Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dòng chảy văn chương TPHCM: Cuộc hợp lưu của những tài năng

Cột mốc 30-4-1975 tạo ra dấu ấn và thay đổi mạnh mẽ không chỉ với dòng chảy lịch sử dân tộc mà còn ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có văn chương của vùng đất ngày nay mang tên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc - Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Sự hợp lưu đặc biệt của những tài năng văn chương từ lực lượng đi tập kết miền Bắc về, đến lực lượng từ chiến khu ra, và cả những gương mặt nổi bật của văn đàn tại chỗ, đã làm nên một diện mạo văn chương độc đáo cho TPHCM.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng11/05/2025

Các đại biểu: Phan An, Nguyễn Khắc Thuần, Phan Xuân Biên, Nguyễn Văn Sơn (hàng trên, từ phải qua); Trần Ấm, Trần Thị Thắng, Hà Phương (hàng dưới, từ phải qua) tại Hội nghị Văn nghệ Sài Gòn - Gia Định năm 1973. Ảnh: Tư liệu từ nhà văn Trần Thị Thắng
Các đại biểu: Phan An, Nguyễn Khắc Thuần, Phan Xuân Biên, Nguyễn Văn Sơn (hàng trên, từ phải qua); Trần Ấm, Trần Thị Thắng, Hà Phương (hàng dưới, từ phải qua) tại Hội nghị Văn nghệ Sài Gòn - Gia Định năm 1973. Ảnh: Tư liệu từ nhà văn Trần Thị Thắng

LTS: Kế thừa và tiếp nối là đặc tính nổi bật góp phần tạo ra dòng chảy xuyên suốt gần 50 năm qua, hoặc dài hơn nếu tính theo dấu mốc hơn 320 năm hình thành TP Sài Gòn - Gia Định - TPHCM của văn chương TPHCM. Từ thế hệ nhà văn ở chiến khu về thành phố sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TPHCM xuất hiện một thế hệ vàng để lại dấu ấn nổi bật trên văn đàn cho đến tận hôm nay.

CN1b.jpg
Các đại biểu: Phan An, Nguyễn Khắc Thuần, Phan Xuân Biên, Nguyễn Văn Sơn (hàng trên, từ phải qua); Trần Ấm, Trần Thị Thắng, Hà Phương (hàng dưới, từ phải qua) tại Hội nghị Văn nghệ Sài Gòn - Gia Định năm 1973. Ảnh: Tư liệu từ nhà văn Trần Thị Thắng

Cột mốc 30-4-1975 tạo ra dấu ấn và thay đổi mạnh mẽ không chỉ với dòng chảy lịch sử dân tộc mà còn ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có văn chương của vùng đất ngày nay mang tên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc - Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Sự hợp lưu đặc biệt của những tài năng văn chương từ lực lượng đi tập kết miền Bắc về, đến lực lượng từ chiến khu ra, và cả những gương mặt nổi bật của văn đàn tại chỗ, đã làm nên một diện mạo văn chương độc đáo cho TPHCM.

Dấu ấn mang tên Văn nghệ giải phóng

Nhắc đến dấu ấn văn chương TPHCM những năm đầu sau giải phóng không thể không nhắc đến vai trò của tờ Văn nghệ giải phóng - mạch nguồn tiếp nối, tập hợp những trang viết và những tên tuổi nổi bật từ chiến khu về, góp phần định hình nên dòng chảy văn chương của TPHCM có lẽ là cho mãi đến hôm nay.

Chúng tôi tìm đến nhà thơ Hoài Vũ (89 tuổi, hiện cư trú tại phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức, TPHCM), người hiếm hoi còn lại của lớp văn nghệ sĩ về từ chiến khu, từng công tác ở Báo Văn nghệ giải phóng. Theo chia sẻ của nhà thơ Hoài Vũ, ngày 15-7-1961, Hội Văn nghệ giải phóng được ra đời, Báo Văn nghệ giải phóng cũng được hình thành trong thời điểm này. Vào năm 1963, từ miền Bắc, ông cùng một số văn nghệ sĩ vượt Trường Sơn vào Nam. Đi gần 4 tháng ròng thì có mặt tại Trung ương Cục, ở đây, ông trở thành phóng viên chiến trường của Báo Văn nghệ giải phóng tại căn cứ Dương Minh Châu (Tây Ninh).

Sau chiến thắng 30-4-1975, hầu hết các lực lượng, trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ trong chiến khu, đều có mặt ở thành phố. Tháng 5-1975, đội ngũ thực hiện Báo Văn nghệ giải phóng được khẩn trương thiết lập, tòa soạn đặt tại số 190 đường Công Lý (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Nhà thơ Hoài Vũ (lúc đó là Tổng Biên tập Báo Văn nghệ giải phóng, sau là Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng) kể lại, thời điểm đó, ông và mọi người nhận được nhiệm vụ của ông Trần Bạch Đằng (lúc đó là Phó Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam) giao: “Bất cứ giá nào trong tháng 5 phải ra Báo Văn nghệ giải phóng cho được”.

Tuy nhiên, vì điều kiện hoàn cảnh thời điểm đó gặp nhiều khó khăn nên phải đến ngày 28-5-1975, số 49 Báo Văn nghệ giải phóng mới được in xong. Báo dày 24 trang, ngoài bìa có hình Bác Hồ đang vẫy tay cùng loạt bài hết sức giá trị: Kỷ nguyên toàn thịnh của nền văn học nghệ thuật chân chính bắt đầu của ông Trần Bạch Đằng (ký tên là Trần Quang); thơ có: Tố Hữu, Giang Nam, Thu Bồn, Chim Trắng, Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh, Chế Lan Viên; bút ký có: Nguyễn Văn Bổng, Thép Mới, Phan Tứ…

“Đó là số báo rất đặc biệt khi có sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ miền Nam lẫn miền Bắc. Lúc đó, anh em văn nghệ sĩ miền Bắc gửi bài vở vào để hưởng ứng chào mừng cách mạng miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong cuộc đời làm báo, chưa bao giờ tôi có được hạnh phúc của nghề báo giống như lúc làm Báo Văn nghệ giải phóng. Số đầu tiên in 100.000 bản, những số tiếp theo vẫn duy trì được số lượng phát hành như vậy. Báo phát hành trong Nam ngoài Bắc, tạo tiếng vang rất lớn”, nhà thơ Hoài Vũ chia sẻ.

Báo Văn nghệ giải phóng hoạt động sôi nổi và mạnh mẽ, trở thành một trong những diễn đàn chính của giới văn chương thời bấy giờ. Đến năm 1977, báo hợp nhất với Báo Văn nghệ trung ương. Sau 16 năm ra đời và phát triển, Báo Văn nghệ giải phóng đã quy tụ được một lực lượng tác giả đông đảo với nhiều tác phẩm có chất lượng, phản ánh một thời kỳ hào hùng của lịch sử dân tộc.

Nhà văn Thạch Cương (87 tuổi, tên thật là Đặng Đức Thưởng) cũng là người hiếm hoi còn lại của lớp văn nghệ sĩ về từ chiến khu. Sau năm 1975, ông về công tác tại Báo Văn nghệ giải phóng trong vai trò Trưởng ban Văn xuôi. Đến bây giờ, trong ngôi nhà nằm bên cạnh chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp, TPHCM), nhà văn Thạch Cương vẫn còn giữ những tờ Văn nghệ giải phóng in trong năm 1976 như một báu vật. Lần giở những trang báo cũ này mới thấy rằng, những năm đầu sau giải phóng, khi thành phố còn rất nhiều khó khăn, lớp nhà văn nhà thơ đã cùng sát cánh với thành phố, cùng nhau cầm bút và sáng tác nên những tác phẩm có giá trị.

CN3a.jpg
Kết thúc Hội nghị Văn nghệ Sài Gòn - Gia Định vào tháng 8-1973, các nhà văn nhà thơ cùng đồng chí Mai Chí Thọ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, chụp ảnh trên miệng hố bom, thể hiện tinh thần văn hóa văn nghệ vươn lên từ những sự tàn phá hủy diệt. Ảnh tư liệu từ nhà văn Trần Thị Thắng

Hội tụ những nguồn lực phong phú

Những năm đầu sau giải phóng, khi thành phố còn rất nhiều khó khăn, lớp nhà văn nhà thơ đã sát cánh cùng thành phố, thích nghi với cuộc sống mới để cầm bút và sáng tác nên những tác phẩm có giá trị. Đó cũng là một cách đóng góp cho thành phố hãy còn non trẻ. Nhờ vậy, trong giai đoạn này, văn học TPHCM thực sự sôi động khi hội tụ nguồn lực phong phú: từ lực lượng đi tập kết ngoài Bắc về như Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Bảo Định Giang, Chế Lan Viên, Trần Thanh Đạm, Trần Thanh Giao... đến lực lượng từ chiến khu về như Chim Trắng, Viễn Phương, Giang Nam, Hoài Vũ, Lê Văn Thảo, Dương Trọng Dật, Vũ Ân Thy, Trần Thị Thắng…; cộng thêm lực lượng tại chỗ như Sơn Nam, Vũ Hạnh, Bình Nguyên Lộc...

Sự hội tụ này đã mang đến nhiều tác phẩm được dư luận chú ý như: Miền sóng vỗ (Anh Đức), Người con đi xa (Nguyễn Quang Sáng), Chân dung một quản đốc (Nguyễn Hiểu Trường - Trần Bạch Đằng), Quê hương địa đạo (Viễn Phương), Gặp gỡ cuối năm (Nguyễn Khải), Ván bài lật ngửa (Nguyễn Trương Thiên Lý - Trần Bạch Đằng)… Bên cạnh đó còn hình thành một đội ngũ lý luận phê bình hùng hậu. Nhiều công trình của các tác giả Lê Đình Kỵ, Trần Thanh Đạm, Mai Quốc Liên, Trần Trọng Đăng Đàn, Trần Hữu Tá… bám sát hơi thở văn chương TPHCM giai đoạn này, được bạn đọc chú ý.

PGS-TS Võ Văn Nhơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình - Hội Nhà văn TPHCM, nhớ lại cảm giác háo hức khi được đọc những bài thơ, truyện dài, truyện ngắn của những cây bút trong giai đoạn này như Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Giang Nam, Viễn Phương, Lê Văn Thảo... Trong đó, thật ấn tượng là nhà thơ Chế Lan Viên với những tập thơ như Ngày vĩ đại, Hoa trước lăng Người, Dải đất vùng trời; nhà văn Nguyễn Khải với tác phẩm Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người và nhà văn Nguyễn Quang Sáng với các tác phẩm giàu chất kịch, chất điện ảnh.

“Họ mang đến cho văn chương TPHCM giai đoạn này một sự mới mẻ, ấn tượng. Chính những tác phẩm đó của họ giúp bạn đọc tin tưởng vào cách mạng, tin tưởng vào đời sống. Những tác phẩm của thế hệ này góp phần giúp văn chương TPHCM có màu sắc mới mẻ. Ngoài ra, họ còn là nền tảng để sau này chúng ta có một thế hệ trẻ xông xáo với Nguyễn Đông Thức, Lý Lan, Lê Thị Kim, Phạm Thị Ngọc Liên, Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Chí Vinh, Cao Vũ Huy Miên, Phạm Sỹ Sáu…”, PGS-TS Võ Văn Nhơn cho biết thêm.

Bằng đóng góp của mình, nhiều nhà văn, nhà thơ của TPHCM đã được Đảng và Nhà nước tôn vinh với những giải thưởng danh giá như Giải thưởng Hồ Chí Minh dành cho những tên tuổi như Trần Văn Giàu, Trần Hữu Trang, Chế Lan Viên, Nguyễn Khải, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Thi, Lê Văn Thảo; hay Giải thưởng Nhà nước dành cho những tác giả như Viễn Phương, Lý Văn Sâm, Giang Nam, Trần Bạch Đằng, Bảo Định Giang, Lê Vĩnh Hòa, Thu Bồn, Lê Đình Kỵ, Lê Anh Xuân, Lê Văn Thảo, Vũ Thị Thường, Vũ Hạnh, Lê Ngọc Trà, Lưu Trùng Dương, Chim Trắng, Mai Quốc Liên, Trần Văn Tuấn, Ngô Y Linh, Lê Duy Hạnh, Minh Khoa, Phi Hùng…

Một dấu ấn đặc biệt của văn chương TPHCM trong những năm đầu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là sự ra đời của ấn phẩm Văn thơ do Hội Văn nghệ giải phóng phát hành vào tháng 1-1977. Đây là lần đầu tiên có một ấn phẩm quy tụ các lực lượng sáng tác của TPHCM lúc bấy giờ như một món quà để chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam (diễn ra vào tháng 12-1976). Ấn phẩm in 10.000 cuốn, đánh dấu một sự kiện của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” đối với những người yêu văn chương của TPHCM.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/dong-chay-van-chuong-tphcm-cuoc-hop-luu-cua-nhung-tai-nang-post794688.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nhiều bãi biển ở Phan Thiết rợp cánh diều gây ấn tượng cho du khách
Lễ duyệt binh Nga: Những góc quay 'tuyệt đối điện ảnh' khiến người xem sửng sốt
Xem lại tiêm kích Nga trình diễn ngoạn mục trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng
Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm