Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đưa trẻ ù lì đến trại hè: Có hoạt bát lên không?

Nhiều phụ huynh gửi con trẻ đến các trại hè với hy vọng con em mình sẽ trở nên hoạt bát, giỏi giang sau một khóa trải nghiệm cơ cực.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ07/07/2025

trại hè - Ảnh 1.

Trại hè quân sự là mô hình khá phổ biến, nhưng cũng gây tranh cãi ở Trung Quốc - Ảnh: CN

Trại hè từng được xem là môi trường lý tưởng để trẻ em phát triển thể chất, tinh thần và kỹ năng xã hội. 

Tuy nhiên với những trẻ vốn ù lì, ít vận động, thụ động, việc phụ huynh cứ mặc nhiên đưa vào trại hè có thể dẫn đến những hiểm họa khôn lường cho con em mình.

Nguy cơ về thể chất

Theo American College of Sports Medicine (ACSM), trẻ em ít vận động trong thời gian dài thường có hệ cơ - xương - khớp yếu, khả năng phối hợp kém và thể lực nền thấp hơn chuẩn.

Khi bị đưa vào môi trường trại hè với lịch trình dày đặc các hoạt động vận động như đi bộ sườn dốc (hiking/trekking), chạy tiếp sức, hít đất..., những trẻ này dễ bị chấn thương nghiêm trọng nếu không có giai đoạn khởi động hoặc thích nghi phù hợp.

Một nghiên cứu đăng trên Journal of Pediatric Exercise Science (2019) cho thấy: “Trẻ có lối sống tĩnh tại lâu ngày có mức phản xạ cơ bắp và độ linh hoạt thấp hơn đáng kể, làm tăng nguy cơ trật khớp, bong gân và té ngã khi tham gia vận động đột ngột".

trại hè - Ảnh 2.

Tập thể dục theo nhóm chưa chắc đã tốt, khi các em có trình độ khác nhau - Ảnh: CN

Thực tế đã ghi nhận nhiều vụ việc cảnh báo. Năm 2022 tại Nanjing (Trung Quốc), một bé trai 12 tuổi gãy xương chày khi trèo tường cao tại mô hình trại hè vì không có dây bảo hộ. 

Báo Sixthtone cho biết đây chỉ là một trong hàng trăm tai nạn được báo cáo tại các trại hè thiên về vận động khắc nghiệt tại quốc gia này.

Tiến sĩ Avery Faigenbaum, chuyên gia về thể chất học đường tại Đại học Montclair (Mỹ), cảnh báo: “Lỗi phổ biến là cho rằng trẻ con có thể ‘khởi động’ như máy móc chỉ sau vài giờ vận động. Trên thực tế, với trẻ ít hoạt động, cần có lộ trình chuẩn bị trước ít nhất hai tuần để hệ vận động làm quen trở lại".

Một nguy cơ khác đáng lo là tình trạng say nắng, kiệt sức do hệ tuần hoàn và hô hấp chưa thích nghi với cường độ vận động liên tục ngoài trời. Với trẻ đã quen sống trong môi trường điều hòa, thiếu khả năng tự điều chỉnh thân nhiệt, đây là hiểm họa không thể xem nhẹ.

Trẻ “ù lì” cũng thường thiếu phản xạ bảo vệ khi té ngã, như chống tay, giữ trọng tâm hay chuyển hướng lực tác động. Điều này càng làm tăng nguy cơ tổn thương khớp, trật cổ tay hoặc va đập vùng đầu.

Nỗi ám ảnh tuổi thơ

Đây mới thực sự là điều đáng ngại. Suy nghĩ cho rằng con em mình - vốn đang ù lì, sẽ đột ngột "thích thể thao" sau một kỳ trại hè quả thực quá ấu trĩ và đáng bị lên án.

Tiến sĩ Amanda Visek (Đại học George Washington), chuyên gia tâm lý thể thao trẻ em, cho biết: “Trẻ không sợ vận động - chúng sợ bị phán xét khi vận động. Cảm giác bị nhìn chằm chằm, bị so sánh hay bị chọn sau cùng trong đội nhóm có thể làm tổn thương lòng tự trọng lâu dài".

Nghiên cứu của tạp chí Developmental Psychology (APA) cũng chỉ ra giai đoạn từ 7-12 tuổi là thời điểm trẻ cực kỳ nhạy cảm với so sánh năng lực. 

Nếu thường xuyên bị xem là “yếu”, “chậm”, hoặc “kém” trong các hoạt động thể thao, trẻ dễ hình thành hình ảnh tiêu cực về bản thân, từ đó né tránh mọi môi trường vận động sau này.

trại hè - Ảnh 3.

Không phải trẻ em nào cũng có thể hít đất - Ảnh: CN

Một báo cáo từ Aspen Institute cũng khẳng định: “Trẻ từng có trải nghiệm thể thao tiêu cực thời thơ ấu sẽ ít vận động hơn trong suốt phần đời còn lại, kéo theo hệ quả xấu về sức khỏe thể chất và tinh thần".

Thực tế không ít trẻ sau trại hè đã xin nghỉ học thể dục, né tránh giờ thể thao, hoặc chỉ ngồi một chỗ trong các tiết học tập thể vì bị ám ảnh với cảm giác thất bại, xấu hổ, hoặc cô lập trước nhóm đông.

Những lời trêu đùa vô tình từ bạn bè như “chạy gì mà chậm như rùa”, “yếu hơn cả con gái” cũng đủ để in sâu cảm giác tiêu cực vào tâm trí các đứa trẻ.

Việc lựa chọn trại hè không thể dựa trên phong trào hay áp lực thành tích. Phụ huynh cần thấu hiểu con mình, đánh giá đúng thể lực và tâm lý của con trẻ trước khi quyết định. 

Bằng không hy vọng con mình sẽ đột ngột "lột xác" sau một kỳ trại hè hoàn toàn chỉ là suy nghĩ hão huyền, thậm chí trở nên phản tác dụng.

Tại Trung Quốc, các mô hình trại hè quân sự hóa (military-style boot camps) từng được quảng bá như một giải pháp rèn kỷ luật, nâng cao thể chất và “giáo dục ý chí” cho trẻ. Tuy nhiên thực tế đã ghi nhận nhiều vụ việc gây tranh cãi, thậm chí để lại hậu quả nghiêm trọng về thể chất lẫn tâm lý.

Từng có phản ánh một vụ việc tại tỉnh Giang Tây, cho thấy HLV của trại hè ép đầu một bé trai xuống nước nhiều lần với lý do "rèn luyện để vượt qua nỗi sợ độ sâu". Dư luận chỉ trích đây là hành vi mang tính bạo lực và phản giáo dục, dù phía trại giải thích đó là "liệu pháp thực hành sinh tồn".

Ngoài ra nhiều phụ huynh phản ánh rằng con em họ sau khi tham gia các trại hè kiểu quân sự thường trở về với tâm trạng hoảng loạn, khó ngủ, ám ảnh tiếng hô hét.

Một trường hợp đau lòng xảy ra năm 2021 khi một học sinh 16 tuổi tử vong vì say nắng trong lúc thực hiện bài tập sinh tồn ở sa mạc Cam Túc - môi trường khắc nghiệt không có đội y tế giám sát đầy đủ.

Theo thống kê của China Youth Daily, từ năm 2018 đến 2022 đã có ít nhất 180 vụ tai nạn nghiêm trọng tại các trại hè ở Trung Quốc, trong đó hơn 60% liên quan đến mô hình huấn luyện thể chất cường độ cao. Những con số này cho thấy: nếu không được kiểm soát chặt chẽ, trại hè có thể trở thành nơi nguy hiểm hơn là môi trường giáo dục.

HUY ĐĂNG

Nguồn: https://tuoitre.vn/dua-tre-u-li-den-trai-he-co-hoat-bat-len-khong-20250706213448982.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm