Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dự kiến đào tạo gần 4.000 nhân lực cho hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

NDO - Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển điện hạt nhân đến năm 2035”. Theo kế hoạch, đến năm 2030, sẽ đào tạo gần 4.000 nhân lực phục vụ nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân28/05/2025

Cụ thể, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 dự kiến sử dụng khoảng 1.920 nhân lực, trong khi nhà máy Ninh Thuận 2 cần khoảng 1.980 người.

Hơn 50% trong số này là đội ngũ kỹ sư và cử nhân, phần còn lại có trình độ cao đẳng. Trong khuôn khổ đề án, 670 nhân sự sẽ được đào tạo trình độ đại học và sau đại học tại các cơ sở đào tạo nước ngoài.

Đối tượng được ưu tiên cử đi đào tạo bao gồm sinh viên đã tốt nghiệp đại học thuộc các nhóm ngành liên quan, có cam kết về phục vụ 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận theo từng giai đoạn cụ thể.

Ngoài ra, sinh viên năm nhất và năm hai từ các trường đại học trong nước cũng có cơ hội tham gia đào tạo quốc tế nếu có đủ điều kiện và cam kết rõ ràng.

Đề án cũng chú trọng bồi dưỡng, thực tập ngắn hạn các kỹ năng chuyên sâu về quản trị và hoạt động của nhà máy điện hạt nhân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia đang quản lý ở các bộ, ngành và đang làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân ở các cơ sở đào tạo và nghiên cứu (khoảng 700 lượt người).

Đồng thời, cập nhật kiến thức cho các giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên hiện đang làm công tác giảng dạy tại các trường đại học, viện nghiên cứu, trường cao đẳng có đào tạo các chuyên ngành điện hạt nhân (khoảng 450 người).

Bên cạnh đó, Đề án đặt mục tiêu đào tạo giảng viên các chuyên ngành điện hạt nhân để bổ sung nguồn nhân lực giảng dạy cho các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 khoảng 120 người (80 thạc sĩ, 40 tiến sĩ).

Giai đoạn 2031-2035, Đề án phấn đấu đào tạo, bồi dưỡng bổ sung nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế cho các nhà máy điện hạt nhân.

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp triển khai như: hoàn thiện cơ chế chính sách; đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất; bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ; cập nhật, bổ sung, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo; hợp tác quốc tế.

Trước đó, tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau nhiều năm tạm dừng.

Tại kỳ họp Quốc hội tháng 2 vừa qua, nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt đã được thông qua để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ được ủy quyền lựa chọn chủ đầu tư, đồng thời áp dụng cơ chế chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với hợp đồng chìa khóa trao tay trong việc xây dựng nhà máy chính với nhà thầu được nêu trong các điều ước quốc tế. Công tác thẩm định công nghệ, an toàn và an ninh cũng được phép triển khai theo quy trình đặc biệt rút gọn nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng của dự án.

Nguồn: https://nhandan.vn/du-kien-dao-tao-gan-4000-nhan-luc-cho-hai-nha-may-dien-hat-nhan-ninh-thuan-post882868.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm