Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gửi nỗi nhớ về miền sông nước

Tôi biết Cẩm Lý đi nhiều nơi, khắp miền sông nước phía Nam đều có dấu chân của cô nàng nhỏ nhắn nhưng nhanh khoẻ và đầy tự tin này. Dường như sự trải nghiệm của Cẩm Lý đối với vùng miền Tây sau những chuyến lữ hành đã dày theo từng tháng chứ đừng nói từng năm.

Báo Quảng TrịBáo Quảng Trị05/04/2025

Cẩm Lý quen thuộc đến độ xe đang chạy bon bon trên đường nhưng hễ nghe mọi người trầm trồ về một cây cầu, con sông hay một vườn cây sum trái là em kể vanh vách về lịch sử, số liệu hay về mảnh đất, con người nơi đây. Một mình em lo cho đoàn đi với thời gian ngắn nhưng qua gần khắp miền sông nước miền Tây quả là thân thuộc lắm với vùng đất nơi này.

Gửi nỗi nhớ về miền sông nước

Minh họa: LÊ NGỌC DUY

Về miền Tây, không biết bao nhiêu lần tôi ao ước đến vùng đất này để cảm con nước lớn, con nước ròng, được ngắm hoa điên điển, nghe tiếng bìm bịp, dập dềnh với hoa lục bình phiêu dạt muôn nơi. Miền sông nước phía Nam đã theo tôi vào từng giấc ngủ, trong từng ánh mắt mơ mộng xuôi về phía Nam có cây cầu tre, cầu khỉ lắt lẻo trên dòng sông bên lở, bên bồi; có những bài hát, bài cải lương giai điệu ngọt ngào gieo vào lòng tôi một tình yêu tha thiết đối với vùng đất chưa đến mà như thân quen tự thuở nào. Nghe người ta nói về khí chất người Nam Bộ có từ thời khai hoang, mở cõi đến giờ mà ấm lòng; nghe người ở đây đối đãi “thảo thơm” với khách phương xa mà thèm ghé lại một phen, để thưởng thức vườn xanh, cây trái và nghe giọng ca tài tử vút xa. Có người nói giọng hò xa, trong, cao vút ở miền Tây là do giữa mênh mông sông nước, những chiếc thuyền buông câu xa nhau nên hò vang để cho mọi người được gần nhau hơn. Cứ thế, qua năm tháng giọng hò, câu hát nghe sao gần gũi, thân thương, ai chưa đến cứ giục giã trong lòng một lần “mục sở thị”, ai đến rồi thì cứ lân la muốn đến lần sau cho thoả chí. Còn tôi đi mà cứ như sợ hết đất người ta, đi chầm chậm ngắm vườn trái cây cho “đã mắt”, rồi lên thuyền ba lá để được cảm nhận sự bồng bềnh của vùng sông nước phù sa. Mà chuyến đi này cũng đầy bất ngờ, mới sáng sớm ăn vội ổ bánh mì ở Đông Hà, chiều đã có mặt ở miền Tây. Chặng đường không gần đâu nhé, ra tận đảo ngọc Phú Quốc, nghe sóng vỗ lao xao biển Kiên Giang mà hát: “Chiều xuống đứng bên cầu nghe sóng biển/Nắng thu vàng chiếu rạng bền bờ/Kiên Giang mình đẹp làm sao/Bóng mây sánh ngang bóng núi”. Lưu lại đây một thời gian để lang thang trong khu chợ đêm của đảo ngọc với đầy sản vật quý hiếm, thưởng ngoạn cảnh đẹp, thăm khu di tích lịch sử của một vùng đất được nhắc nhiều trong sử sách. Rồi lại xuôi về miền gạo trắng nước trong, thăm chợ nổi - một nét văn hoá đặc sắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Một chuyến đi dài hay ngắn dường như không được tính bằng thời gian mà bằng kỷ niệm nằm sâu trong ánh mắt mỗi người. Không nói ra nhưng tôi biết ai cũng mãn nguyện về chuyến đi khi mà quãng đường không thay đổi nhưng thời gian thay đổi. Điều đó thật ý nghĩa khi những khách lữ hành như tôi muốn biết thêm một vùng đất thân yêu của Tổ quốc mình.

Lê Như Tâm

Nguồn: https://baoquangtri.vn/gui-noi-nho-ve-mien-song-nuoc-192721.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đoàn kết quốc tế - Nguồn sức mạnh cho Việt Nam chiến thắng
Diện mạo TPHCM sau 50 năm thống nhất đất nước
Lịch trình 24 giờ ăn chơi ở Bắc Ninh
Nồng nhiệt đón chào những bóng hồng diễu binh, diễu hành đến Biên Hòa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm