Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đưa con chữ tới học sinh vùng cao - Hành trình của gắn kết và gần gũi

(Dân trí) - Với học sinh dân tộc thiểu số và miền núi, các thầy cô giáo đang ngày ngày nỗ lực để đưa các em đến gần hơn với con chữ, với tri thức bằng sự kiên trì và tận tâm.

Báo Dân tríBáo Dân trí21/05/2025

Lớp học là nơi bắt đầu của sự gắn kết

Tại nhiều điểm trường vùng cao như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên… học sinh bước vào lớp 1 chủ yếu sử dụng tiếng mẹ đẻ như tiếng Mông, Dao, Thái… Việc dạy tiếng Việt vì thế trở thành một hành trình cần sự kiên nhẫn, gắn bó và hỗ trợ sát sao.

Đưa con chữ tới học sinh vùng cao - Hành trình của gắn kết và gần gũi - 1

Với nhiều học sinh vào lớp 1 ở vùng cao, điều quan trọng đầu tiên không phải là dạy chữ, mà là làm quen, trò chuyện và tạo ra sự gần gũi. (Ảnh: NVCC).

Cô Nhè Thị Phượng - giáo viên tại điểm trường Po Qua, xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang - chia sẻ: "Điều quan trọng đầu tiên không phải là dạy chữ, mà là làm quen, trò chuyện và tạo ra sự gần gũi. Chỉ khi ấy, các em mới dần tiếp nhận tiếng Việt như một phần quen thuộc trong cuộc sống".

Cô kể về một học sinh nhỏ tuổi tên Thò Mí Mí mà cô đặc biệt nhớ đến trong những buổi đầu dạy học: "Mí không nói được tiếng phổ thông, bố mẹ em cũng không dùng tiếng Việt. Dạy em vừa là thử thách, vừa là động lực. Mỗi ngày, chỉ cần thấy em nói được thêm một từ mới, mình cũng thấy vui như có thêm sức mạnh".

Để học sinh tiếp cận tiếng Việt hiệu quả hơn, nhiều giáo viên ở các trường vùng cao đã áp dụng phương pháp dạy linh hoạt và trực quan. Thay vì chỉ dùng sách vở, thầy cô đưa các em ra sân trường, chỉ vào đồ vật thật, sử dụng tranh ảnh, video, trò chơi - tất cả nhằm tạo không khí học tập thân thiện, tự nhiên.

Cô Phượng nói: "Có khi dạy về con gà, mình không chỉ giảng mà còn cho các em tận mắt nhìn thấy con gà thật, nghe tiếng kêu, mô tả lại. Học sinh nhớ nhanh hơn, hiểu nghĩa sâu hơn, dần dần cũng tự tin nói tiếng Việt hơn".

Đưa con chữ tới học sinh vùng cao - Hành trình của gắn kết và gần gũi - 2

Một tiết học tiếng Việt của học sinh lớp 1 tại điểm trường vùng cao (Ảnh chụp màn hình từ tiktok NV).

Bên cạnh đó, giáo viên còn học tiếng dân tộc của học sinh để thuận tiện giao tiếp, hỗ trợ các em tốt hơn. Cách dạy song ngữ - kết hợp giữa tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt - không chỉ giúp học sinh dễ hiểu bài mà còn tạo cảm giác thân thuộc với văn hóa của mình.

Tại trường cô Phượng đang công tác, mỗi tuần học sinh sẽ được tăng cường một tiết học tiếng Việt. Bên cạnh đó, trong các môn học khác như Toán hay Tự nhiên xã hội, giáo viên cũng linh hoạt giải thích lại kiến thức bằng tiếng dân tộc để học sinh hiểu rõ hơn.

"Ví dụ, khi dạy đếm số, mình sẽ đếm bằng tiếng Mông trước, rồi mới chuyển sang tiếng Việt để các em hiểu khái niệm. Cách này giúp các em dễ nắm bắt và ghi nhớ hơn," cô Phượng chia sẻ.

Gia đình và cộng đồng cùng đồng hành

Không chỉ nhà trường, gia đình, cộng đồng cũng đóng vai trò quan trọng trong hành trình giúp học sinh dân tộc thiểu số vượt qua rào cản ngôn ngữ. Nhiều phụ huynh dù không thạo tiếng Việt vẫn luôn cố gắng đồng hành cùng con bằng cách riêng của mình.

Tại một điểm trường ở Mường Khương (Lào Cai), chị Hà - người từng tham gia nhiều chuyến tình nguyện đến vùng cao - kể về mẹ của em Giàng Thị Páo, học sinh lớp 1: "Chị ấy không biết đọc, cũng không nói được tiếng phổ thông, nhưng ngày nào cũng đưa con đến lớp đúng giờ. Về nhà, chị bảo con kể lại những từ mới học. Nghe không hiểu thì cười, gật đầu cổ vũ. Vậy mà dần dần, con bé mạnh dạn hẳn lên".

Đưa con chữ tới học sinh vùng cao - Hành trình của gắn kết và gần gũi - 3

Chị Hà cùng các học sinh tại một điểm trường ở vùng cao (Ảnh: NVCC).

Tại một số địa phương, các đoàn thể như hội phụ nữ, đoàn thanh niên còn tổ chức các lớp học tình nguyện buổi tối giúp học sinh luyện nghe - nói tiếng Việt. Dù là những buổi học giản dị, không bảng đen phấn trắng, nhưng lại là nơi học sinh có thể thực hành mà không sợ sai.

Bên cạnh đó, ở nhiều nơi, học sinh vùng cao còn nhận được sự đồng hành từ nhà trường và cộng đồng thông qua những món quà thiết thực như quần áo, giày dép, nhu yếu phẩm. Những điều giản dị ấy góp phần tạo nên sự ấm áp và khích lệ, giúp các em thêm vững vàng trên hành trình đến trường còn nhiều gian nan.

Giáo dục là hành trình kiên nhẫn và sẻ chia

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, trong đó có các nhà nghiên cứu thuộc Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, rào cản ngôn ngữ vẫn là một trong những thách thức lớn nhất với học sinh dân tộc thiểu số.

Do đó, việc tăng cường giáo dục song ngữ đồng thời xây dựng môi trường học tập thân thiện, tôn trọng sự khác biệt văn hóa và ngôn ngữ là những giải pháp quan trọng để giúp các em vượt qua rào cản.

Chị Hà chia sẻ: "Mỗi chuyến đi đến các điểm trường vùng cao đều cho tôi thấy rằng thầy cô ở đây không chỉ dạy học, mà còn truyền cảm hứng, tạo niềm tin và mở ra cánh cửa cho những đứa trẻ nhỏ bé bước vào thế giới rộng lớn hơn. Tôi chỉ mong rằng, một ngày nào đó, chuyện học tiếng Việt sẽ không còn là rào cản với các em nữa".

Ngôn ngữ sẽ không còn là rào cản nếu có sự đồng hành của thầy cô, sự sẻ chia của gia đình và sự quyết tâm của chính học sinh. Từng ngày đến lớp, tiếng Việt không còn xa lạ, mà trở thành người bạn đồng hành, giúp các em chạm gần hơn tới con chữ và những kiến thức mới mẻ phía trước.

Mai Phương

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/dua-con-chu-toi-hoc-sinh-vung-cao-hanh-trinh-cua-gan-ket-va-gan-gui-20250520112027794.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm