Theo định hướng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì đến năm 2030, Hà Tĩnh quy hoạch 45 CCN với tổng diện tích gần 1.900 ha và sau năm 2030 mở rộng lên hơn 2.240 ha. Hiện thực hóa quy hoạch, thời gian qua, Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút thêm nhiều nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) về địa bàn.
Mới đây nhất, ngày 14/7, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định thành lập CCN Lâm Hợp với diện tích hơn 30 ha, địa điểm tại xã Kỳ Lạc (xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh cũ). Đồng thời, UBND tỉnh cũng ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN Lâm Hợp cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển kho bãi Nhơn Tân (Gia Lai).

Ông Trần Trí Huỳnh – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển kho bãi Nhơn Tân cho biết: “Qua quá trình khảo sát, chúng tôi thấy xã Kỳ Lạc là vùng tiềm năng về gỗ keo - nguyên liệu dùng trong sản xuất và chế biến viên nén sinh học dành cho xuất khẩu. Bởi vậy, mục tiêu khi đầu tư CCN này, chúng tôi mong muốn sẽ xây dựng được nhà máy chế biến nông, lâm sản trên địa bàn Hà Tĩnh. Đây cũng sẽ là CCN đa ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng, hỗ trợ các ngành nghề sau sản xuất điện, thép, logistics... tổng vốn đầu tư dự án khoảng 284 tỷ đồng. Hiện nay, chúng tôi đang tích cực hoàn thành các thủ tục pháp lý về đầu tư, xây dựng và phấn đấu đưa dự án đi vào khai thác vận hành sau 39 tháng kể từ ngày có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư”.

Ngoài dự án CCN Lâm Hợp vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư, hiện nay, toàn tỉnh có 10 CCN đang có nhà đầu tư tìm hiểu, nộp hồ sơ đăng ký làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, bao gồm: CCN Bắc Cẩm Xuyên 2 (xã Cẩm Bình); CCN Tân Lâm Hương (phường Hà Huy Tập); CCN Cổng Khánh 3 (phường Nam Hồng Lĩnh); CCN Đồng Khang (xã Kỳ Anh); CCN Kỳ Tân (xã Kỳ Hoa); CCN Hương Long (xã Hương Khê); CCN Lạc Thiện (xã Đức Thịnh); CCN Xuân Mỹ (xã Tiên Điền); CCN Quang Diệm (xã Sơn Giang); CCN An Thịnh (xã Lộc Hà).
Trong số trên, có 2 CCN đã được Sở Công thương thẩm định và trình UBND tỉnh xem xét thành lập (bao gồm CCN Cổng Khánh 3 và CCN Đồng Khang); 3 CCN đang được Sở Công thương tổng hợp trình hội đồng tổ chức đánh giá, chấm điểm lựa chọn chủ đầu tư (bao gồm: CCN Xuân Mỹ, CCN Lạc Thiện và CCN Quang Diệm).
Hạ tầng CCN là "mắt xích" quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh. Việc các nhà đầu tư vào tìm hiểu, lựa chọn Hà Tĩnh đầu tư hạ tầng CCN cho thấy đây là lĩnh vực giàu tiềm năng phát triển. Nếu được triển khai hiệu quả, các CCN này sẽ góp phần mở rộng không gian sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Bên cạnh phát triển các CCN mới, nhiều CCN trên địa bàn tỉnh thành lập trước đó cũng đang được các nhà đầu tư triển khai thi công hoàn thiện hạ tầng. Các nhà đầu tư không chỉ tập trung vào mặt bằng sản xuất mà còn đầu tư bài bản vào xử lý nước thải, hệ thống phòng cháy chữa cháy… để góp phần nâng cao tính bền vững của CCN.
Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN Cổng Khánh 1 (phường Nam Hồng Lĩnh) có tổng diện tích là 45 ha, tổng vốn đầu tư gần 255 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư IDI (phường Thành Sen) làm chủ đầu tư. Dự án được kỳ vọng sẽ thu hút đa ngành nghề vào cụm, trong đó ưu tiên các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ... Do một số vướng mắc nên thời gian qua, tiến độ triển khai dự án có phần chậm trễ. Những tháng đầu năm 2025, nhà đầu tư đã tháo gỡ được vướng mắc để tập trung thi công các hạng mục cuối cùng. Đến nay, hạ tầng kỹ thuật CCN Cổng Khánh 1 đã hoàn thiện đi vào hoạt động, thu hút 3 nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất - kinh doanh với tỷ lệ lấp đầy khoảng 30%.

Ông Lê Xuân Từ - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết: “Để phát triển các CCN, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 96/2022/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 về một số chính sách hỗ trợ và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025. Qua đó, mỗi năm ngân sách tỉnh bố trí hàng chục tỷ đồng nhằm hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng CCN và các công trình kết nối từ bên ngoài đến ranh giới cụm. Việc phát triển các CCN nhằm góp phần di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, khu đô thị; thu hút các dự án sản xuất kinh doanh vào cụm, tạo thành các khu sản xuất tập trung, có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo quy định, góp phần giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường”.
Theo Sở Công thương Hà Tĩnh, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 22 CCN thành lập với tổng diện tích 580 ha, trong đó có 19 CCN đã đi vào hoạt động. Trong số đó, có 12 CCN do ngân sách Nhà nước đầu tư, giao UBND cấp xã quản lý theo phân cấp tại Nghị định số 139/2025/NĐ-CP ngày 04/6/2025 của Chính phủ, còn lại 10 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Trên tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị mới ban hành như: Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân, Hà Tĩnh đang nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư các CCN, từ đó góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh nhà bền vững.
Nguồn: https://baohatinh.vn/ha-tang-cum-cong-nghiep-don-lan-song-dau-tu-moi-post292204.html
Bình luận (0)