Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hà Nội giải bài toán “hồi sinh” các dòng sông ô nhiễm

Ngày 10-7, tại Trung tâm Báo chí Thủ đô, Báo Tiền Phong phối hợp với Văn phòng UBND thành phố Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết”.

Hà Nội MớiHà Nội Mới10/07/2025

Tại tọa đàm, các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã chỉ ra những nguyên nhân gây ô nhiễm các dòng sông, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp, nhằm hồi sinh các dòng sông ở Thủ đô...

1-toa-dam.jpg

Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: Hoàng Sơn

Nhiều dòng sông mất chức năng tự nhiên

Theo Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tình trạng ô nhiễm sông ngòi ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã vượt ngưỡng báo động. Các dòng sông vốn là mạch sống của đô thị đã dần trở thành những “kênh chứa nước thải khổng lồ”, mất đi hoàn toàn chức năng điều tiết sinh thái. Hệ thống sông nội đô Hà Nội, hệ thống sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu hay kênh Bắc Hưng Hải... đều đang rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng.

ong-suong.jpg

Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hoàng Sơn

Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng thẳng thắn chỉ ra: “Tất cả chúng ta đều cảm nhận được sự suy tàn của các dòng sông. 30 năm trước, người dân vẫn có thể câu cá bên sông Tô Lịch, hái rau muống trên dòng Kim Ngưu. Giờ đây, chỉ còn mùi xú uế và dòng nước đen đặc chảy ngang phố”.

Câu chuyện của sông Tô Lịch hay sông Nhuệ không chỉ là nỗi đau của thành phố Hà Nội, mà còn phản ánh tình trạng chung của nhiều dòng sông đô thị ở nước ta. Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng “sông chết”. Đầu tiên là quá trình đô thị hóa quá nhanh trong khi hạ tầng xử lý nước thải chưa theo kịp. Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu cho biết, lượng nước thải sinh hoạt tại đô thị hiện vào khoảng 9 triệu m³/ngày, nhưng chỉ có chưa đầy 17% được xử lý; phần còn lại xả thẳng ra sông, kênh, ao hồ.

Không dừng lại ở nước thải sinh hoạt, các khu công nghiệp, cụm làng nghề cũng góp phần không nhỏ vào ô nhiễm. Trong số gần 300 khu công nghiệp trên cả nước, thì vẫn còn một số chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất thủ công, nhất là trong các làng nghề truyền thống, thường xử lý nước thải theo kiểu “tự phát”, xả thẳng ra môi trường mà không qua xử lý.

song-nhue.jpg

Sông Nhuệ ở khu vực thành phố Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Internet

Bên cạnh đó, việc sử dụng bừa bãi phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi cũng khiến các dòng hóa chất độc hại chảy tràn ra sông, suối. Hoạt động khai thác cát, nạo vét sông không kiểm soát dẫn đến suy giảm lưu lượng dòng chảy. Các tác động cộng hưởng, cùng với việc thiếu giám sát, khiến cho ô nhiễm trở thành hiện tượng phổ biến, khó kiểm soát.

Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam Trần Đình Hòa cho rằng, còn tồn tại những yếu tố cấu trúc, như việc thiếu liên kết vùng trong quản lý nước thải và quy hoạch sử dụng đất. Sông ngòi vốn không có ranh giới hành chính, nhưng các chính sách quản lý vẫn manh mún, cục bộ theo địa phương, dẫn đến tình trạng “thượng nguồn xả, hạ nguồn gánh”.

Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, thành phố Hà Nội đang phải đối diện với tình trạng ô nhiễm đối với các dòng sông nội đô, kể cả một số hồ chứa trong thành phố cũng bị ảnh hưởng. "Chúng tôi đang rà soát, đánh giá mức độ ô nhiễm của các sông, ao hồ để tham mưu thành phố Hà Nội triển khai các giải pháp xử lý. Sở cũng tham mưu gắn trách nhiệm, nâng cao ý thức của đội ngũ cán bộ cấp xã sau khi sắp xếp chính quyền địa phương hai cấp trong việc quản lý, bảo vệ môi trường các dòng sông. Phải xốc lên, phải tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường", ông Nguyễn Đình Hoa nói.

ong-hoa.jpg

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hoàng Sơn

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã từng bước triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm sông ngòi, nổi bật như đầu tư xây dựng dự án thoát nước giai đoạn 1 và 2, xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, các giải pháp thau rửa, nạo vét, thu gom nước thải sinh hoạt dọc sông Tô Lịch… Tuy nhiên, kết quả còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân là do các giải pháp hiện tại phần lớn mang tính đơn lẻ, thiếu tính liên kết hệ thống và bền vững.

Không chỉ thành phố Hà Nội, các địa phương nằm trên cùng lưu vực, như Hưng Yên, Ninh Bình cũng đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ tình trạng ô nhiễm liên vùng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Bình Lê Hùng Thắng chia sẻ, là tỉnh hạ lưu, Ninh Bình gần như bất lực trong kiểm soát nguồn nước thải từ thượng nguồn đổ về. Các chỉ số ô nhiễm COD, BOD luôn vượt ngưỡng cho phép, nhất là mùa khô.

Đáng chú ý, cơ chế phối hợp liên vùng chưa hiệu quả. Ủy ban sông Nhuệ - Đáy trước đây từng được thành lập để kết nối các địa phương trên lưu vực, nhưng không được duy trì sau khi chia tách đơn vị hành chính. Ninh Bình đang đề xuất tái lập ủy ban liên vùng các lưu vực sông để tạo sự kết nối giữa thượng nguồn - hạ nguồn, nâng cao năng lực ứng phó chung.

Đẩy mạnh liên kết vùng

Trước những cảnh báo từ các chuyên gia và thực tiễn quản lý, rõ ràng, việc cải tạo và hồi sinh các dòng sông ô nhiễm ở thành phố Hà Nội và các đô thị lân cận không thể tiếp tục theo tư duy “vá chỗ nào thủng chỗ đó”. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, để những dòng sông không còn là nỗi ám ảnh, Thủ đô Hà Nội cần một chiến lược bài bản, dài hơi, đặt trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững đô thị.

ong-hieu1.jpg

Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu phát biểu. Ảnh: Hoàng Sơn

Trước hết, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Hồng Hiếu đề xuất, thành phố Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố có chung những dòng sông cần xây dựng và ban hành mô hình tổ chức lưu vực sông, từng bước thực hiện thí điểm để phục hồi các nguồn nước; đầu tư vào hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải triệt để; đồng thời xây dựng các công trình điều tiết, nhằm bảo đảm dòng chảy, đặc biệt là tăng cường lưu lượng nước cho các sông nội đô… Phấn đấu từ 5 đến 10 năm tới , bảo đảm tỷ lệ nước thải được xử lý đạt hơn 80%. Kiểm soát nghiêm ngặt nước thải từ khu công nghiệp, làng nghề, khu dân cư, nhất là các cơ sở chưa được đầu tư hệ thống xử lý đạt chuẩn. Các dự án như Nhà máy Yên Xá cần được thúc đẩy nhanh, vận hành đồng bộ.

Một số chuyên gia cho rằng, các địa phương phải xây dựng và thực thi cơ chế liên kết vùng trong quản lý môi trường lưu vực sông. Không thể để các địa phương “mạnh ai nấy làm”, thượng nguồn xả thì hạ nguồn gánh. Việc tái lập các ủy ban lưu vực sông liên tỉnh như Nhuệ - Đáy là giải pháp then chốt, giúp thống nhất hành động, chia sẻ thông tin, giải quyết triệt để nguồn ô nhiễm theo chuỗi.

song-to-lich111.jpg

(Ảnh giả định do ChatGPT tạo ra)

Ngoài ra, cần tăng cường giáo dục môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng - từ học sinh, sinh viên đến doanh nghiệp, người dân. Lan tỏa mạnh mẽ ý thức tốt, hành động đúng trong bảo vệ môi trường sẽ tạo nền tảng xã hội đồng thuận trong công cuộc làm sạch và hồi sinh các dòng sông. Đặc biệt, thành phố Hà Nội muốn phát triển xanh, sạch, đáng sống, thì việc khôi phục lại chức năng sinh thái, cảnh quan và giá trị văn hóa của các dòng sông nội đô lịch sử là nhiệm vụ bắt buộc.

Sự hồi sinh của những dòng sông không chỉ đòi hỏi các dự án kỹ thuật, mà quan trọng hơn cả là sự hồi sinh trong tư duy phát triển, trong cách nhìn về môi trường và lợi ích cộng đồng. Đây là lúc Hà Nội cần thể hiện rõ quyết tâm chính trị, để biến “những dòng sông chết” trở lại thành dòng chảy của sự sống, không chỉ cho hôm nay mà cho cả thế hệ mai sau.


Nguồn: https://hanoimoi.vn/ha-noi-giai-bai-toan-hoi-sinh-cac-dong-song-o-nhiem-708665.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm