Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hà Nội: Người phụ nữ tiểu ra máu vì hai thói quen nguy hiểm

(Dân trí) - Một nữ bệnh nhân 42 tuổi đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng tiểu buốt, tiểu ra máu. Trường hợp của chị là lời cảnh báo cho nhiều phụ nữ có thói quen mặc đồ bó sát, lười uống nước.

Báo Dân tríBáo Dân trí15/07/2025

Viêm đường tiết niệu vì loạt thói quen thường gặp

Chị T. (42 tuổi, Hà Nội), nhập cấp cứu tại Bệnh viện E trong tình trạng rối loạn tiểu tiện nặng tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu. Đáng chú ý, chị cho biết hầu như tháng nào cũng bị viêm tiết niệu tái phát nhưng vẫn cố chịu đựng và tự điều trị.

Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, BSCKI Mai Văn Lực, khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết: “Bệnh nhân này là một trường hợp điển hình bị viêm đường tiết niệu tái diễn nhiều lần do những sai lầm phổ biến mà nhiều phụ nữ gặp phải”.

Hà Nội: Người phụ nữ tiểu ra máu vì hai thói quen nguy hiểm - 1

Nữ bệnh nhân bị viêm đường tiết niệu tái đi tái lại nhiều lần (Ảnh minh họa: Getty).

Kết quả xét nghiệm nước tiểu cho thấy bạch cầu niệu 500 bc/µL; hồng cầu niệu 200 hc/µL; Nitrite dương tính (NIT +), cho thấy có nhiễm khuẩn tiết niệu. Khám chuyên khoa sản ghi nhận kèm theo viêm âm đạo.

Theo BS Lực, chị T. có thói quen thường xuyên mặc quần bó sát. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng nhiệt độ vùng kín, giữ ẩm tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Bên cạnh đó, nữ bệnh nhân lười uống nước. Lượng nước hàng ngày không đủ khiến đường tiết niệu dễ bị cô đặc, vi khuẩn dễ bám vào và phát triển.

"Đáng chú ý, bệnh nhân có thói quen tự mua thuốc điều trị. Những lần đầu có biểu hiện tiểu buốt nhẹ, chị tự ra hiệu thuốc để mua kháng sinh uống. Sau vài ngày thấy đỡ, chị dừng thuốc.

Hà Nội: Người phụ nữ tiểu ra máu vì hai thói quen nguy hiểm - 2

Kết quả siêu âm của bệnh nhân (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

Việc dùng thuốc không đúng, không đủ liều khiến bệnh không khỏi hẳn, vi khuẩn nhờn thuốc, tái phát nhanh và nặng hơn ở những lần sau", BS Lực nói.

Chị T. được điều trị đồng thời cả viêm bàng quang và viêm âm đạo, kết hợp dùng kháng sinh theo kết quả cấy khuẩn nước tiểu. Bệnh nhân cũng được hướng dẫn chế độ uống nước sinh hoạt; chế độ tập tiểu và cách dự phòng tái phát. 

Sau một tuần, chị đã tiểu tiện bình thường, hết tiểu buốt và tâm lý ổn định hơn.

Không chủ quan với viêm đường tiết niệu

BS Lực khuyến cáo: “Viêm đường tiết niệu là bệnh phổ biến, đặc biệt trong mùa hè. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh dễ tái phát, kéo dài, gây biến chứng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống”.

Để phòng ngừa, người dân cần:

- Uống đủ nước mỗi ngày: Khoảng 0,4l/10kg thể trọng, chia đều trong ngày. Không uống vặt từng ngụm, nên uống mỗi lần 100-200ml, cách nhau 2 giờ.

- Không tự ý chẩn đoán hay mua thuốc: Nhiều triệu chứng giống nhau nhưng nguyên nhân khác nhau. Tự điều trị có thể khiến bệnh tái phát hoặc dẫn đến tình trạng kháng thuốc.

- Tìm đến bác sĩ chuyên khoa thận tiết niệu ngay khi có triệu chứng bất thường. Bác sĩ sẽ làm xét nghiệm, chẩn đoán chính xác và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.

- Tuân thủ 100% hướng dẫn của bác sĩ. Kể cả khi thấy đỡ rồi, cũng phải uống hết thuốc, tái khám đúng hẹn để đảm bảo vi khuẩn bị tiêu diệt hoàn toàn, đảm bảo tình trạng bệnh đã hết hẳn.

- Vệ sinh cá nhân đúng cách: Sử dụng dung dịch vệ sinh phù hợp, tránh xà phòng hoặc chất gây kích ứng.

- Lựa chọn trang phục thoáng mát, không quá chật, bí.

Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/ha-noi-nguoi-phu-nu-tieu-ra-mau-vi-hai-thoi-quen-nguy-hiem-20250715073041827.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm