MÔN NGỮ VĂN NHIỀU THÍ SINH ĐĂNG KÝ NHẤT, TIẾNG NGA ÍT NHẤT
Theo thông tin của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có 1.165.289 thí sinh (TS) đăng ký dự thi, tăng gần 98.000 TS so với năm 2024 (có 1.067.391 TS đăng ký dự thi). Cũng từ số liệu trên, khi sắp xếp giảm dần theo số TS của từng môn cho thấy, môn ngữ văn có TS đăng ký cao nhất và kế đến là môn toán, đây là 2 môn thi bắt buộc. Xếp cuối cùng là môn tiếng Đức và tiếng Nga.
Bộ GD-ĐT đã công bố số lượng thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2025 và tỷ lệ môn tự chọn
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Cụ thể về thứ tự và số lượng TS đăng ký của các môn thi như sau: ngữ văn (xếp thứ 1; với 1.151.687 TS), toán (2; 1.145.449), lịch sử (3; 499.357), địa lý (4; 494.081), tiếng Anh (5; 358.870), vật lý (6; 354.298), giáo dục kinh tế và pháp luật (7; 247.248), hóa học (8; 246.700), sinh học (9; 72.669), công nghệ nông nghiệp (10; 21.962), tin học (11; 7.716), giáo dục công dân (12; 4.835), tiếng Trung (13; 4.366), công nghệ công nghiệp (14; 2.428), tiếng Hàn (15; 561), tiếng Nhật (16; 500), tiếng Pháp (17; 408), tiếng Đức (18; 171) và tiếng Nga (19; 103).
THÍ SINH CHỌN MÔN THI THEO ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có 6 môn thi, trong đó có 3 môn thi bắt buộc là ngữ văn, toán và ngoại ngữ. Ngoài ra, TS chọn thêm một trong 2 tổ hợp để dự thi, đó là tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN) (vật lý, hóa học, sinh học) và tổ hợp khoa học xã hội (KHXH) (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có 4 môn thi, trong đó 2 môn thi bắt buộc là ngữ văn và toán, TS được chọn thêm 2 môn trong số các môn (ngoại ngữ gồm tiếng Anh và ngoại ngữ khác), vật lý, hóa học, sinh học, tin học, công nghệ (nông nghiệp, công nghiệp), lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật. Với phương thức tổ chức này, tỷ lệ phần trăm số TS đăng ký dự thi của từng môn so với tổng số TS đăng ký dự thi đều giảm so với kỳ thi năm 2024.
Môn lịch sử (năm 2024 là 66,16% - năm 2025 là 42,85%), địa lý (66,02% - 42,40%), tiếng Anh (91,95% - 30,8%), vật lý (32,38% - 30,40%), hóa học (32,47% - 21,17%), sinh học (32,08% - 6,24%). Riêng môn giáo dục công dân, năm 2024 là 54,68%, năm 2025 là 0,41% nhưng có thêm 21,22% môn giáo dục kinh tế và pháp luật.
Năm 2025, TS chọn môn thi theo định hướng nghề nghiệp của mình nên chắc chắn kết quả thi sẽ thực chất, phản ánh đúng chất lượng hơn so với kỳ thi của các năm 2024 trở về trước. Chẳng hạn, năm 2025, TS chọn môn vật lý là 30,40%, môn hóa học là 21,17% và môn sinh học là 6,24%, theo tỷ lệ tương ứng là 5:3:1.
Trong khi năm 2024, tỷ lệ cả 3 môn thi này là 32% (tỷ lệ tương ứng là 1:1:1). Như vậy, có thể một tỷ lệ đáng kể TS dự thi môn sinh học và môn hóa chỉ với mục đích không bị điểm liệt chứ không phải vì định hướng nghề nghiệp. Điều này phản ánh rất rõ ở một số tỉnh, thành phố có xếp hạng trung bình điểm học bạ môn hóa học, sinh học thứ nhất, thứ nhì, nhưng có thứ hạng trung bình điểm thi xếp thứ 62, 63 của cả nước.
Cũng theo số liệu trên, các môn lần đầu tiên được đưa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có TS đăng ký rất ít. Cụ thể, môn công nghệ nông nghiệp (21.962 TS - chiếm 1,88%), tin học (7.716 - 0,66%) và công nghệ công nghiệp (2.428 - 0,21%). Theo các chuyên gia giáo dục, dẫn tới điều này do nhiều TS dù chọn học môn tin học nhưng ngại thi vì môn này chưa có kinh nghiệm ôn tập và thi.
Về ngoại ngữ, tiếng Anh là môn được chọn nhiều nhất với 358.870 TS, kế đến là tiếng Trung (4.366), tiếng Hàn (561), tiếng Nhật (500), tiếng Pháp (408), tiếng Đức (171) và tiếng Nga (103). Điều đáng nói, tiếng Nga và tiếng Pháp trước đây là môn học phổ biến ở trường phổ thông, nhưng những năm gần đây giảm hẳn, cả nước có trên 100 TS dự thi.
3 YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG XU HƯỚNG CHỌN KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có 4 môn thi nên tổng số bài thi toàn kỳ thi sẽ giảm từ 6.106.348 bài năm 2024 xuống còn khoảng 4.026.157 bài năm 2025 (dự kiến). Nếu tính tổng các môn tự nhiên và công nghệ (gồm toán, lý, hóa, sinh, tin học, công nghệ) năm 2024 là 2.080.191 bài thi chiếm 34,07% trong tổng số bài thi; năm 2025 dự kiến là 1.851.222 bài thi, chiếm 40,13%, tăng khoảng 6% so với năm trước. Ngược lại, tổng bài thi KHXH và nhân văn (gồm văn, ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, giáo dục kinh tế và pháp luật) năm 2024 là 4.613.409 bài thi, chiếm tỷ lệ 65,93%; năm 2025 dự kiến có 2.762.187 bài, chiếm tỷ lệ 59,87% (giảm 6%).
Các con số này cho thấy, năm 2025 TS đã chú trọng đến các môn KHTN và công nghệ hơn so với năm 2024. Điều này sẽ phù hợp với xu hướng nhu cầu đào tạo các ngành học STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) ngày càng tăng ở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng này là khá thấp so với yêu cầu, trong khi các môn như sinh học, tin học, công nghệ có số lượng TS dự thi quá thấp. Ngược lại, các môn lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật có TS dự thi cao.
Theo các chuyên gia giáo dục, có 3 yếu tố tác động đến xu hướng học sinh (HS) chọn học và thi các môn KHXH cao:
Thứ nhất, việc tổ chức chương trình giáo dục, trong đó các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc mang tính xã hội, nhân văn nhiều hơn, chỉ có môn toán mang tính tự nhiên, logic.
Thứ hai, tổng điểm thi tốt nghiệp tổ hợp KHXH nhiều năm cao hơn tổng điểm thi tổ hợp các môn KHTN (cao hơn 2 điểm).
Thứ ba, những năm gần đây các trường ĐH tuyển sinh nhiều tổ hợp có các môn KHXH, kể cả một số ngành kỹ thuật. Bên cạnh đó, nhiều trường THPT ở miền núi có số lớp các môn KHXH nhiều hơn các môn KHTN.
GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ TỪ CẤP THCS
Để HS chọn môn học và môn thi phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực (cần nhiều lao động trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật), cần có các giải pháp đồng bộ ngay từ THCS.
Đối với cấp THCS, cần giảng dạy đồng đều các môn học, nâng cao chất lượng dạy và học các môn toán, KHTN và công nghệ, tạo điều kiện để HS hứng thú, đầu tư cho các môn học này, chứ không tập trung vào các môn thi tuyển sinh THPT (đa số các tỉnh, thành phố hiện nay chọn toán, ngữ văn và tiếng Anh).
Ở cấp THCS, tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp có chất lượng để HS khi lên cấp THPT lựa chọn tổ hợp để học phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bản thân và nhu cầu nguồn nhân lực. Đồng thời, thực hiện phân luồng sau THCS dựa trên nhu cầu nghề nghiệp thực sự của HS, chứ không chỉ dựa vào xếp loại học lực, và như vậy sẽ có một số HS học lực khá giỏi nhưng chọn con đường nghề nghiệp sớm, có thể học lên ĐH sau.
Theo phản ánh của một số hiệu trưởng các trường THCS ở miền núi, nhiều HS sau khi tốt nghiệp THCS, THPT lại trở về quê để đi làm thuê. Đây là một thực tế mà nhiều cán bộ quản lý trường học rất băn khoăn, vì đa số các em không có trình độ chuyên môn, nghề nghiệp.
Các trường THPT chú trọng hơn và định hướng HS chọn học theo các tổ hợp KHTN - công nghệ, để HS không chỉ mục đích học lên ĐH hay giáo dục nghề nghiệp, mà kể cả trực tiếp ra thị trường lao động cũng có các năng lực về toán, khoa học, công nghệ, tin học… để vận dụng trong cuộc sống.
Theo dự báo của các chuyên gia giáo dục, một số ngành nghề có xu hướng gia tăng số lao động trong những năm tới là: khoa học công nghệ - kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo, chăm sóc sức khỏe, ngân hàng và marketing…
Bộ GD-ĐT yêu cầu ra đề thi tốt nghiệp các môn KHXH cần thiết phải nâng dần độ khó (ngang bằng với các môn KHTN). Khi nghiên cứu chương trình giáo dục miền Nam trước năm 1975 cho thấy, HS THPT chọn các ban khoa học thực nghiệm (lý, hóa, sinh), khoa học toán trên 80%, còn các ban văn chương (gồm văn chương sinh ngữ và văn chương cổ ngữ) dưới 20%, do ban văn chương yêu cầu rất cao về môn ngữ văn, ngoại ngữ và triết học. Như vậy, xã hội cũng rất cần lao động trong các ngành KHXH và nhân văn, nhưng yêu cầu chất lượng cao chứ không chấp nhận chất lượng thấp.
Các trường ĐH liên kết hiệu quả hơn với các doanh nghiệp công nghệ, kỹ thuật và khoa học… để nâng cao chất lượng đào tạo, tăng tỷ lệ sinh viên có việc làm và thu nhập cao đối với lao động các ngành nghề STEM để khuyến khích HS theo học.
Nguồn: https://thanhnien.vn/giai-phap-de-thi-sinh-chon-mon-thi-phu-hop-nguon-nhan-luc-185250504201729002.htm
Bình luận (0)