Trong thời gian gần đây, giá sầu riêng tại nhiều địa phương bất ngờ lao dốc mạnh khiến người dân trồng sầu riêng lao đao. Nếu như trong hai năm trước, giá sầu riêng Ri6 đã có lúc lên tới 170.000 đồng/kg, thì hiện tại, giá sầu riêng chỉ còn từ 35.000-40.000 đồng/kg. Với mức giá này, người dân rơi vào cảnh thua lỗ nặng.
Theo các thương lái, nguyên nhân chính của tình trạng này là do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, hay trực tiếp hơn là thương lái Trung Quốc. Hiện nước này đang siết chặt buôn bán, khiến sầu riêng khó xuất đi. Thêm vào đó, trong vài năm qua, giá sầu riêng tăng mạnh, nên người dân cũng tăng diện tích trồng, dẫn đến tình trạng được mùa – mất giá.
Rõ ràng, việc quá phụ thuộc vào thị trường tự do, thiếu công cụ phòng ngừa rủi ro giá, khiến nông dân và doanh nghiệp dễ rơi vào thế bị động khi cung vượt cầu hoặc khi xuất khẩu gặp trục trặc.
Tình trạng được mùa – mất giá của sầu riêng dường như đã là bài toán luẩn quẩn của ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua. Từ cà phê, dưa hấu, nhãn lồng, vải… đều rơi vào vòng lặp này.
Cho đến hiện tại, mặt hàng nông sản được cho là đã tạm thoát ra được vòng luẩn quẩn này là cà phê.
Kể từ giai đoạn chìm trong khủng hoảng trầm trọng 2008-2016, giai đoạn nhiều nhà vườn phá bỏ cây cà phê để chuyển đổi thành cây trồng khác, thì hiện nay diện tích trồng cà phê đang được duy trì, sản lượng cà phê tăng trưởng ổn định, giá giao dịch ở mức cao.
Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, niên vụ 2023-2024 sản lượng cà phê Việt Nam đạt 27,5 triệu bao (tương đương khoảng 1,65 triệu tấn), niên vụ 2024-2025 dự kiến đạt 29 triệu bao (tương đương khoảng 1,74 triệu tấn) và niên vụ sắp tới 2025-2026 dự kiến sẽ đạt 31 triệu bao (tương đương khoảng 1,86 triệu tấn). Trong khi đó, giá cà phê tăng nhanh từ vùng 50.000-60.000 đồng/kg vào đầu năm 2023 đã lên vùng 130.000 đồng/kg vào năm 2025 và dự kiến sang năm 2026 sẽ neo ở mức này.
Theo Chánh văn phòng Hiệp hội cà phê Việt Nam Đỗ Xuân Hiền, những kết quả đạt được phần lớn nhờ vào việc giao dịch hàng hóa thông qua Sở giao dịch. Khi Sở giao dịch liên thông trực tiếp với các sàn quốc tế như ICE, CME, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận giá càphê chuẩn toàn cầu theo thời gian thực, nâng cao tính minh bạch và khả năng định giá trong kinh doanh.
Điển hình là thời điểm giữa tháng 2/2025, khi giá cà phê thế giới đạt đỉnh (Arabica hơn 9.000 USD/tấn, Robusta cũng tiệm cận 6.000 USD/tấn) thì giá cà phê trong nước cũng ở mức cao nhất từ trước đến nay là 133.000 đồng/kg.
Quan trọng hơn, việc tham gia giao dịch hợp đồng tương lai giúp doanh nghiệp chủ động phòng ngừa rủi ro giá, ổn định doanh thu và lợi nhuận bằng cách "khóa giá" bán từ trước, thay vì phụ thuộc vào biến động thị trường. Đây cũng là bước đi chiến lược giúp nâng cao năng lực quản trị tài chính và từng bước hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong, lợi thế của giao dịch hàng hóa qua Sở Giao dịch không chỉ thể hiện ở các mặt hàng như cà phê, mà còn ở việc góp phần đa dạng hóa và mở rộng kênh tiêu thụ hàng hóa hiệu quả. Hình thức này còn giúp minh bạch hóa thông tin, hỗ trợ cân đối cung – cầu thị trường, đồng thời tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 68 mà Bộ Chính trị vừa ban hành. Hơn nữa, do giá cả được xác lập công khai dựa trên cung – cầu và sử dụng các công cụ thị trường như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai hay các cơ chế thanh toán bù trừ chuẩn quốc tế để điều tiết nền kinh tế, nên nền kinh tế không bị can thiệp hành chính, giúp doanh nghiệp – đặc biệt là khối tư nhân – chủ động phòng vệ rủi ro và tối ưu hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cũng cho biết, việc phát triển giao dịch hàng hóa qua Sở giao dịch còn góp phần hình thành kênh đầu tư tài chính hiện đại nhờ sự phát triển đồng bộ các loại thị trường và hoàn thiện các thể chế cạnh tranh lành mạnh, minh bạch giữa các bên tham gia thị trường; giảm bớt sự phụ thuộc vào trung gian và thao túng giá; góp phần cụ thể hoá và hiện thực hóa các định hướng lớn của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân: Lấy kinh tế tư nhân làm động lực quan trọng nhất trong tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh và giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta thời gian tới.
Thực hiện vai trò này, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), đơn vị tại Việt Nam được cấp phép giao dịch hàng hoá, đã tạo dựng được nền móng thị trường vững chắc qua việc tổ chức giao dịch 46 mặt hàng và liên thông với 10 Sở giao dịch hàng hoá lớn trên thế giới như CME, ICE, SGX...
Theo số liệu của MXV, hiện có 30 công ty thành viên và môi giới, giá trị giao dịch trung bình đạt từ 5.000-7.000 tỷ đồng/ngày, thậm chí có phiên lên tới 11.000 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 10% giai đoạn 2023-2024.
Phó Tổng Giám đốc MXV Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, nhằm hướng tới một thị trường giao dịch hàng hóa hiện đại, tiệm cận quốc tế, trong nhiều năm qua, MXV đã nỗ lực để xây dựng hệ thống quản lý, giao dịch hiệu quả và nhận được đánh giá cao từ các đối tác nước ngoài.
“Điển hình như hệ thống công nghệ giao dịch M-System do MXV tự phát triển có khả năng xử lý khối lượng giao dịch lớn, an toàn, nhanh chóng, phục vụ hiệu quả cho hàng nghìn nhà đầu tư mỗi ngày”, Phó Tổng Giám đốc MXV chia sẻ.
Đáng chú ý, sự phát triển của hoạt động giao dịch hàng hóa qua MXV luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo và điều hành sát sao từ Chính phủ cùng các cơ quan quản lý.
Bộ Công Thương - với vai trò cơ quan chủ quản - đã thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc kiến tạo hành lang pháp lý cho thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam, khi đã chủ động xây dựng một hệ thống chính sách mới, nhằm hướng tới tương thích với chuẩn mực quốc tế, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động giao dịch hàng hóa phát triển bền vững.
Điển hình là định hướng xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã thể hiện tư duy đột phá với ba trụ cột cải cách quan trọng: (i) Tối ưu hóa điều kiện và thủ tục gia nhập thị trường, bảo đảm chỉ những tổ chức có đủ năng lực và uy tín mới được tham gia vận hành; (ii) hoàn thiện toàn diện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của các chủ thể - từ doanh nghiệp đến cá nhân - nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giao dịch; (iii) xây dựng cơ chế quản lý nhà nước hiện đại với khả năng giám sát chặt chẽ, thực thi pháp luật nghiêm minh và xử lý vi phạm kịp thời, tạo môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng.
Về phía Bộ Tài chính, cơ quan này đã tạo lập môi trường thuận lợi cho thị trường giao dịch hàng hóa phát triển thông qua chính sách quản lý thuế, trong đó có chính sách thuế VAT phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam giúp giảm chi phí giao dịch và tăng tính cạnh tranh của thị trường.
Hơn nữa, để bảo đảm tính minh bạch trong báo cáo tài chính và quản lý rủi ro đối với sản phẩm tài chính, Bộ Tài chính cũng đã có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương xây dựng hệ thống quy định về chế độ hạch toán kế toán chuyên biệt cho hoạt động giao dịch hàng hóa để hoàn thiện khung pháp lý cho giao dịch hàng hóa phái sinh - một công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro giá cả. Việc xây dựng các tiêu chuẩn kế toán riêng biệt cho các sản phẩm phái sinh hàng hóa không chỉ nâng cao tính chuyên nghiệp mà còn tạo sự tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế.
Còn về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành các quy định về thanh toán, chuyển tiền chuyên biệt cho giao dịch hàng hóa tại Thông tư 20/2022/TT-NHNN về việc hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác, nâng cao đáng kể hiệu quả của hoạt động giao dịch hàng hóa và thể hiện sự chủ động và tầm nhìn xa trong việc xây dựng hạ tầng thanh toán hiện đại, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động giao dịch hàng hóa.
Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ đối với các khoản thanh toán, chuyển tiền của Sở giao dịch hàng hóa. Cơ chế kiểm soát nghiêm ngặt này không chỉ nâng cao tính an toàn và bảo vệ thị trường giao dịch hàng hóa, mà còn góp phần bảo đảm an ninh cho hệ thống thanh toán tài chính.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/giao-dich-hang-hoa-qua-so-loi-giai-cho-bai-toan-duoc-mua-mat-gia-cua-nong-san-viet-102250527165328887.htm
Bình luận (0)