Theo số liệu thống kê của Sở Tài chính, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 462 dự án vốn đầu tư ngoài ngân sách được triển khai. Trong đó, đến nay trên địa bàn tỉnh có 334 dự án còn hiệu lực.
Tích cực hỗ trợ, kịp thời gỡ khó
Nhằm hỗ trợ, giải quyết kịp thời các vướng mắc của các DN, NĐT trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư, tháng 1/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 37 ngày 12/1/2023 về thành lập Tổ công tác hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tổ công tác do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, 4 tổ phó và các thành viên là lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Tháng 5/2023, UBND tỉnh quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả các DN, NĐT các dự án trên địa bàn tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng.
Tháng 2/2025, UBND tỉnh ban hành quyết định số 475 về thành lập 4 tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng nhằm kiểm tra, chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý đối với các dự án trên địa bàn. Các tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách đang triển khai nhưng gặp khó khăn, vướng mắc, bất cập…; sau kiểm tra thực tế chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và có biện pháp xử lý, khắc phục đối với các dự án chậm tiến độ, hiệu quả thấp, có nguy cơ thất thoát, lãng phí nguồn lực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, vốn đầu tư.
Ông Hà Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư trên địa bàn tỉnh, sở đã tăng cường đôn đốc, yêu cầu các NĐT thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hằng tháng, hằng quý và hằng năm theo quy định. Trên cơ sở báo cáo định kỳ của các NĐT, với vai trò là cơ quan thường trực Tổ công tác đặc biệt và Tổ hỗ trợ đầu tư, sở đã tổng hợp, xem xét giải quyết hoặc chuyển các cơ quan có thẩm quyền liên quan để xử lý khó khăn vướng mắc, các kiến nghị của NĐT nêu tại các báo cáo. Cùng đó, sở chủ trì, phối hợp các cơ quan tham mưu, xây dựng kế hoạch của UBND tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra để chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo các dự án được triển khai đúng tiến độ, hiệu quả...
Kết quả, từ năm 2023 đến nay, Sở Tài chính đã phối hợp giám sát, tiếp nhận, chuyển các sở, ngành liên quan và tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn cho trên 67 dự án; ban hành 221 văn bản hướng dẫn NĐT thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án, đề xuất dự án mới, thực hiện ký quỹ theo quy định của Luật Đầu tư. Những vướng mắc của NĐT đều được ngành chức năng quan tâm giải đáp và hướng dẫn hướng tháo gỡ. Đối với các vướng mắc vượt thẩm quyền, các sở, ngành đã báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.
Ngoài ra, trong tháng 3/2025, 4 tổ công tác được thành lập theo quyết định số 475 của UBND tỉnh đã trực tiếp kiểm tra 103 dự án trên địa bàn 11 huyện, thành phố. Quá trình kiểm tra, các tổ công tác đã nắm bắt, phân loại làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ của từng dự án và trách nhiệm của các bên liên quan. Lãnh đạo UBND tỉnh, tổ trưởng các tổ công tác đã yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố phối hợp với DN, NĐT các dự án triển khai chậm tiến độ khẩn trương xem xét, kịp thời hướng dẫn tháo gỡ tại từng dự án với mốc thời gian giải quyết cụ thể.
Đối với những dự án chậm tiến độ kéo dài, để tránh lãng phí nguồn lực đất đai, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành xem xét tham mưu UBND tỉnh thực hiện các thủ tục thu hồi, chấm dứt hợp đồng thực hiện dự án.
Tạo thuận lợi cho DN, NĐT
Tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN) VSIP Lạng Sơn. Dự án được triển khai trên địa bàn 2 xã Hồ Sơn và Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng với quy mô 599,76 ha, tổng vốn đầu tư hơn 6.361 tỷ đồng. Sau khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND huyện Hữu Lũng phối hợp cùng với NĐT tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lý, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng (GPMP) thi công dự án.
Ông Nguyễn Văn Sỹ, cán bộ phụ trách GPMB dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN VSIP Lạng Sơn cho biết: UBND tỉnh Lạng Sơn và các sở, ngành liên quan đã rất quan tâm giải quyết các kiến nghị, đề xuất của NĐT. Định kỳ hằng tháng, hằng quý, chúng tôi đều có văn bản báo cáo kết quả, tiến độ thực hiện dự án, nêu rõ những nội dung vướng mắc trong quá trình triển khai. Trên cơ sở đó, Sở Tài chính tổng hợp báo cáo, tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan có giải pháp tháo gỡ, hướng dẫn NĐT. Nhờ đó, tiến độ dự án được đảm bảo theo kế hoạch.
Cũng như NĐT trên, các kiến nghị của DN, NĐT các dự án triển khai trên địa bàn huyện Cao Lộc cũng được ngành chức năng tỉnh quan tâm tháo gỡ.
Ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: Trên địa bàn huyện hiện triển khai 19 dự án vốn ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư trên 8.200 tỷ đồng. Thời gian qua, tại các dự án này phát sinh một số vướng mắc cần tháo gỡ chủ yếu liên quan đến đất đai, công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh chủ trương đầu tư, quy hoạch sử dụng đất, thủ tục hành chính liên quan... UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đã kịp thời tham mưu HĐND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính; tổ chức chỉ đạo đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các dự án, đồng thời kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trên địa bàn huyện. Thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục rà soát, quan tâm tháo gỡ, đồng thời tham mưu đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo gỡ khó cho DN, NĐT đối với những nội dung vượt thẩm quyền, qua đó, tạo niềm tin, thuận lợi cho DN, NĐT triển khai đầu tư trên địa bàn.
Việc tỉnh thành lập các tổ công tác kịp thời gỡ khó cho DN, NĐT trên địa bàn đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút DN đầu tư vào địa bàn tỉnh. Từ năm 2023 đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 29 dự án với tổng mức đầu tư trên 13.300 tỷ đồng; trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án; điều chỉnh chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư 63 dự án với tổng vốn tăng thêm trên 800 tỷ đồng. Việc thành lập các tổ công tác gỡ khó cho DN còn góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2023, chỉ số PCI của tỉnh đạt 69,05 điểm, xếp thứ 13/63 tỉnh thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2022 và xếp thứ 3/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
Có thể thấy, từ việc tiếp nhận, kịp thời xử lý kiến nghị của NĐT đã tạo niềm tin đối với các NĐT, góp phần thu hút đầu tư vào địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguồn: https://baolangson.vn/phat-huy-vai-tro-cua-cac-to-cong-tac-trong-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-nha-dau-tu-5044428.html
Bình luận (0)