Công nhân tại Xí nghiệp Chế biến song mây xuất khẩu Hòa Hiệp (KCN Hòa Hiệp) được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ khi làm việc. Ảnh: KIM CHI |
Sau 10 năm triển khai Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) 2015, các cơ quan, đơn vị đánh giá đây là một bước tiến quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ).
Đẩy mạnh tuyên truyền
Để triển khai kịp thời và hiệu quả Luật ATVSLĐ, các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh… đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến luật và huấn luyện về ATVSLĐ được đẩy mạnh với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, như tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến văn bản mới, hướng dẫn triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Tháng hành động ATVSLĐ năm 2025 cũng là tháng cao điểm tuyên truyền và triển khai công tác ATVSLĐ. Nhiều hoạt động hướng về cơ sở được triển khai đồng loạt như đối thoại, tổ chức tự kiểm tra, thanh tra, thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát nguy cơ, rủi ro, tổ chức khám sức khỏe, tuyên truyền... góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Phú Yên cho biết: Triển khai kế hoạch hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ, công ty chúng tôi đã kiện toàn bộ máy ATVSLĐ; tổ chức đánh giá rủi ro và biện pháp ATVSLĐ; trang bị phương tiện bảo hộ lao động cho NLĐ; tập trung xây dựng môi trường lao động an toàn, hạn chế tối đa các chất độc hại ảnh hưởng sức khỏe NLĐ.
Ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Những năm qua, các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ATVSLĐ, các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ (tháng 5) hằng năm. Các cơ quan, đoàn thể và ngành chức năng cũng đã chủ động phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên, cải thiện môi trường làm việc. Cùng với đó, các quy định pháp luật về ATVSLĐ cũng được ngành chức năng hướng dẫn tương đối đầy đủ tới NLĐ và người sử dụng lao động. Đồng thời tổ chức huấn luyện xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ theo tiêu chuẩn OSHAS 18000 cho các đối tượng là chủ sử dụng lao động và cán bộ phụ trách ATVSLĐ ở các doanh nghiệp, NLĐ…
Tăng cường kiểm tra, kiểm định, cải thiện điều kiện lao động
Cùng với việc phát triển KT-XH, công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến và đạt được một số kết quả tích cực. Các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì các hoạt động về ATVSLĐ theo quy định của pháp luật. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ được triển khai theo kế hoạch, tạo ý thức, nề nếp và thói quen tuân thủ các quy định pháp luật về ATVSLĐ cho NLĐ. Từ đó, vai trò NLĐ trong công tác ATVSLĐ được phát huy đã góp phần hạn chế và giảm thiệt hại do tai nạn lao động.
Ông Phan Đại Thắng thông tin thêm: Năm 2024 có 47 doanh nghiệp đã huấn luyện ATVSLĐ cho 8.600 người. Các doanh nghiệp này cũng đã thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, cải thiện điều kiện lao động, quan trắc môi trường lao động và có biện pháp khắc phục các điều kiện lao động không đảm bảo an toàn cho NLĐ.
Tháng hành động ATVSLĐ năm 2025 cũng là tháng cao điểm tuyên truyền và triển khai công tác ATVSLĐ. Nhiều hoạt động hướng về cơ sở được triển khai đồng loạt như đối thoại, tổ chức tự kiểm tra, thanh tra, thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát nguy cơ, rủi ro, tổ chức khám sức khỏe, tuyên truyền... góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo ông Nguyễn Duy Linh, Chánh Thanh tra Sở Nội vụ, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNLĐ, như: người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân cho NLĐ, không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ hoặc huấn luyện không đầy đủ cho NLĐ. Máy móc, thiết bị không đảm bảo an toàn khi đưa vào vận hành sản xuất... Ngoài ra còn có nguyên nhân chủ quan của NLĐ trong việc vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động... "Để đảm bảo ATVSLĐ, chúng tôi đều nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện kiểm định máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ trước khi đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật", ông Linh cho biết.
Ông Nguyễn Tấn Thuần, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên, chia sẻ: Trong tháng ATVSLĐ, cùng với tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, công ty còn phối hợp với Sở Nội vụ tập huấn về công tác ATVSLĐ cho công nhân lao động trực tiếp, nhằm đảm bảo ATVSLĐ tại đơn vị.
Để góp phần đưa Luật ATVSLĐ đi vào cuộc sống thực chất, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phan Đại Thắng, cho biết tỉnh tiếp tục thực hiện, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về ATVSLĐ. Theo đó, khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp nguồn lực và triển khai các hoạt động cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe NLĐ. Khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, hiện đại và áp dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường trong quá trình lao động. Xây dựng văn hóa an toàn lao động. Đồng thời tổ chức huấn luyện ATVSLĐ đầy đủ các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn theo quy định. Trong đó, chú trọng huấn luyện thực hành, kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ; thực hiện công tác tự kiểm tra tại đơn vị; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp cho NLĐ...
Nguồn: https://baophuyen.vn/xa-hoi/202505/dua-luat-an-toan-ve-sinh-lao-dong-vao-cuoc-song-9cc196f/
Bình luận (0)