
Sự khác biệt của hai điểm đến lớn
Những năm gần đây, TP. Đà Nẵng và TP. Hội An đã khẳng định là hai trong số các điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam. Tuy có sự kết nối, tương hỗ mật thiết nhưng bản thân hai điểm đến này cũng có sự khác biệt nhất định trong định vị thương hiệu cũng như cơ cấu thị trường khách.
Tại hội thảo về phát triển du lịch TP.Đà Nẵng mới sau hợp nhất vừa diễn ra, theo đại diện Outbox Consulting (một đơn vị chuyên về nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu du lịch), Đà Nẵng và Quảng Nam có sự khác biệt lớn trong cấu trúc thị trường khách.
Trong khi cơ cấu thị trường khách du lịch ở Đà Nẵng khá tương đồng với cơ cấu chung của thị trường du lịch Việt Nam thì Quảng Nam lại khác biệt hoàn toàn với ưu thế rõ rệt về thị trường quốc tế. Chưa kể, Đà Nẵng nổi lên là điểm đến có nhu cầu thị trường nội địa cao nhất hàng tháng trong một năm qua.

Ông Đặng Mạnh Phước - Giám đốc Điều hành Outbox Consulting cho biết, cấu trúc thị trường khách quốc tế giữa hai địa phương cũng có sự khác biệt. Đà Nẵng có sự phụ thuộc cao đối với các thị trường nội vùng châu Á. Trong khi Quảng Nam có cấu trúc thị trường cân bằng hơn, ít phụ thuộc vào một thị trường đơn lẻ.
Thị trường nói tiếng Anh chiếm tỷ trọng tốt trong cơ cấu khách quốc tế đến Quảng Nam (gần 50%), thể hiện vai trò quan trọng của điểm đến này trong việc duy trì dòng khách chất lượng cao của du lịch Việt Nam.
Theo nhận định của doanh nghiệp du lịch, giữa Đà Nẵng và Quảng Nam cũng có chiến lược định vị thương hiệu du lịch khác nhau. Trong khi giá trị nổi bật của Đà Nẵng thiên về biển - giải trí - du lịch MICE… thì Quảng Nam lại nổi tiếng với du khách ở khía cạnh di sản - văn hóa - du lịch cộng đồng - du lịch xanh…
Đi kèm với đó, những hình ảnh du lịch đại diện của 2 bên cũng thể hiện sự tương phản khi Đà Nẵng gắn liền với hình ảnh sôi động của lễ hội pháo hoa, cầu Rồng, cầu Vàng… thì hình ảnh của Quảng Nam gắn với sự sâu lắng của Hội An, Mỹ Sơn…
Nhận diện thách thức
Với lợi thế của mỗi bên, Đà Nẵng sau hợp nhất có thể sẽ trở thành một thương hiệu lớn khi kết hợp giá trị điểm đến với phân khúc khách đa dạng, danh mục sản phẩm phong phú. Thương hiệu TP.Đà Nẵng mới sẽ tích hợp hoàn chỉnh với đa tầng trải nghiệm. Dù vậy theo các chuyên gia trong ngành, cần có định hướng thương hiệu và chiến lược thị trường rõ ràng nếu không nguy cơ tạo nên “hai đầu kéo” ngược chiều.

Theo ông Đặng Mạnh Phước, vẫn tồn tại những nguy cơ sau sáp nhập của 2 điểm đến này gồm mâu thuẫn trong cấu trúc thị trường mục tiêu, nguy cơ về xung đột đặc tính giữa các thị trường truyền thống và khó khăn trong đo lường, quản lý hành vi du khách tổng thể. Nếu không dung hòa được sẽ dẫn đến nguy cơ “trung bình hóa điểm đến”, mâu thuẫn trong hệ thống biểu tượng và câu chuyện thương hiệu cũng như khó khăn trong hoạt động truyền thông tiếp thị điểm đến.
Theo PGS-TS. Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch, Phó Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam, TP.Đà Nẵng mới cần cơ cấu lại du lịch Đà Nẵng với trọng tâm phát triển sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên tư duy đột phá và sáng tạo gắn thị trường phù hợp tầm nhìn phát triển mới. Xây dựng hình ảnh, thương hiệu điểm đến mới dựa trên cơ sở làm sâu sắc hơn thương hiệu đã có.
PGS-TS. Phạm Trung Lương khuyến nghị, Đà Nẵng cần xác lập tầm nhìn phát triển mới với vị thế là trung tâm du lịch quốc gia mang tầm khu vực và quốc tế. Trong đó chú trọng phát triển du lịch đường biển gắn với kinh tế biển. Định vị các mục tiêu phát triển chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với vai trò “điểm đến du lịch di sản” gắn với “siêu đô thị di sản - sự kiện - đổi mới, sáng tạo” mang tầm khu vực và quốc tế.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/dung-hoa-diem-den-du-lich-quang-nam-da-nang-3155546.html
Bình luận (0)