và phát triển hạ tầng khoa học công nghệ.
Các mục tiêu quốc gia được đặt ra mang tính “cách mạng.” Đó là đến năm 2030, Việt Nam nằm trong Top 50 về Chính phủ số, dẫn đầu ASEAN về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, có tối thiểu 5 doanh nghiệp công nghệ số đẳng cấp quốc tế, kinh tế số chiếm 30% GDP. Tầm nhìn đến 2045, mục tiêu còn cao hơn - đóng góp 50% GDP từ kinh tế số, trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.
“Chúng tôi sợ những chỉ tiêu này, bởi nó rất cao, rất khó, nhưng nếu không dám đặt ra, không dám thực hiện, thì sẽ chẳng bao giờ có đột phá thực sự,” ông Tiến nói và nhấn mạnh không có đột phá nào xảy ra nếu thiếu con người.
Ông Tiến nêu quan điểm: “Trong chuỗi giải pháp, yếu tố nhân lực, đặc biệt là nhân tài, được nhấn mạnh như trụ cột phát triển. Theo tinh thần các nghị quyết, thể chế, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ là bốn trụ chính, nhưng tất cả đều phải xoay quanh con người. Vì vậy, người đứng đầu phải vào cuộc, trực tiếp chỉ đạo, sử dụng thành thạo công nghệ và chịu trách nhiệm.”
Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Tiến cho biết cơ quan này cũng đang xây dựng văn bản quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chuyển đổi số. Theo ông Tiến đây là một bước đi được kỳ vọng sẽ làm rõ vai trò, khuyến khích năng lực và tinh thần đổi mới trong hệ thống công quyền.
Bên cạnh đó, ông Tiến cũng lưu ý hạ tầng số và trí tuệ nhân tạo không thể phát triển nếu thiếu nền tảng tri thức rộng khắp và khả năng hấp thụ công nghệ của toàn xã hội. Ngoài ra, các chính sách đột phá về tài chính, thể chế cũng đang được xây dựng nhằm tháo gỡ rào cản pháp lý, thử nghiệm công nghệ mới, miễn trừ trách nhiệm khi mô hình đổi mới không thành công, và quan trọng nhất là tạo không gian sáng tạo an toàn và khuyến khích mạo hiểm cho doanh nghiệp và nhân tài.
“Hành trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xây dựng quốc gia đổi mới sáng tạo không thể chỉ dừng ở kế hoạch hay khẩu hiệu. Đó là chặng đường của sự dấn thân, của đổi mới tư duy, hành động quyết liệt và đặc biệt là trọng dụng người tài như một chiến lược sống còn. Không có doanh nghiệp đột phá nếu thiếu người tài. Không có Chính phủ số nếu thiếu lãnh đạo am hiểu công nghệ. Và càng không thể có quốc gia sáng tạo nếu không có nền giáo dục và chính sách tuyển dụng khuyến khích trí tuệ,” Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia nói.
Tạo điều kiện để các sáng kiến đi vào cuộc sống
Về phía địa phương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh trong bối cảnh ngành nông nghiệp đứng trước yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ nhằm đáp ứng các xu thế mới của phát triển bền vững, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế - việc phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số là động lực then chốt để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng suất lao động, bảo vệ tài nguyên, môi trường và chất lượng sống của người dân.
Vì thế, thực hiện Nghị quyết 57, Nghị quyết 193, Nghị quyết 71, tỉnh Bắc Ninh tập trung vào chuyển đổi mô hình từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hướng tới nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường.
Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đang hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận các công nghệ mới như: Cảm biến giám sát độ ẩm, hệ thống tưới tự động, ứng dụng AI trong phân tích sâu bệnh, sử dụng dữ liệu vệ tinh và bản đồ số để dự báo sản lượng cây trồng, cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR.
Bắc Ninh cũng khuyến khích các mô hình hợp tác công - tư trong nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhất là trong lai tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh.
“Trong thời gian tới, chúng tôi chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo chiều sâu, bền vững. Trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm, nông nghiệp đô thị; thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa ngành nông nghiệp và các ngành thương mại, dịch vụ - du lịch; xây dựng và phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực chất lượng, có thương hiệu gắn với quy trình chế biến, bảo quản và xuất khẩu giá trị cao,” Tuấn chia sẻ.
Về môi trường, ông Tuấn cho biết Bắc Ninh đang xây dựng nền tảng dữ liệu số tổng hợp về môi trường và đất đai, phục vụ công tác quy hoạch, kiểm soát ô nhiễm, và quản lý biến đổi khí hậu trên địa bàn; tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường đang từng bước chuyển đổi từ mô hình quản lý truyền thống sang quản lý số hóa, minh bạch, công khai để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh cũng cam kết, địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các sáng kiến, kết quả nghiên cứu, giải pháp đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đưa vào ứng dụng thực tiễn, góp phần nâng cao năng lực nội sinh, sức cạnh tranh, đưa nông nghiệp Bắc Ninh phát triển hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/doi-moi-mo-hinh-phat-trien-can-thu-hut-nguoi-tai-tang-dat-hang-nghien-cuu-post1037715.vnp
Bình luận (0)