Đồng chí Khamtay Siphandone là nhà lãnh đạo giản dị và nghĩa tình với đất nước, con người, đặc biệt là các cựu quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam từng sống, chiến đấu tại Xứ sở Triệu voi.
Ngày 2/4/2025, một trong những nhà lãnh đạo tiên phong trong công cuộc gây dựng con đường cách mạng của Lào, nguyên Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone đã từ trần, hưởng thọ 101 tuổi.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với Trung tướng Nguyễn Tiến Long, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào, về tình cảm cùng những ký ức không bao giờ quên về nhà lãnh đạo rất đỗi giản dị và nghĩa tình với đất nước, con người, đặc biệt là các cựu quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam từng sống, chiến đấu, công tác tại Xứ sở Triệu voi.
- Cảm xúc của Trung tướng như thế nào khi hay tin nguyên Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone từ trần?
Trung tướng Nguyễn Tiến Long: Khi nghe tin đồng chí Khamtay Siphandone về cõi vĩnh hằng, trong lòng tôi vô cùng xúc động.
Là người đã nếm trải qua bao nhiêu gian nan, vất vả nhưng đồng chí Khamtay Siphandone trường thọ, là người rất cao quý và uyên bác.
Tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ và được sang Lào chiến đấu. Tôi sang Lào từ tháng 4/1964, có một số lần trở về nước điều trị vết thương, sau đó quay trở lại chiến trường. Năm 1973, tôi mới về nước. Khi tôi sang Lào làm nhiệm vụ, lúc đó đồng chí Khamtay Siphandone đã là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào.
Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào luôn được giáo dục để biết đến công lao lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Lào. Chúng tôi luôn dành cho đồng chí Khamtay Siphandone sự tin tưởng và tôn trọng.
Trong thời gian chiến đấu ở Lào, tôi có điều kiện được tiếp cận với đồng chí Khamtay Siphandone dù ở cấp còn rất thấp. Trong đó, có một kỷ niệm sâu sắc nhất, đó là sau bốn năm ở Lào, khi tôi chừng 22-23 tuổi, là cán bộ đại đội trinh sát của Trung đoàn 174, làm nhiệm vụ tại Xieng Khouang, đóng quân gần trục đường đi nội bộ lực lượng cách mạng của ta, một hôm, đơn vị giao cho tôi cùng với sáu anh em giám sát một đoạn đường mấy cây số.
Đoàn cán bộ bảy người của Lào đi qua, thấy anh em chúng tôi và dừng lại nghỉ khoảng 15-17 phút. Người chỉ huy đoàn hỏi han chúng tôi rất thân tình, chan hòa về vấn đề ăn ở thế nào, hoạt động chiến đấu ra sao.
Khi đó, chúng tôi cũng không hỏi tên người chỉ huy mà mãi sau này mới biết rằng đó là đoàn của Bộ Quốc phòng Lào, do đồng chí Khamtay Siphandone làm trưởng đoàn đi qua.
Đồng chí hỏi quê quán của anh em chúng tôi, nhấn mạnh rằng dân tộc Việt Nam và dân tộc Lào có chung đường biên giới, từ xa xưa đã biết tôn trọng lẫn nhau.
Tôi mới suy nghĩ rằng biên giới Việt Nam có chung đường biên giới đất liền với ba nước, trong đó dải biên giới Việt Nam-Lào dài hơn 2.000 km, hàng nghìn năm, cơ bản là yên bình. Tôi càng thấy quý trọng tình hữu nghị của nhân dân hai nước.
Đồng chí Khamtay Siphandone cũng chia sẻ rằng hai dân tộc có mối quan hệ đoàn kết, anh em gắn bó keo sơn với nhau từ lâu.
Sau này tôi mới thấy, một câu nói giản dị như vậy nhưng đã làm nổi bật được cả lịch sử quan hệ hai nước. Đồng chí Khamtay Siphandone còn nói người Lào rất biết ơn bộ đội Việt Nam.
Đồng chí Khamtay Siphandone động viên chúng tôi một cách mộc mạc: "Các cháu sang với nhân dân Lào thì hãy coi người dân Lào như cha mẹ của mình, như anh em ruột thịt, thân thương và tin cậy lẫn nhau, có gì ăn nấy."
Đồng chí động viên chúng tôi, mặc dù bộ đội có tiêu chuẩn, nhưng có những lúc khó khăn, hãy đến với người dân Lào, có gì cùng ăn, nhân dân Lào sẵn sàng san sẻ, đùm bọc bộ đội Việt Nam.
Đặc biệt, đồng chí còn dặn dò chúng tôi rằng: Nếu có điều kiện, hãy hòa mình vào với nhân dân Lào, học cách người dân Lào tận dụng tất cả những sản phẩm mà núi rừng ban tặng, từ con thú cho đến cây rau, hoa quả… Các cháu bộ đội vào với dân, tìm hiểu để những khi khó khăn thì giúp đỡ lẫn nhau.
Những chia sẻ mộc mạc là vậy nhưng lại là nguồn động viên, cổ vũ tinh thần lớn lao đối với bộ đội ta. Cuộc trò chuyện ngày hôm đó dù chỉ diễn ra trong vài phút nhưng giúp chúng tôi cảm nhận rất rõ nghĩa tình của một đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quân đội nhân dân Lào đến với chiến sỹ Việt Nam, với những tâm tình như người cha nói với con, ấm áp, dễ hiểu và đúng đắn, không xã giao, không khoảng cách.
Câu chuyện trên còn in dấu mãi trong tôi, càng quý trọng và ngưỡng mộ hơn đồng chí Khamtay Siphandone.
Sau này, khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về với cuộc sống đời thường, tôi tham gia Ban liên lạc quân tình nguyện, tham gia Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào. Cho nên, tôi cũng nhiều lần sang Lào để thực hiện nhiệm vụ đối ngoại nhân dân.
Lần nào trở lại, với mỗi công việc cụ thể, tôi luôn cố gắng thu xếp công việc để đến thăm các đồng chí nguyên lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Lào.
Tôi đã ba lần cùng đoàn đại biểu quân tình nguyện Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam-Lào đến thăm đồng chí Khamtay Siphandone tại quê hương của đồng chí.
Khi nhắc lại cuộc trò chuyện năm xưa, đồng chí Khamtay Siphandone rất cảm động và nói rằng ông tin tưởng vào bộ đội Việt Nam sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ dù đều ở lứa tuổi đôi mươi.
Có thể nói, ấn tượng của tôi đối với đồng chí Khamtay Siphandone chính là sự giản dị, mộc mạc và tình thương yêu dành cho bộ đội Việt Nam và bộ đội Lào.
- Thưa Trung tướng, cảm nhận của ông như thế nào về vai trò lãnh đạo của đồng chí Khamtay Siphandone đối với cách mạng Lào, cũng như quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa Việt Nam-Lào?
Trung tướng Nguyễn Tiến Long: Tôi cho rằng đồng chí Khamtay Siphandone có vai trò hết sức quan trọng đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, cũng như nhân dân Việt Nam.
Toàn bộ quá trình trưởng thành của quân đội và cách mạng Lào là do sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, trong đó có vai trò lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp của đồng chí Khamtay Siphandone.
Chúng tôi cảm nhận rất rõ điều đó khi sang Lào với tư cách là bộ đội, lực lượng chiến đấu và có dịp được tiếp xúc trực tiếp với đồng chí.
Sau này, khi trưởng thành, đảm nhiệm những nhiệm vụ quan trọng hơn trong quân đội, tôi vẫn nhận được thông tin về quan hệ đoàn kết Việt-Lào, và tôi luôn nhận thức rằng trong tập thể lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Lào cùng với đồng chí Kaysone Phomvihane, đồng chí Xuphanuvong và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt khác, đồng chí Khamtay Siphandone có vai trò rất quan trọng, đảm nhận trọng trách trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực quân sự.
Đồng chí có công lao to lớn đối với quá trình xây dựng Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, trực tiếp xây dựng Quân đội Nhân dân Lào.
Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời sớm, hình thành các cấp trung đoàn, sư đoàn, còn bạn Lào vào thời kỳ kháng chiến chưa có đủ lực lượng để làm việc đó.
Nhưng tôi thấy rằng trong quá trình theo sát, phối hợp, hiệp đồng chiến đấu cùng với lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam, quân đội Lào trưởng thành nhanh chóng.
Đó là sự nghiệp, công trình của tập thể Đảng, toàn thể Quân đội nhân dân Lào với vai trò dẫn dắt hàng đầu, trực tiếp của đồng chí Khamtay Siphandone khi đồng chí trực tiếp được Đảng và Nhà nước Lào giao trọng trách lãnh đạo, chỉ huy quân đội.
Tôi còn nhớ trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta tiến hành nhiều chiến dịch lớn trên đất nước Lào nhưng đặc biệt là chiến dịch giải phóng Nậm Bạc ở phía Thượng Lào.
Chiến dịch này có ý nghĩa quan trọng, giúp ta thu được thắng lợi to lớn và quân đội Lào bắt được nhiều tù binh nhất trong tất cả các trận đánh ở Lào.
Cũng sau này tôi mới được biết rằng Bộ Quốc phòng Lào, trực tiếp là đồng chí Khamtay Siphandone, đã tham gia lãnh đạo chiến dịch đó và nhấn mạnh với toàn bộ lực lượng trong chiến dịch rằng: Đánh thắng nhưng cố gắng bắt được nhiều tù binh để cải tạo họ về với cách mạng.
Tôi cũng đã tham gia vào chiến dịch, thuộc đại đội trinh sát của Trung đoàn 174, ở một hướng mà bắt nhiều tù binh nhất, với số lượng lên đến hàng nghìn tù binh địch.
Giành thắng lợi nhưng không tiêu diệt mà bắt sống nhiều tù binh và cảm hóa họ đi theo cách mạng. Quan điểm này của đồng chí Khamtay Siphandone hết sức biện chứng, nhân nghĩa ở đất nước ít dân nhưng phải đối chọi với những kẻ thù to lớn. Đây là một nét riêng, rất độc đáo trong tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Khamtay Siphandone.
Nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của của đồng chí Khamtay Siphandone, tôi càng trân trọng đồng chí hơn và thấy được tầm cao của đồng chí với cách mạng Lào, một trong những người có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào.
Đặc biệt, tôi cho rằng đồng chí cũng là người rất có lòng tin vào đất nước Việt Nam anh em. Qua thực tế chiến trường càng thể hiện đồng chí là người gắn bó, tôn trọng và tin tưởng vào Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những người dẫn dắt các thế hệ cán bộ, chiến sỹ, quân đội, nhân dân Lào, các thế hệ người Lào tôn trọng, gắn bó và bảo vệ, phát triển để "quan hệ đoàn kết-hữu nghị Việt Nam-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững."
- Trân trọng cảm ơn Trung tướng!
Nguồn
Bình luận (0)