Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hành trình 35 năm tâm huyết sưu tầm cổ vật

Lần đầu tiên, chùa Hộ Pháp-nằm trong quần thể di tích lịch sử Thích Ca Phật Đài (đường Trần Phú, phường 5, TP.Vũng Tàu) giới thiệu rộng rãi đến công chúng gần 200 cổ vật quý hiếm. Để có được bộ sưu tập cổ vật quý hiếm này là hành trình 35 năm tâm huyết sưu tầm cổ vật của Thượng tọa Thích Giác Trí, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Trụ trì chùa Hộ Pháp.

Báo Bà Rịa - Vũng TàuBáo Bà Rịa - Vũng Tàu16/05/2025

Thượng tọa Thích Giác Trí, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Trụ trì chùa Hộ Pháp, giới thiệu tượng Phật bằng vàng do Quốc vương Thái Lan tặng vào năm 2009.
Thượng tọa Thích Giác Trí, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Trụ trì chùa Hộ Pháp, giới thiệu tượng Phật bằng vàng do Quốc vương Thái Lan tặng vào năm 2009.

Từ ngày 12 đến 19/5, Chùa Hộ Pháp thực hiện đợt trưng bày cổ vật nhằm phục vụ người dân, du khách tham quan, tìm hiểu về những nền văn hóa Phật giáo, văn hóa Việt Nam cổ xưa. Đến tham quan, người xem ngỡ ngàng với bộ sưu tập gần 200 cổ vật quý hiếm được trưng bày nơi đây.

Trong hành trình 35 năm sưu tầm cổ vật, Thượng tọa Thích Giác Trí đã dành nhiều tâm huyết để tìm những cổ vật thuộc nền văn hóa, văn minh của Việt Nam. Nổi bật là bộ sưu tập cổ vật thuộc nền văn hóa Óc Eo, gồm: gạch chạm khắc hoa văn, tượng Phật ngồi thiền, hũ đựng muối, hũ đựng lúa bằng gốm, những hiện vật mộc mạc nhưng giàu giá trị. Đây là minh chứng sinh động cho một nền văn hóa từng phát triển rực rỡ ở Nam Bộ từ thế kỷ I đến thế kỷ VII sau Công Nguyên, có mối liên hệ sâu sắc với lịch sử Đông Nam Á cổ đại.

Không gian phòng trưng bày của chùa Hộ Pháp còn dành một góc trang trọng trưng bày những bức tượng Phật điêu khắc nghệ thuật tinh xảo từ thời nền văn hóa Chăm Pa của Việt Nam. Bên cạnh đó là bộ sưu tập về các bức tượng, bình có hoa văn sặc sỡ, được làm bằng gốm sứ Lái Thiêu, giúp người xem hiểu hơn về nghề làm gốm vang danh ở làng gốm Lái Thiêu (Bình Dương).

Cùng với đó là một bản kinh bằng ngôn ngữ Khmer được viết trên lá buôn, có bề dày lịch sử khoảng 400 năm.

Khách đến tham quan cũng trầm trồ với tượng Phật cổ bằng vàng, do Quốc vương Thái Lan M.H Bhumibol Adulyadej tặng chùa Hộ Pháp vào năm 2009.

Những năm qua, Thượng tọa Thích Giác Trí đã đi nhiều nước trên thế giới như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, New Zealand..., dày công sưu tầm những bức tượng Phật được chạm khắc công phu, tinh xảo, có tuổi đời từ khoảng vài trăm tuổi.

Lên di tích Thích Ca Phật Đài vãn cảnh, chị Đoàn Thị Mỹ Linh (22 Đồng Khởi, phường 1, TP.Vũng Tàu) tình cờ biết được nơi đây đang trưng bày cổ vật. Chị Linh trầm trồ: “Lần đầu tiên đến chùa này, tôi được chiêm ngắm nhiều cổ vật quý hiếm. Những hiện vật, tư liệu quý hiếm giúp tôi hiểu hơn về những nền văn hóa cổ xưa”.

Thượng tọa Thích Giác Trí cho hay, hành trình sưu tầm cổ vật giúp ông hiểu thêm về những nền văn hóa Phật giáo của các nước trên thế giới. Đồng thời, lưu giữ văn hóa Phật giáo trong dòng chảy của nền văn hóa Việt Nam. “Hiện tại, nhà chùa đang sửa chữa phòng truyền thống để làm nơi trưng bày lâu dài các cổ vật này, tạo điều kiện cho người dân, du khách được chiêm ngắm cổ vật. Qua đó, hiểu và trân trọng di sản văn hóa, nghệ thuật điêu khắc của Việt Nam và các nước trên thế giới”, Thượng tọa Thích Giác Trí nói.

Bài, ảnh: THI PHONG

 

Nguồn: https://baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/202505/hanh-trinh-35-nam-tam-huyet-suu-tam-co-vat-1042693/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa
Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn
Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm