Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được tổ chức hàng năm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mường.
Văn hóa dân tộc Mường từ lâu đã trở thành hồn cốt của tỉnh Hòa Bình. Từ tiếng chiêng ngân vang trong các lễ hội của 4 vùng Mường cổ Bi - Vang - Thàng - Động, những điệu hát đối đáp trữ tình cho đến các phong tục cưới hỏi, tang lễ... tất cả đều thấm đượm chiều sâu lịch sử và tinh thần cộng đồng.
Người Mường không chỉ sống với văn hóa, mà còn truyền lại qua từng thế hệ như một thứ tài sản thiêng liêng, tạo nên nét riêng khó trộn lẫn giữa hàng trăm sắc tộc Việt Nam. Văn hóa dân tộc Mường là kho tàng giá trị quý báu với hệ thống di sản văn hóa đã được công nhận cấp quốc gia gồm: Tri thức dân gian lịch tre, lễ hội Khai hạ dân tộc Mường; nghệ thuật chiêng Mường và mo Mường. Hiện nay, di sản văn hóa Mo Mường đang đệ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa của nhân loại.
Người Mường sống hài hòa với thiên nhiên, trọng tình nghĩa, giàu tinh thần cố kết cộng đồng và luôn đề cao sự "biết trên, biết dưới” - một triết lý sống được thể hiện rõ trong đời sống lễ nghi và cấu trúc xã hội truyền thống. Không chỉ riêng dân tộc Mường, người dân tỉnh Hòa Bình cũng tự hào về nền văn hóa địa phương phong phú - nơi hội tụ các yếu tố văn hóa vùng Tây Bắc nhưng vẫn mang bản sắc riêng. Chính những giá trị đó làm nên tên tuổi của Hòa Bình không chỉ là tên gọi của một đơn vị hành chính, mà còn là biểu tượng của sự thanh bình, nhân văn và bền bỉ phát triển trong khó khăn…
Là một địa danh, "Hòa Bình” còn là biểu tượng văn hóa - nơi khởi nguồn của nền "Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng trong khảo cổ học Đông Nam Á, gắn liền với thời kỳ đồ đá mới (khoảng 10.000 năm trước). Thuật ngữ "Văn hóa Hòa Bình” được giới khảo cổ học chính thức công nhận từ ngày 30/1/1932 do đề xuất của bà Madeleine Colani tại Đại hội các nhà Tiền sử Viễn Đông họp tại Hà Nội. "Văn hóa Hòa Bình” tồn tại trong thời gian khoảng 30.000 - 3.500 năm cách ngày nay. "Văn hóa Hòa Bình” có vị trí quan trọng trong thời đại đồ đá ở Việt Nam cũng như trên thế giới; là tài sản vô cùng quý báu, đóng góp cho thế giới những tư liệu khoa học quan trọng, làm rõ thêm bức tranh tiền sơ sử tại Việt Nam. Hoà Bình với địa hình các dải núi đá vôi đã tạo ra nhiều thung lũng với hệ động, thực vật phong phú, nên ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất Hoà Bình, để lại nền "Văn hoá Hoà Bình” nổi tiếng. Năm 2024, di tích khảo cổ Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành ở huyện Lạc Sơn đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của tỉnh Hòa Bình.
Có thể khẳng định, những giá trị văn hóa Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” hiện đại là sự giao thoa giữa văn hóa Mường bản địa với các dòng văn hóa vùng Tây Bắc và đồng bằng châu thổ, tạo nên một không gian văn hóa đa dạng nhưng vẫn đậm đà bản sắc. Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã có nhiều chính sách quan tâm phát triển sự nghiệp văn hoá hiệu quả. Trong đó điểm nhấn là việc dành nguồn lực triển khai Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030...
Tuy nhiên, trước chủ trương, chính sách lớn mang tính bước ngoặt, cách mạng của Đảng, Nhà nước về việc sáp nhập 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hoà Bình thành tỉnh Phú Thọ, trong Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình ngày 28/4/2025, nhiều cử tri đã bày tỏ tâm tư, băn khoăn, lo lắng. Trong đó, cử tri và Nhân dân lo lắng khi sáp nhập tỉnh thì những giá trị của nền "Văn hóa Hòa Bình" và bản sắc dân tộc Mường sẽ bị phai nhạt, không được bảo tồn, giữ gìn và phát huy nếu không được quan tâm đúng mức.
Những tiếng nói này thể hiện mong muốn sâu sắc các cấp chính quyền đặt việc bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương là một phần không thể tách rời trong lộ trình sáp nhập. Việc sáp nhập các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình được thực hiện không chỉ đơn thuần là việc sắp xếp lại bản đồ hành chính, mà còn là một quá trình đòi hỏi sự cân bằng giữa hiệu quả quản lý và gìn giữ hồn cốt văn hóa. Việc giữ gìn văn hóa Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình" trong bối cảnh sáp nhập là một bài toán không dễ, nhưng nếu được đặt đúng trọng tâm và có chiến lược cụ thể, đây sẽ là cơ hội để quảng bá sâu rộng các giá trị văn hóa Hòa Bình ra phạm vi rộng lớn hơn, phù hợp với xu thế của thời đại mới.
Hương Lan
Nguồn: https://baohoabinh.com.vn/16/201143/Giu-gin-ban-sac-van-hoa-Muong-va-nen-Van-hoa-Hoa-Binh.htm
Bình luận (0)