
Cuối năm 2024, Quốc hội thông qua nghị quyết tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận (cũ). Đến tháng 6 năm nay - tức sau nửa năm sau khi nghị quyết được ban hành - dự án đang bước vào giai đoạn thu hồi, giải phóng mặt bằng.
UBND tỉnh Ninh Thuận (cũ) được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện các dự án thành phần gồm giải phóng mặt bằng, di dân và tái định cư cho hai nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn là Ninh Thuận 1 (xã Phước Dinh, tỉnh Khánh Hòa) và Ninh Thuận 2 (xã Vĩnh Hải, tỉnh Khánh Hòa).

Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận (cũ) đã chủ động rà soát đất đai và triển khai giải phóng mặt bằng di dân tái định cư các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã gặp một số vướng mắc.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Dân trí, đến thời điểm đầu tháng 6, phần lớn hộ dân tại hai thôn ven biển Thái An (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải) và Vĩnh Trường (xã Phước Dinh, Thuận Nam) nằm trong vùng lõi quy hoạch 2 nhà máy điện hạt nhân vẫn chưa di dời. Người dân vẫn sinh sống tập trung tại chỗ. Một số hộ cho biết đã nhận thông báo thu hồi đất và cơ quan chức năng đã thực hiện công tác kiểm kê.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận (cũ), việc chưa thống nhất ranh giới giải phóng mặt bằng dẫn đến thiếu cơ sở để địa phương triển khai dự án giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư theo tiến độ đề ra.

Tại dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (thuộc thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, tỉnh Khánh Hòa), tổng diện tích quy hoạch là hơn 485ha, trong đó khu vực xây dựng nhà máy chiếm khoảng 409ha.
Theo thông tin, dự án ảnh hưởng đến 617 hộ dân với 2.910 nhân khẩu; trong số này có 600 hộ cần được bố trí tái định cư. Địa phương đã phê duyệt khu tái định cư với diện tích 64,84ha, tăng hơn 21ha so với kế hoạch ban đầu, bao gồm 605 lô đất ở (mỗi lô rộng 300m2) sẵn sàng bàn giao.

Đến đầu tháng 4, UBND tỉnh Ninh Thuận (cũ) đã ban hành 27 thông báo thu hồi đất tại khu tái định cư và 497 thông báo thu hồi đất đối với khu nhà máy dự án. Một số hộ dân tại thôn Vĩnh Trường cho biết họ sẵn sàng di dời đến khu tái định cư, nhường đất xây nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, họ chia sẻ đến nay vẫn chưa có giá đền bù cụ thể và mong muốn giá đền bù phù hợp với giá thực tế thị trường.
Bà Nguyễn Thị Bé (52 tuổi, thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ: "Vì lợi ích chung, sự phát triển của đất nước, gia đình tôi luôn ủng hộ, chấp nhận nhường đất xây dự án và sẵn sàng tâm lý đến nơi ở mới. Giờ dự án sắp xây dựng, người dân mong sao cơ quan chức năng sớm ban hành thời gian cụ thể để người dân không chờ đợi, tập trung đầu tư làm ăn. Khi đến nơi ở mới, mong Nhà nước tạo việc làm, sinh kế bền vững cho bà con".

Ở đối diện nhà bà Bé, ông Nguyễn Văn Tâm (54 tuổi, thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh) làm nghề thu mua và chế biến rong biển hơn chục năm qua. Ông Tâm nói gia đình đã nhận được quyết định thu hồi đất và sẵn sàng di dời đến khu tái định cư, nhường đất xây nhà máy điện hạt nhân.
"Tôi mong Nhà nước sớm triển khai việc di dân, xây khu tái định cư để người dân ổn định chỗ ở, tập trung làm ăn. Qua chỗ ở mới, gia đình tôi vẫn làm nghề thu mua rong biển từ bà con, công việc giúp tôi và nhiều người dân làng Vĩnh Trường có thu nhập ổn định", ông Tâm chia sẻ.

Trên những đường làng Vĩnh Trường, bà con rôm rả nói về những câu chuyện về dự án Nhà máy điện hạt nhân. Người dân bày tỏ được quan tâm tới công việc, kế sinh nhai ở nơi ở mới.

Vĩnh Trường được xem là "thủ phủ" nuôi ốc hương, tôm của tỉnh Ninh Thuận (cũ). Sau hơn 15 năm không được phép xây dựng, sang nhượng nhà cửa, đất đai do vướng quy hoạch dự án, hơn một năm nay, người dân thôn Vĩnh Trường đã được phép xây dựng nhà cửa, đời sống ngày một phát triển. Hiện tại, không ít vuông tôm, ốc của người dân sau khi được thu hoạch thì bị bỏ hoang, một số hộ thu hẹp quy mô.

Cách dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 khoảng 50km về phía Bắc, dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải với tổng diện tích xây dựng hơn 643ha, trong đó khu nhà máy chiếm hơn 404ha. Dự án ảnh hưởng đến 844 hộ dân với 2.319 nhân khẩu, trong đó 553 hộ cần bố trí tái định cư.

Thôn Thái An ngoài nổi tiếng với đặc sản nho thì còn là vùng đất ven biển có thế mạnh về nông nghiệp với các cây trồng khác như táo, hành, tỏi, ớt... Những năm gần đây, khi vịnh Vĩnh Hy được du khách cả nước tìm đến ngày càng đông, làng nho Thái An là địa chỉ quen thuộc của du khách khi đến tỉnh Ninh Thuận (cũ). Nhờ vậy đời sống của nông dân Thái An khá lên, đời sống ổn định.
Theo ghi nhận, người dân tại khu vực thôn Thái An vẫn duy trì sinh hoạt, canh tác và sản xuất như thường lệ. Việc chưa có thời gian di dời cụ thể khiến nhiều hộ dân vừa kỳ vọng được sớm hỗ trợ, vừa có phần dè dặt đầu tư thêm vào sinh kế hiện tại.

Tính đến nay, khu tái định cư có diện tích khoảng 54,4ha; đã hoàn tất kiểm kê cho hơn 190 hộ, xác định nguồn gốc đất cho 202 hộ, thông báo thu hồi đất cho 450 hộ và đang tiến hành kiểm kê đối với số hộ còn lại. Địa phương cũng đã tiến hành di dời khoảng 1.439 ngôi mộ…

Theo ông Nguyễn Hàn, Trưởng thôn Thái An, dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận khởi động sẽ ảnh hưởng đến khoảng 200 hộ dân cùng hơn 1.000 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là nông dân làm nghề trồng nho, tỏi, hành tím.
"Tâm lý của bà con đã sẵn sàng di dời để Nhà nước xây điện hạt nhân từ lâu. Hiện đời sống kinh tế bà con dần ổn định, giờ sang nơi ở mới sẽ có nhiều nỗi lo về đời sống, sinh kế, kinh tế bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vì lợi ích chung, bà con chấp nhận, chỉ mong sớm triển khai để người dân ổn định cuộc sống nơi ở mới", ông Hàn kiến nghị.

Nhiều tuyến đường bê tông liên thôn, đường dẫn ra rẫy được xây mới từ năm 2023 giúp việc đi lại, buôn bán của người dân thuận lợi. Một số hộ dân ở thôn Thái An mong Nhà nước có chính sách bồi thường thỏa đáng, bố trí tái định cư, sớm ổn định nghề nghiệp. Họ cũng mong muốn tiếp tục với nghề trồng nho, phát triển lĩnh vực du lịch nông nghiệp.

Khu vực dự kiến xây dựng khu tái định cư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 tại thôn Thái An có tổng diện tích xây dựng khoảng 109ha. Ngoài các lô tái định cư, khu vực này còn xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, nhà văn hóa xã, chùa Long Phước, đình làng thôn Thái An, trường mầm non, đài tưởng niệm, trường tiểu học, trường THCS...

Đầu tháng 6, UBND tỉnh Ninh Thuận (cũ) có văn bản kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính bố trí vốn 3.200 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương năm 2025 để thực hiện giải phóng mặt bằng và di dân, tái định cư cho 2 nhà máy điện hạt nhân 1 và 2. Số còn lại sẽ bổ sung cho đủ khi có đủ điều kiện phạm vi, ranh giới, nhu cầu cấp thiết.
Ngoài ra, để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc liên quan đến dự án điện hạt nhân, UBND tỉnh Ninh Thuận (cũ) cũng đề xuất Thủ tướng kiến nghị Quốc hội cho phép tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 thành dự án thành phần độc lập.

Ngày 19/6, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ liên quan kiến nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận (cũ) về dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo đó, để hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng của dự án trong năm nay cho chủ đầu tư và sớm khởi công, hoàn thành công tác đầu tư xây dựng trước ngày 31/12/2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu tổng hợp kiến nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận (cũ) liên quan đến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Tách bồi thường, tái định cư thành dự án độc lập; ủy quyền địa phương phê duyệt điều chỉnh dự án di dân, tái định cư; đồng thời triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dân song song với điều chỉnh Quy hoạch tỉnh. Bộ Công Thương phải tham mưu, đề xuất Thủ tướng giải pháp xử lý trước ngày 25/6.
Các Bộ còn lại được giao nghiên cứu, xử lý các kiến nghị về bố trí vốn ngân sách, triển khai dự án trong phạm vi khu sinh quyển Núi Chúa và vấn đề khoảng cách an toàn với khu dân cư; báo cáo Thủ tướng các nội dung vượt thẩm quyền trong tháng 6.

Vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 (Đồ họa: Ngà Trịnh).
Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. An ninh năng lượng trở thành vấn đề sống còn đối với mọi quốc gia. Xu thế chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch đang diễn ra mạnh mẽ. Tại Việt Nam, quá trình này là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo phát triển bền vững, thích ứng với các cam kết quốc tế.
Quy hoạch điện 8 được ban hành năm 2023, điều chỉnh tháng 4/2025 đã đặt mục tiêu về chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo, giảm dần sự phụ thuộc vào điện than, đồng thời thúc đẩy điện khí, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và điện hạt nhân. Dù vậy, quá trình hiện thực hóa vẫn đang gặp không ít thách thức khi nhiều dự án đã đầu tư nhưng chưa thống nhất giá điện chính thức, nâng cấp hạ tầng truyền tải còn chậm, chưa theo kịp tốc độ phát triển nguồn điện, công tác quy hoạch còn thiếu đồng bộ…
Tuyến bài “Chuyển đổi năng lượng công bằng trong quy hoạch điện 8” do Báo Dân trí thực hiện sẽ phản ánh bức tranh tổng thể về định hướng, làm rõ hiện trạng phía Nam, đặc biệt tại các địa phương giàu tiềm năng phát triển điện tái tạo như Ninh Thuận, Bình Thuận, đồng thời ghi nhận tâm tư, kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi. Tuyến bài góp phần lan tỏa nhận thức, thúc đẩy đối thoại chính sách và đề xuất giải pháp cho một tương lai phát triển năng lượng bền vững, hiệu quả.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/hai-lang-ven-bien-khanh-hoa-sau-nua-nam-nghi-quyet-khoi-dong-dien-hat-nhan-20250617135918752.htm
Bình luận (0)