Dù không phải là cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ miền Bắc Việt Nam, bão Wipha đã gây chú ý cho giới chuyên gia bởi những biểu hiện bất thường về cấu trúc, khả năng gây mưa kéo dài và sự phân bố gió mạnh ở các khu vực xa tâm bão.
Đây được xem là một trong những dấu hiệu rõ rệt cho thấy Việt Nam đang bước vào chuỗi thời tiết cực đoan, xuất phát từ hiện tượng chuyển pha khí hậu ENSO.
Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia 20 năm nghiên cứu về giảm thiểu rủi ro thiên tai, bão Wipha đi kèm hiện tượng gió mạnh cục bộ có thể xảy ra theo dải hẹp cách xa tâm bão hàng trăm cây số.
"Mặc dù gió mạnh cục bộ chỉ xảy ra trong quãng ngắn khoảng 10 đến 15 phút, nhưng cấp gió lớn có thể làm tốc mái tôn và đổ cây cối", TS Huy nhấn mạnh.

Ảnh vệ tinh ghi nhận cơn bão Wipha đổ bộ vào miền bắc Việt Nam sáng 22/7 (Ảnh: Tropicaltidbits).
ENSO: Yếu tố định hình mưa bão bất thường
Sự bất ổn của các cơn bão gần đây không chỉ là vấn đề riêng lẻ mà là biểu hiện của nền khí hậu đang dịch chuyển, đặc biệt là chuỗi biến động ENSO (El Niño Southern Oscillation).
ENSO là hiện tượng dao động tự nhiên của nhiệt độ bề mặt biển và điều kiện khí quyển tại vùng xích đạo Thái Bình Dương, tạo ra ba trạng thái khí hậu: El Niño (pha nóng), La Niña (pha lạnh) và trung tính.
Từ cuối năm 2023 đến giữa năm 2025, thế giới chứng kiến một loạt chuyển pha nhanh chóng của ENSO, từ El Niño sang trung tính, rồi nghiêng nhẹ về La Niña, và hiện tại đang trong trạng thái trung tính âm (gần La Niña hơn).
Những chuyển dịch này ảnh hưởng sâu rộng đến thời tiết khu vực, đặc biệt là Đông Nam Á, nơi Việt Nam chịu tác động trực tiếp.

Bản đồ cho thấy sự bất thường của nhiệt độ bề mặt nước biển ở Thái Bình Dương trong thời kỳ chuyển pha La Niña và El Niño (Ảnh: NOAA).
Nhiều nghiên cứu khí hậu tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương đã chỉ ra rằng chuyển pha ENSO có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tần suất, vị trí hình thành và cường độ bão nhiệt đới.
Trong pha El Niño, bão thường hình thành ở phía Đông xa, ít ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Ngược lại, trong pha La Niña hoặc trung tính âm, bão có xu hướng hình thành gần bờ hơn, tấn công trực tiếp vào đất liền với tần suất cao hơn trung bình nhiều năm.
Bão Wipha là một ví dụ điển hình. Dù không phải siêu bão, nhưng cấu trúc mất đối xứng, khả năng hút ẩm mạnh ở vùng Đông Nam so với vùng Tây Bắc, kèm theo hiện tượng tăng cường năng lượng khi di chuyển chậm trên Vịnh Bắc Bộ đã khiến nó trở thành một cơn bão nguy hiểm.
Đặc biệt, Wipha gây ra mưa kéo dài sau bão, kịch bản thường thấy trong giai đoạn La Niña hoặc trung tính âm, khi khí quyển giữ lại độ ẩm lớn và hình thành các "dòng sông khí quyển" mang lượng hơi nước cực lớn từ biển vào đất liền.
Hệ quả là những đợt mưa sau bão trở thành nguyên nhân chính gây ra sạt lở đất, lũ quét, đặc biệt ở các tỉnh đồi núi phía Bắc và vùng ven biển.
Ứng phó dài hạn: Bài toán cấp bách
Từ thực tế bão Wipha và các chuyển pha khí hậu, bài học rõ ràng nhất là không thể xem nhẹ bất kỳ cơn bão nào.
Tác động của bão không chỉ đến từ sức gió khi đổ bộ, mà còn từ lượng mưa kéo dài nhiều ngày sau bão, những vùng ảnh hưởng xa tâm bão hàng trăm km, hay các hiện tượng gió mạnh cục bộ chỉ diễn ra trong vài phút nhưng có sức tàn phá lớn. Đây là những biểu hiện rất điển hình trong giai đoạn ENSO bất ổn.

Tác động của bão không chỉ đến từ sức gió khi bão đổ bộ, mà còn đến từ lượng mưa kéo dài nhiều ngày sau (Ảnh: Getty).
Việc gia cố nhà cửa, cắt tỉa cây cối, sơ tán khỏi vùng nguy hiểm không còn là giải pháp "chống tạm" khi bão tới gần, mà phải trở thành một phần trong chiến lược thích ứng dài hạn với khí hậu cực đoan.
Đặc biệt tại Việt Nam, nơi có địa hình dốc, dân cư phân bố rộng và cơ sở hạ tầng chưa đồng đều, một cơn bão trung bình cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu cộng hưởng với những đợt mưa cực đoan kéo dài sau đó.
Không chỉ các cơ quan chức năng, mà từng cộng đồng dân cư, từng hộ gia đình, cần được trang bị kiến thức về bão, về biến đổi khí hậu để chủ động ứng phó.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/giai-ma-chuyen-pha-khi-hau-vi-sao-cac-con-bao-ngay-cang-bat-on-20250722083736920.htm
Bình luận (0)