Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hiểu lầm phổ biến về sữa của cha mẹ khiến bé 3 tuổi phải truyền máu

(Dân trí) - Việc cho trẻ uống quá nhiều sữa, thậm chí bù bữa chính có thể vô tình đẩy con vào tình trạng thiếu chất, suy dinh dưỡng, thậm chí ảnh hưởng lâu dài đến thể chất và trí tuệ.

Báo Dân tríBáo Dân trí18/05/2025

Trong suy nghĩ của nhiều phụ huynh, sữa là thực phẩm thay thế cho những đứa trẻ biếng ăn: con không ăn cơm có thể uống bù sữa, vừa tiện lợi lại giàu dinh dưỡng.

Trao đổi với Dân trí, ThS.BS Mai Quang Huỳnh Mai, Phó khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) đánh giá, việc cho trẻ uống quá nhiều sữa là một sai lầm rất phổ biến của các gia đình nuôi dưỡng trẻ nhỏ.

"Khi một số trẻ biếng ăn, nhiều cha mẹ lo lắng sợ con đói, sợ con thiếu chất, nên chọn cách bù đắp bằng việc cho uống sữa, thậm chí dùng sữa để thay thế hoàn toàn cho bữa ăn chính.

Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp tốt mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe. Chúng tôi từng tiếp nhận không ít bệnh nhi uống nhiều sữa đến mức bị thiếu sắt nặng, khi nhập viện phải truyền máu gấp", bác sĩ chia sẻ.

Trong số những ca bệnh đã tiếp nhận, bác sĩ Mai không thể quên một bệnh nhi ba tuổi nặng chỉ 13kg, uống đến 6-7 lần sữa/ngày, với 180ml/lần. Trước đó, cha mẹ em cho rằng con biếng ăn nên cố bù đắp bằng sữa, để con không bị đói hay thiếu chất.

Sau một thời gian, bé từ chối hoàn toàn các bữa ăn chính, chỉ thích sữa và bánh kẹo ngọt. Cô bé thường xuyên nôn ói, nhai rồi nhả bã, phải nhập viện vì thiếu máu nhược sắc, rối loạn tiêu hóa và chậm tăng cân.

"Có lần, bé vào viện đã phải truyền máu ngay do thiếu sắt. Đây là hậu quả của một thời gian dài trẻ uống sữa không kiểm soát", bác sĩ nhớ lại.

Hiểu lầm phổ biến về sữa của cha mẹ khiến bé 3 tuổi phải truyền máu - 1

Bàn tay trắng bệch của một đứa trẻ bị thiếu máu nhược sắc do uống quá nhiều sữa (Ảnh minh họa: myUpchair).

Trẻ thích ăn đất, ăn tóc vì "uống sữa thay cơm"

Sữa là thực phẩm bổ dưỡng, chứa nhiều canxi, vitamin D, protein và các vi chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, khi sữa được dùng thay thế hoàn toàn cho bữa ăn chính, đặc biệt là trong giai đoạn trẻ cần đa dạng dinh dưỡng để phát triển toàn diện, chính loại thực phẩm "vàng" này lại trở thành con dao hai lưỡi, ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ.

Khi được cho uống quá nhiều sữa, con trẻ dễ sinh ra hội chứng "nghiện sữa" - bỏ ăn bữa chính quấy khóc nếu không được uống.

"Đây không đơn thuần là sự yêu thích, mà là tình trạng lệ thuộc gây cản trở nghiêm trọng đến phát triển toàn diện", bác sĩ Mai nhấn mạnh.

Theo bác sĩ, một trong những tác hại dễ thấy nhất của việc uống quá nhiều sữa là trẻ từ chối các thực phẩm khác như cơm, cháo, rau củ, trái cây. Dạ dày no sữa khiến bé không còn cảm giác đói, dẫn đến việc bỏ bữa và hình thành thói quen ăn uống lệch lạc.

Về lâu dài, tình trạng này có thể gây ra tình trạng chậm tăng cân hoặc tăng cân mất cân đối. Một số trẻ tăng mỡ nhưng lại thiếu cơ, trong khi số khác chậm lớn do thiếu dưỡng chất đa dạng.

Ngoài ra, khi uống quá nhiều sữa và bỏ quên các thực phẩm khác, trẻ dễ bị đầy bụng, táo bón, khó tiêu, thậm chí đau bụng.

Hiểu lầm phổ biến về sữa của cha mẹ khiến bé 3 tuổi phải truyền máu - 2

Trẻ uống quá nhiều sữa dễ dẫn đến dư thừa canxi so với nhu cầu của cơ thể (Ảnh minh họa: Unsplash)

Bên cạnh đó, uống quá nhiều sữa dẫn đến dư thừa canxi so với nhu cầu của cơ thể. Khi cơ thể thừa chất, các cơ quan tiêu hóa và bài tiết phải tăng cường làm việc, tạo ra gánh nặng cho các cơ quan này, không có lợi cho cơ thể.

Bên cạnh đó, canxi quá nhiều trong cơ thể gây ra tình trạng cạnh tranh hấp thu với sắt. Sắt trong cơ thể dễ dàng bị đẩy ra ngoài, không hấp thu được, khiến trẻ bị thiếu máu.

Lúc này, các bé thường có da xanh xao, mệt mỏi, tóc bạc màu, ít vận động, hay có thói quen ăn đất, giấy, tóc - một dấu hiệu kinh điển của thiếu sắt nặng.

Ở mức độ nặng hơn, trẻ có thể sa sút tinh thần, giảm khả năng vận động, dễ nhiễm trùng do hệ miễn dịch suy yếu vì thiếu dinh dưỡng, giảm sức bền trong học tập và chơi đùa.

Trẻ uống bao nhiêu sữa/ngày là hợp lý?

Theo khuyến cáo từ Viện Dinh dưỡng, trẻ từ một tuổi trở lên chỉ nên tiêu thụ khoảng 500-600ml sữa mỗi ngày, bao gồm sữa mẹ, sữa công thức, sữa tươi, sữa chua và phô mai. Việc tính lượng sữa cần tổng hợp từ tất cả các nguồn, không chỉ là ly sữa mẹ cho buổi sáng hay hộp sữa tươi trước khi ngủ.

 

3-5 tuổi

6-7 tuổi

8-9 tuổi

10-19 tuổi

Số đơn vị sữa và chế phẩm từ sữa

 4  4,5  5

Phô mai

15g phô mai (1 miếng phô mai)

15g phô mai (1 miếng phô mai)

30g phô mai (2 miếng phô mai)

30g phô mai (2 miếng phô mai)

Sữa chua

100ml sữa chua (1 hộp sữa chua)

100ml sữa chua (1 hộp sữa chua)

100ml sữa chua (1 hộp sữa chua)

200ml sữa chua (2 hộp sữa chua)

Sữa

200ml sữa

250ml sữa

200ml sữa

200ml sữa

Theo bác sĩ Mai, để "cai nghiện sữa" cho con, phụ huynh cần điều chỉnh từ từ và kiên nhẫn. Việc cắt sữa đột ngột sẽ dễ gây khủng hoảng cho trẻ và phản tác dụng.

Ban đầu, cha mẹ nên giảm từ từ lượng sữa để con trẻ quen dần. Mỗi ngày giảm 50-100ml, không cắt đột ngột. Đồng thời, kéo dài khoảng cách giữa các cữ sữa để trẻ cảm thấy đói và thèm ăn hơn.

Bên cạnh đó, đối với bữa ăn chính, bố mẹ nên tăng sự hứng thú cho trẻ bằng cách chuẩn bị thêm các món ăn đẹp mắt, nhiều màu sắc; các dụng cụ ăn uống hình thú, sinh động.

Phụ huynh cũng nên thử cho trẻ chọn nguyên liệu hoặc cùng tham gia chuẩn bị cùng; trong bữa ăn tuyệt đối không để trẻ vừa ăn vừa xem tivi hoặc dùng điện thoại.

Thay vào đó, bữa ăn nên trở thành thời điểm giao lưu, gần gũi giữa các thành viên, giúp trẻ vui vẻ và dễ tiếp nhận thực phẩm mới.

Một khẩu phần ăn thông thường của trẻ mất khoảng 2-3 giờ để tiêu hóa hết. Trong khoảng thời gian này, tuyệt đối không nên cho trẻ uống sữa, ăn vặt, khiến bé bị đầy bụng và không chịu ăn các bữa chính.

Với những trường hợp trẻ hoàn toàn lệ thuộc vào sữa, đặc biệt là các bé dưới 2 tuổi, trẻ nhẹ cân hoặc có bệnh lý nền, cha mẹ cần tham khảo ý kiến và theo dõi sát từ bác sĩ dinh dưỡng để điều chỉnh hợp lý và an toàn.

Bên cạnh đó, bố mẹ cũng không nên quá lo lắng rồi tự mua vi chất bổ sung cho con. Khi này, trẻ nên được đưa đi khám và làm xét nghiệm để xác định mức độ thiếu chất.

Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/hieu-lam-pho-bien-ve-sua-cua-cha-me-khien-be-3-tuoi-phai-truyen-mau-20250518082412098.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm