Cùng đó, các cơ sở giáo dục đã chủ động tạo môi trường làm việc, hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn để giáo viên yên tâm phát triển và cống hiến.
Tăng cường truyền thông
Ông Đinh Văn Trịnh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền (TPHCM) cho rằng, thời gian tới, nhà trường sẽ tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo chuyên đề về Luật Nhà giáo thông qua nhiều kênh khác nhau để đảm bảo cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nắm rõ quyền và nghĩa vụ theo quy định mới. Đồng thời, cải thiện môi trường làm việc, tạo điều kiện để giáo viên có thể phát huy tối đa năng lực, giảm thiểu áp lực công việc không cần thiết. Trong đó, chú trọng xây dựng môi trường nơi giáo viên cảm thấy được lắng nghe, hỗ trợ và có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.
“Chúng tôi sẽ rà soát lại các quy định, quy chế nội bộ để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp tinh thần và nội dung của Luật Nhà giáo. Điều này bao gồm các quy định về chuẩn giáo viên, đánh giá thi đua, khen thưởng, kỷ luật, quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Ngoài ra, dựa trên các quy định về chuẩn giáo viên và công tác bồi dưỡng chuyên môn trong Luật, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên bài bản, định kỳ, chú trọng vào các kỹ năng mới, phương pháp giảng dạy hiện đại và phát triển năng lực số. Đặc biệt, thông tin liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ, tiêu chuẩn đánh giá giáo viên cần được công khai, minh bạch”, ông Trịnh cho hay.
Ông Lê Hữu Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An (TPHCM) cho biết: “Nhà trường đã chủ động tuyên truyền cho giáo viên qua các cuộc họp chi bộ, Hội đồng sư phạm... Trước khi Luật được thông qua, chúng tôi đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Luật đến toàn thể giáo viên, nhân viên trong trường. Luật Nhà giáo không chỉ là dấu mốc về mặt pháp lý, mà còn là bước tiến thực sự trong việc nâng cao vị thế và bảo vệ quyền lợi chính đáng của đội ngũ nhà giáo”.
Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, để thực hiện hiệu quả Luật Nhà giáo tại cơ sở, ngành Giáo dục các địa phương cần tập trung nâng cao nhận thức và hiểu biết, tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo, tọa đàm cho toàn thể đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên tại cơ sở giáo dục.
Ngoài ra, cần chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về Luật Nhà giáo đến toàn thể nhân dân. Huy động sự tham gia, ủng hộ của gia đình, cộng đồng trong việc giáo dục học sinh. Xây dựng môi trường xã hội tôn trọng, coi trọng nghề nhà giáo.
“Các địa phương cần rà soát, điều chỉnh quy định, quy chế của cơ sở giáo dục phù hợp với Luật Nhà giáo. Đảm bảo công bằng, minh bạch trong việc tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật giáo viên. Từ đó, tạo môi trường làm việc, sinh hoạt, học tập thân thiện, an toàn, tiện nghi cho nhà giáo”, ông Ngai nhấn mạnh.

Hỗ trợ giáo viên đạt chuẩn
Theo Luật Nhà giáo, trình độ chuẩn của nhà giáo là có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non, bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, THCS, THPT. Tại TPHCM, theo thống kê, năm học 2024 - 2025, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành khoảng 80.612 người. Với cấp tiểu học, số thầy cô chưa đạt chuẩn là 2.156, THCS là 730. Riêng cấp THPT 100% giáo viên đạt chuẩn. Bậc mầm non, số lượng nhân sự chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo cao nhất, với 5.717 giáo viên.
Hiện, TPHCM có hơn 3.200 cơ sở giáo dục mầm non. Để thực hiện công tác chuẩn hóa trình độ giáo viên, ngành Giáo dục TPHCM đã yêu cầu các trường mầm non ngoài công lập khi ký hợp đồng lao động với giáo viên phải đảm bảo quy định về trình độ theo quy định. Với giáo viên đã có thời gian gắn bó, muốn công tác lâu dài phải cam kết tham gia chuẩn hóa trình độ, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách cùng cấp quản lý tổ chức lớp bồi dưỡng.
Theo chia sẻ của hiệu trưởng một trường mầm non ngoài công lập tại TPHCM, ngay khi Luật Nhà giáo được thông qua, thầy cô công tác tại các đơn vị ngoài công lập rất vui mừng. Hiện tại, nhà trường có 4 giáo viên trình độ trung cấp và học tập vào các buổi tối.
“Để giáo viên yên tâm công tác, chúng tôi luôn tạo điều kiện về thời gian cũng như duy trì các chế độ chính sách để các cô yên tâm học tập. Việc này nhằm giữ chân nhân sự có trình độ cao đẳng, đại học đang giảng dạy tại trường và ‘chiêu mộ’ thêm nhân sự mới. Ngoài ra, nhà trường luôn tạo điều kiện cho các cô học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng để đáp ứng quy định mới”, hiệu trưởng này cho hay.
Tương tự, tại Trường Tiểu học Thạnh An, việc tạo điều kiện cho giáo viên bồi dưỡng, học tập được chú trọng. Hiệu trưởng Lê Hữu Bình cho biết, trường còn 1 giáo viên chưa đạt chuẩn và đang đi học để hoàn thiện. Giáo viên học cả trực tiếp và trực tuyến, do đó, nhà trường tạo điều kiện về thời gian, sắp xếp thời khóa biểu hợp lý để giáo viên đảm bảo lịch học tập.
“Khi Luật Nhà giáo được thông qua, thầy cô trong trường đều rất vui. Vui vì Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành đã quan tâm tới đời sống giáo viên, có sự hỗ trợ kịp thời và những chế tài đặc biệt để bảo vệ giáo viên. Điều đó giúp thầy cô cảm thấy có động lực, tập trung hơn vào công việc chuyên môn, không bị áp lực về mọi việc”, ông Lê Hữu Bình nói.
Ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã chú trọng việc xây dựng, triển khai chính sách và đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp học. Cụ thể, tham mưu chính sách về kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS khóa 1 (2023 - 2024 đến 2025 - 2026) và khóa 2 (2024 - 2025 đến 2026 - 2027). Theo đó, giáo viên mầm non, tiểu học, THCS tại các trường công lập và ngoài công lập được hỗ trợ 100% học phí từ ngân sách Nhà nước.
Để xứng đáng với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về việc cho xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo; lãnh đạo giáo dục từng địa phương và cơ sở giáo dục cần tiếp tục yêu cầu, động viên đội ngũ nhà giáo phải luôn phấn đấu cải tiến phương pháp giáo dục, dạy học, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được phân công với tinh thần trách nhiệm cao vì học sinh thân yêu. - Ông Nguyễn Văn Ngai nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/dua-luat-nha-giao-vao-cuoc-song-nang-cao-vi-the-nguoi-thay-post739421.html
Bình luận (0)