Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Động đất ở Myanmar cảnh báo các vùng đứt gãy ở Việt Nam

Trận động đất mạnh 7,7 độ Richter ở Myanmar đặt ra cảnh báo cho Việt Nam về nguy cơ địa chấn. Những khu vực đứt gãy nào có rủi ro cao?

Báo Nghệ AnBáo Nghệ An02/04/2025

Động đất là hiện tượng tự nhiên do sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo trong vỏ Trái Đất, hoặc có thể liên quan đến hoạt động núi lửa. Khi xảy ra, năng lượng tích tụ được giải phóng dưới dạng sóng địa chấn, truyền tải ra bề mặt và gây rung chuyển. Mức độ ảnh hưởng của động đất phụ thuộc vào cường độ (được tính bằng độ Richter-M) và độ sâu của nó, có thể từ rung chấn nhẹ đến gây ra biến dạng trên mặt đất, phá hủy nhà cửa, công trình, gây thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng và nhân mạng.

Thảm họa động đất ở Myanmar

Do hoạt động liên tục các mảng kiến tạo của vỏ Trái Đất, hàng năm có hàng trăm ngàn trận động đất lớn nhỏ xảy ra trên khắp thế giới được các máy đo địa chấn ghi nhận, nhiều nhất là dọc các vành đai núi lửa hoặc dọc ranh giới tiếp xúc giữa các mảng kiến tạo.

dong-dat-myanmar.jpg
Người dân Myanmar hoảng loạn trên các đường phố sau trận động đất và những cơn dư chấn. Ảnh: Reuters

Trận động đất vào chiều 28/3 ở Myanmar cũng là do đất nước này nằm giữa 2 mảng địa khối kiến tạo lớn có tầm cỡ châu lục là mảng Ấn Độ và mảng Á-Âu.

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: “Trận động đất xảy ra dọc theo đứt gãy lớn Sagaing, phương Bắc – Nam, có chiều dài khoảng 1.200 km là một phần của cấu trúc mảng kiến tạo phức tạp của cao nguyên Tây Tạng”.

Theo ông Phương: “Trận động đất này rất mạnh, có thể nói là động đất phá hủy và là một trong những trận động đất mạnh trong vòng 100 năm qua xảy ra tại đất nước này. Từ năm 1900 đến nay, nơi đây ghi nhận 6 trận động đất trên 7 độ Richter và lần này là trận động đất lớn nhất ở Myanmar kể từ năm 1946 và cũng có thể là trận động đất mạnh nhất trong thời hiện đại. Trận động đất năm 1946 ước tính có cường độ từ 7,6 và cũng xảy ra dọc theo đứt gãy Sagaing”.

Nhà địa chất học người Mỹ Jess Phoenix cho biết: "Năng lượng mà một trận động đất như thế này giải phóng ra là khoảng 334 quả bom nguyên tử". Bà cũng cảnh báo dư chấn có thể kéo dài trong vài tháng khi mảng kiến tạo Ấn Độ tiếp tục đâm vào mảng Á-Âu bên dưới Myanmar.

Theo TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, trận động đất tại Myanmar có cường độ rất mạnh (7,7 độ Richter), nên dù ở vị trí xa tâm chấn (hơn 1.000 km) như Hà Nội và TP.HCM, người dân vẫn có thể cảm nhận được rung lắc. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng, cấp độ rủi ro thiên tai đối với Việt Nam hiện tại vẫn là cấp 0, tức là không đáng kể. Nhưng những nước gần như Thái Lan, Trung Quốc đều bị ảnh hưởng rất lớn.

Những trận động đất lớn nhất trong lịch sử từng được ghi nhận ở Việt Nam

Dù Việt Nam không nằm trong vùng có hoạt động địa chấn mạnh như Nhật Bản hay Indonesia, hay nằm trên đới các mảng kiến tạo như Myanmar, nhưng lịch sử đã cho thấy nhiều trận động đất với cường độ từ vừa đến rất mạnh từng xảy ra ở nhiều khu vực trên dải đất hình chữ S.

Trong suốt lịch sử từ năm 114 đến năm 2003, Việt Nam đã ghi nhận 1.645 trận động đất có cường độ từ 3 độ Richter trở lên. Đáng chú ý, các trận động đất đạt cấp 7 và cấp 8 đã xảy ra ở nhiều khu vực như Bắc Đồng Hới, Hà Nội, Yên Định – Vĩnh Lộc – Nho Quan và Nghệ An. Một số sự kiện thậm chí có niên đại hàng trăm năm trước, như các trận động đất cấp 8 tại Hà Nội diễn ra vào các năm 1277, 1278 và 1285, sau đó các trận động đất mạnh tiếp diễn ở các khu vực khác như Phan Thiết vào cuối thế kỷ XIX. Những sự kiện này không chỉ chứng tỏ sức mạnh tự nhiên mà còn là lời cảnh tỉnh về khả năng tái diễn của các hiện tượng địa chấn trong tương lai.

Theo Tập bản đồ xác suất nguy hiểm động đất Việt Nam và Biển Đông được công bố bởi nhóm tác giả Nguyễn Hồng Phương và Phạm Thế Truyền (VVLĐC), có 37 khu vực có nguy cơ xảy ra động đất cao nhất tại Việt Nam, chủ yếu tập trung ở vùng Tây Bắc, nhưng với chu kỳ hoạt động tới hàng trăm, hàng ngàn năm.

Mặc dù Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện tại đang trải qua giai đoạn tương đối yên tĩnh về mặt địa chấn, các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng, Thủ đô Hà Nội, nằm trên vùng đứt gãy sông Hồng - sông Chảy, có nguy cơ xảy ra động đất trong tương lai. Các nghiên cứu ước tính chu kỳ lặp lại của các trận động đất mạnh khoảng 5,4 độ Richter là khoảng 1.100 năm, trong khi trận động đất mạnh cuối cùng tại Hà Nội được ghi nhận từ hơn 700 năm trước, vào năm 1285. Ngoài ra, Thủ đô còn có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các trận động đất mạnh xảy ra tại các khu vực đứt gãy lân cận như sông Lô, Đông Triều và Sơn La.

Các khu vực khác của Việt Nam như Tây Bắc, Bắc Trung Bộ và ven biển miền Trung cũng thường xuyên chịu tác động của động đất. Theo dữ liệu lịch sử, trận động đất năm 1935 tại Điện Biên - ghi nhận trên đới đứt gãy sông Mã - với cường độ khoảng 6,9 độ Richter, đã tạo ra những rung chấn dữ dội lan tỏa tới nhiều khu vực lân cận.

Năm 1983, khu vực Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên tiếp tục hứng chịu 1 trận động đất mạnh với cường độ lên đến 6,7 độ Richter. Đây được đánh giá là một trong những trận động đất mạnh nhất của thế kỷ XX tại Việt Nam, gây ra thiệt hại đáng kể về nhà cửa và cơ sở hạ tầng trong khu vực Tây Bắc, đồng thời, tạo ra rung chấn cảm nhận được ở những vùng xa hơn, làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng địa chất bất ổn.

z6465051960842_973d1bcf8f261b9d3168ba4d287b536c.jpg
Sơ đồ kiến tạo khu vực Nghệ An.

Lịch sử động đất ở Nghệ An

Như đã nói, hoạt động động đất đi cùng với hoạt động các đứt gãy địa chất. Trong khu vực Nghệ An có đứt gãy chính sông Cả kèm theo hệ thống các đứt gãy nhánh. Đứt gãy sông Cả có dạng tuyến kéo dài từ bản Ban thuộc lãnh thổ Lào qua thị trấn Mường Xén chạy dọc theo dòng Nậm Mộ, qua Cửa Rào, chạy gần như trùng với dòng sông Cả về Khe Bố đến Cây Chanh (huyện Anh Sơn) rồi dọc theo thung lũng sông Con qua thị trấn Tân Kỳ và kéo thẳng ra biển Cửa Lò, rồi chìm xuống dưới các trầm tích của thềm lục địa Thanh- Nghệ. Tổng chiều dài trên phạm vi Việt Nam là 200 km.

Đứt gãy sông Cả có phương TTB-ĐĐN và cắm về phía Tây Nam. Độ sâu ảnh hưởng của đứt gãy khoảng 60 km. Đứt gãy sông Cả có lịch sử phát sinh và phát triển lâu dài, trải qua nhiều thời kỳ biến cải hình động học từ giữa Đại Cổ sinh (Paleozoi, khoảng 500 triệu năm) đến nay. Trong giai đoạn Đại Tân sinh (Kainozoi, khoảng 66 triệu năm), hoạt động của đới đứt gãy này thể hiện rõ nét với sự hình thành các bồn chứa than phân bố dọc hệ thống đứt gãy chính và các đứt gãy nhánh (Than Khe Bố).

Theo tài liệu quan trắc của Viện Vật lý địa cầu Việt Nam thì trong thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI tại lưu vực sông Cả không xảy ra động đất có cấp độ mạnh lớn hơn hoặc bằng 5,0 (phần lớn có biên độ từ 3,0-5,0 độ Richter). Tuy vậy, tư liệu lịch sử có ghi nhận 5 trận động đất với mức >5 vào các năm 1136 (1137?), 1767, 1777 (2 trận) và 1821. Đáng lưu ý nhất là động đất năm 1136 (1137?) làm cho nước sông đỏ như máu; năm 1767 làm cho núi lở; và năm 1821 làm cho nhà dân xiêu đi nhiều. Theo TS Nguyễn Đình Xuyên (VVLĐC, 2004) thì trận động đất năm 1821 có cường độ chấn động l0= 8 và độ mạnh M=6.0.

- Động đất năm 1136 (1137?) được ghi nhận đã xảy ra tại khu vực huyện Diễn Châu. Các nhà địa chấn Viện VLĐC cho rằng, trận động đất này có cường độ phá hủy trên bề mặt là cấp VII, song để làm cho nước sông vẩn đỏ thì chắc là động đất phải rất mạnh. Có thể mạnh hơn động đất Tuần Giáo năm 1983, có nghĩa là có thể có cấp độ mạnh trên 6,7.

- Động đất năm 1767 được ghi nhận là tại khu vực Diễn Châu – Quỳnh Lưu với chấn động trên bề mặt đạt cấp VII, song có ghi là làm cho núi ở Thanh Hóa bị lở cho nên có thể đây là một trận động đất mạnh.

Phân loại mức độ động đất theo thang Richter (M). Động đất được phân thành các loại: Vi động đất, M=2,0; Động đất yếu, M=2,0-3,9; Động đất nhẹ, M= 4,0-4,9; Động đất trung bình, M=5,0-5,9; Động đất mạnh, M= 6,0-6,9; Động đất rất mạnh, M= 7,0-7,9 và động đất hủy diệt, M= 8-9.

Những cảnh báo

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Việt Nam không nằm trên vành đai lửa nên chúng ta an toàn, không xảy ra những trận động đất hủy diệt như ở Sumatra - Andaman năm 2024 (mạnh 9,3 độ) lấy đi tính mạng của 300.000 người hay động đất mạnh như ở Myanmar vừa qua. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có tiềm ẩn các trận động đất mạnh do trên lãnh thổ nước ta có nhiều hệ thống đứt gãy dài hàng chục km đến hàng trăm km và các đứt gãy sâu nên vẫn phát sinh động đất.

Trước những nguy cơ như vậy, cần phải thực hiện những giải pháp cho hợp lý để đảm bảo an toàn như công trình, nhà cửa... Động đất không thể tránh, nhưng có thể giảm nhẹ thiệt hại khi động đất lớn xảy ra.

Theo PGS.TS Cao Đình Triều - Viện trưởng Viện Địa vật lý ứng dụng (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật địa vật lý Việt Nam) cho biết, Việt Nam chưa có luật về động đất nên các quy định chặt chẽ về yếu tố kháng chấn trong xây dựng công trình nói chung và công trình cao tầng hiện còn đang rất rời rạc, chưa có gì chặt chẽ, chi tiết.

Các nước như Nhật Bản, Trung Quốc hay Philippines là những nơi thường xuyên có động đất do nằm trên vành đai Tây Thái Bình Dương, nên họ có những quy định rất nghiêm ngặt về xây dựng các công trình nhà ở, nhà cao tầng. Các công trình phải đáp ứng được yêu cầu về kháng chấn để ứng phó với động đất.

Từ thực tế trên, ông Triều cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần để ý hơn tới câu chuyện kháng chấn đối với các công trình xây dựng, nhất là đối với công trình dân sinh (như chung cư cao tầng,…) để đảm bảo an toàn cũng như giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra, ảnh hưởng tới người dân.


Tài liệu tham khảo:

1. TS Cao Đình Triều, TS Lê Văn Dũng, TS Bùi Văn Nam, TS Cao Đình Trọng, TS Mai Thị Hồng Thắm (2023): “Một số nét về đặc điểm địa chấn kiến tạo khu vực Sông Cả -Rào Nậy”. TC KH và CN biển, số 3A, tập 13, HN, trang 183 - 191

2. TS Thái Anh Tuấn, TS Nguyễn Đức Vinh (2023): “Dự báo độ nguy hiểm động đất lưu vực Sông Cả -Rào Nậy trên cơ sở tiếp cận tất định mới”, TC KH và CN biển, số 3A, tập 13, HN, trang 9 – 16.

Nguồn: https://baonghean.vn/dong-dat-o-myanmar-canh-bao-cac-vung-dut-gay-o-viet-nam-10294261.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm