Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hiệu quả quản trị và dịch vụ công có cải thiện nhưng còn dư địa cải cách

(Chinhphu.vn) - Báo cáo PAPI 2024 vừa công bố cho thấy sự cải thiện đáng kể trong hiệu quả quản trị và cung ứng dịch vụ công tại các địa phương. Tuy vậy, vẫn tồn tại khoảng cách giữa các nhóm dân cư và thách thức trong quản trị.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ15/04/2025

Hiệu quả quản trị và dịch vụ công có cải thiện nhưng còn dư địa cải cách- Ảnh 1.

Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2024 - Ảnh: VGP/HT

Ngày 15/4, tại Hà Nội, Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2024 (Chỉ số PAPI 2024) với nhiều kết quả đáng chú ý.

Hiệu quả quản trị ngày càng được cải thiện

Trước hết, Báo cáo PAPI 2024 ghi nhận những bước tiến đáng khích lệ trong các lĩnh vực như công khai – minh bạch, kiểm soát tham nhũng, quản trị môi trường và điện tử. Thực tế, ba trong tám trụ cột được đo lường đã đạt điểm số khá cao theo đánh giá từ người dân trên toàn quốc. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các nhóm dân cư vẫn là điều đáng lưu tâm. Bởi lẽ, theo kết quả khảo sát, phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người tạm trú và cư dân nông thôn tiếp tục có mức độ hài lòng thấp hơn so với nhóm còn lại.

Với trên 47,8 điểm, Quảng Ninh đứng đầu về Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2024, tiếp theo là Tây Ninh 47,3; Bình Thuận 47,1 là những địa phương trong "top" đầu về chỉ số hiệu quả quản trị.

Thêm vào đó, tình trạng tham nhũng vẫn được người dân coi là mối quan ngại hàng đầu, với tỷ lệ 22,58% người khảo sát nêu đây là vấn đề cần Nhà nước ưu tiên giải quyết. Mặc dù vậy, cũng cần lưu ý rằng tỷ lệ người dân phải đưa chi phí không chính thức đã giảm so với năm trước, phản ánh những tiến bộ nhất định. Vì vậy, việc tăng cường minh bạch, bảo vệ người tố cáo và thực thi pháp luật nghiêm minh là các khuyến nghị quan trọng từ báo cáo lần này.

Không chỉ vậy, khảo sát còn cho thấy sự bất an kinh tế là nỗi lo tiếp theo. Dù kinh tế năm 2024 có nhiều tín hiệu tích cực như GDP tăng 7,09%, CPI kiểm soát ở mức 3,63%, thì vẫn còn tới 10,2% số hộ đánh giá điều kiện kinh tế gia đình là "kém" hoặc "rất kém". Do đó, việc mở rộng bảo hiểm xã hội, đặc biệt với người lao động phi chính thức, dân tộc thiểu số và cư dân nông thôn là điều cấp thiết.

Hiệu quả quản trị và dịch vụ công có cải thiện nhưng còn dư địa cải cách- Ảnh 2.

Bà Ramla Khalidi – Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam phát biểu tại buổi công bố báo cáo - Ảnh: VGP/HT

Hoàn thiện ‘tấm gương soi’ hiệu quả trong bối cảnh cải cách

Thời gian qua, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão Yagi và nắng nóng kéo dài khiến gần 40% người dân cho biết gia đình hoặc cộng đồng bị ảnh hưởng trực tiếp. Vì thế, thúc đẩy quản trị môi trường có sự tham gia của người dân, đầu tư hạ tầng ứng phó thiên tai và xây dựng giải pháp phù hợp với từng vùng là yêu cầu không thể trì hoãn.

Theo bà Ramla Khalidi – Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam, những phát hiện từ PAPI 2024 là cơ sở để hoạch định chính sách công bằng, hiệu quả hơn, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

"Những phát hiện này gợi mở một lộ trình dựa trên bằng chứng thực tiễn hướng tới nâng cao hiệu quả quản trị công lấy người dân làm trung tâm, đảm bảo những cải cách thể chế hiện nay và tới đây sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân Việt Nam"- bà Ramla Khalidi nói.

Trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai công cuộc cải cách nền quản trị công mang tính lịch sử, đặc biệt là việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền hai cấp và tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh, đây là một cơ hội vô cùng quan trọng để thúc đẩy quản trị bao trùm cũng như hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách nhằm giải quyết những thách thức mà người dân đã phản ánh thông qua Chỉ số PAPI. Ưu tiên nâng cao hiểu biết về chuyển đổi số, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng số để triển khai Nghị quyết số 57 sẽ góp phần cải thiện điều kiện và khả năng tiếp cận dịch vụ công trực tuyến của người dân, từ đó thu hẹp khoảng cách số hiện nay. Việc thực thi có hiệu quả Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 từ tháng 7 năm 2025 tạo cơ hội kịp thời cho việc mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm dễ bị tổn thương được tiếp cận bảo hiểm xã hội, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Trong khi đó, bà Deirdre Ní Fhallúin – Đại sứ Ai-len nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội nhằm giảm thiểu rủi ro kinh tế và xã hội.

Cùng quan điểm, bà Renée Deschamps – Đại biện lâm thời Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho rằng PAPI là nền tảng để công dân và chính quyền cùng đối thoại, hướng tới hiệu quả phục vụ cao hơn.

Hiệu quả quản trị và dịch vụ công có cải thiện nhưng còn dư địa cải cách- Ảnh 3.

PGS. TS. Dương Trung Ý – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu - Ảnh: VGP/HT

PGS. TS. Dương Trung Ý – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, sự điều hành chủ động, linh hoạt của Chính phủ, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận của toàn dân, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Chất lượng giáo dục, y tế và an sinh xã hội được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 2,93%, trong khi tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt trên 94,2%. Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực công, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả quản trị công. Bảo vệ môi trường được chú trọng, chính sách thúc đẩy năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được triển khai mạnh mẽ. Đảng và Nhà nước Việt Nam đang thực hiện một cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, xây dựng một hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Cuộc cải cách bộ máy lần này là cuộc cách mạng mang dấu ấn lịch sử và chắc chắn còn nhiều khó khăn thử thách, nhưng đây là quyết định tất yếu để thay đổi căn bản cấu trúc và phương thức hoạt động của các cấp chính quyền.

Theo PGT.TS Dương Trung Ý: Với vai trò là một tấm gương phản chiếu hoạt động của chính quyền, tôi đề nghị UNDP tại Việt Nam cần nghiên cứu, thay đổi, bổ sung nội dung tiêu chí và cách thức điều tra cho phù hợp với bối cảnh mới. PAPI không chỉ là công cụ đo lường, mà còn là chất xúc tác thay đổi nhận thức và hành động của đội ngũ công quyền,góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, giúp chính quyền từ Trung ương đến địa phương có cơ sở để điều chỉnh chính sách phù hợp.

"Học viện Chính trị Quốc gia sẵn sàng đồng hành cùng UNDP nghiên cứu chuyên sâu, tư vấn chính sách cho các địa phương và lan tỏa kết quả PAPI đến đội ngũ cán bộ các cấp", PGS.TS Dương Trung Ý nói.

Báo cáo Chỉ số PAPI lần thứ 16 ghi nhận ý kiến của 18.894 người dân được chọn mẫu ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc. Báo cáo cung cấp kết quả phân tích chuyên sâu về nhiều khía cạnh của quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công ở Việt Nam. Trong suốt 16 năm qua, có tới 216.673 lượt người dân trên phạm vi toàn quốc đã tham gia đánh giá. PAPI đo lường 8 chỉ số nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.

Anh Minh


Nguồn: https://baochinhphu.vn/hieu-qua-quan-tri-va-dich-vu-cong-co-cai-thien-nhung-con-du-dia-cai-cach-102250415123551411.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm