PHÁT HUY HIỆU QUẢ
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) tỉnh Đồng Tháp, hiện hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã được Nhà nước và nhân dân cùng đầu tư, nâng cấp, cải tạo tương đối hoàn chỉnh. Điều này cơ bản đáp ứng phục vụ sản xuất, dân sinh, đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân trong khu vực.
Lãnh đạo UBND tỉnh khảo sát tuyến đê biển Gò Công. |
Cụ thể, hệ thống kinh đến nay đã đầu tư, nâng cấp được 5.099 công trình, với tổng chiều dài 10.550 km. Hệ thống cống và trạm bơm đã đầu tư được 6.673 công trình. Hệ thống đê (đê biển, đê cửa sông và đê sông), đê bao, bờ bao đã đầu tư được 10.275 km.
Cũng theo Sở NN&MT, do hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được đầu tư đã lâu, ở các thời điểm khác nhau và kết cấu không đồng nhất nên hàng năm đều phải thực hiện duy tu, sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo phục vụ sản xuất và dân sinh. Để chủ động vận hành công trình theo công năng thiết kế và đảm bảo ứng phó với thiên tai, ngày từ đầu năm, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý vận hành sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra đánh giá và đề xuất sửa chữa nâng cấp trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo thống kê trong năm 2025, trên địa bàn tỉnh cần phải duy tư, sửa chữa và nâng 149 cống bị hư hỏng, xuống cấp. Đến nay, tỉnh cơ bản đã thực hiện hoàn thành. Trong thời gian tới, Sở NN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát các công trình cần duy tu, sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo phục vụ sản xuất, dân sinh đảm bảo phục vụ cho người dân trên địa bàn tỉnh. |
Nhìn chung, hệ thống công trình thủy lợi đã phát huy công năng rất hiệu quả. Đặc biệt là phát huy hiệu quả trong việc ngăn lũ, mặn, triều và trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống công trình thủy lợi này cơ bản đảm bảo phục vụ tưới, tiêu cho khoảng 435.825 ha đất sản xuất nông nghiệp, với diện tích gieo trồng 861.922 ha. Trong đó, lúa các vụ trong năm 627.066 ha; rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày 68.211 ha; cây ăn quả, cây lâu năm, cây công nghiệp dài ngày 155.287 ha; diện tích nuôi trồng thủy sản 11.358 ha.
Một trong những công trình nổi bật hiện đã đi vào sử dụng và phát huy hiệu quả là Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kinh, rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 giai đoạn 1. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 846 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương; trong đó, chi phí xây dựng trên 578 tỷ đồng.
Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kinh, rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 giai đoạn 1 phát huy hiệu quả sau khi đưa vào sử dụng. |
Dự án bao gồm 6 cống ngăn mặn gồm: Rạch Gầm, Phú Phong, Cây Còng, Mù U, Cái Sơn, Hai Tân. Các cống đã được tập trung đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành đưa vào sử dụng kịp thời đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa khô năm 2023 - 2024. Qua đó, giúp bảo vệ sản xuất an toàn, tạo sự phấn khởi trong nhân dân.
Trước đây, khu vực Cồn Ngang (xã Tân Phú Đông, tỉnh Đồng Tháp) bị sạt lở nghiêm trọng. Trước tình hình trên, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và tỉnh, UBND tỉnh đã triển khai đầu tư Dự án Kè chống sạt lở Cồn Ngang với tổng nguồn vốn trên 238 tỷ đồng. Dự án có chiều dài 6,8 km, sử dụng công nghệ đê giảm sóng kết cấu rỗng bằng cấu kiện bê tông cốt thép đặt xa bờ.
Đê giảm sóng cùng các công trình phụ trợ không chỉ có tác dụng phòng, chống sạt lở mà còn góp phần gây bồi, tạo bãi để địa phương tiếp tục trồng, tái tạo rừng phòng hộ phía trong đê. Hiện nay, dự án đã cơ bản hoàn thành. Theo ghi nhận, hiện một số vị trí của tuyến đê, bùn, cát đã dần bồi lắng bên trong, cây rừng bắt đầu bén rễ trở lại.
TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ
Theo lãnh đạo Sở NN&MT, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt như hiện nay, để nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về kỹ thuật, quản lý và chính sách.
Dự án Kè chống sạt lở Cồn Ngang đang phát huy hiệu quả sau đầu tư. |
Trước hết là triển khai rà soát thực hiện ngay phân cấp quản lý công trình thủy lợi phù hợp với từng cấp độ địa phương, đặc biệt đối với chính quyền 2 cấp như hiện nay. Một trong những giải pháp quan trọng là rà soát quy hoạch tổng thể sản xuất nông nghiệp, quy hoạch thủy lợi đảm bảo tính liên vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Song song đó là tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực từ Trung ương, tỉnh, ODA, xã hội hóa để nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống công trình thủy lợi. Trong đó, ưu tiên cho các vùng trọng điểm như: Dự án Ngọt hóa Gò Công; khu vực cây ăn trái, hoa kiểng giữa sông Tiền, sông Hậu. Cụ thể là tập trung nâng cấp, duy tu các công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp.
Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công giai đoạn 2 đang phát huy hiệu quả trong phòng, chống sạt lở sau khi đưa vào sử dụng. |
Đồng thời, đầu tư xây dựng mới các công trình thủy lợi đáp ứng điều kiện, diễn biến ngày càng cực đoan của khí hậu trên tinh thần đa mục tiêu, dễ thích ứng, đi đôi với áp dụng các công nghệ mới như: Viễn thám, GIS, IOT, điều khiển thông minh, vận hành tự động để tăng cường giám sát, quản lý vận hành các công trình thủy lợi hiệu quả.
Một trong những nội dung quan trọng nữa là tổ chức quản lý vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi đi đôi với đào tạo nguồn lực. Trong đó, đặc biệt tập trung tập huấn nâng cao trình độ cán bộ thủy lợi cấp xã, các tổ hợp tác, hợp tác xã.
Ngoài ra, cần thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thủy lợi và khí hậu từng vùng, đi đôi với việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân có ý thức đối với việc sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, bảo vệ, không xâm hại các công trình thủy lợi.
ANH THƯ
Nguồn: https://baoapbac.vn/kinh-te/202507/dong-thap-nang-cao-hieu-qua-cac-cong-trinh-thuy-loi-1047014/
Bình luận (0)