Tàu thuyền neo đậu tại Cảng cá Lạch Bạng, phường Hải Bình.
Với ông Nguyễn Văn Sơn ở phường Sầm Sơn, chủ tàu TH-92491, sau gần 3 năm được Nhà nước hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) và thuê bao dịch vụ internet kết nối GSHT mỗi chuyến khai thác đều trở nên an toàn, hiệu quả hơn. Ông Sơn cho biết: “Khai thác trên biển thường xuyên bị tác động của thời tiết. Vì vậy, sau khi được hỗ trợ các thiết bị, chúng tôi có thêm một kênh tiếp nhận thông tin tin cậy, có thể cập nhật thông tin về thời tiết trên biển cũng như xin hướng dẫn để di chuyển đến vùng an toàn. Ngoài ra, thông qua thiết bị GSHT, ngư dân biết vị trí, vùng biển mình đang khai thác hải sản, hạn chế tối đa những vi phạm quy định trong khai thác hải sản. Từ đó, chuyến ra khơi an toàn, hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Cũng đánh giá cao hiệu quả của việc được hỗ trợ lắp đặt GSHT, ngư dân Nguyễn Văn Chung - chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu TH-93369-TS ở xã Vạn Lộc, cho biết: "Thiết bị GSHT thực sự hữu ích. Trong đó, hiệu quả nhất vẫn là thông qua thiết bị GSHT được lực lượng chức năng nhắc nhở, hỗ trợ khi tàu có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài, hay nếu trường hợp gặp tai nạn, mưa bão cần sự giúp đỡ, thiết bị sẽ giúp lực lượng cứu hộ xác định vị trí của tàu cá nhanh và chính xác, nhờ đó tàu cá và ngư dân được an toàn hơn”.
Được biết, ngày 23/3/2025 khi khai thác ở vùng lộng gần bờ biển của huyện Hậu Lộc (cũ), trên tàu TH-93369-TS của ông Nguyễn Văn Chung có 1 lao động gặp tai nạn. Thông qua hệ thống tín hiệu và thiết bị GSHT, tàu đã kết nối được với tàu tuần tra của lực lượng kiểm ngư và đề nghị được hỗ trợ đưa thuyền viên bị nạn ngoài biển vào bờ để cấp cứu. Nhờ đó, lao động được hỗ trợ y tế kịp thời, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Rồi nhiều chuyến khai thác khác bị ảnh hưởng của mưa bão, cũng chính thiết bị GSHT đã giúp ông Chung cùng các “bạn tàu” bình an trở về đất liền.
Ngư dân Thanh Hóa có truyền thống và kinh nghiệm đánh bắt xa bờ. Tàu cá của họ hoạt động khắp các ngư trường trong cả nước. Do đó, với 6.591 tàu cá, trong đó có 1.061 tàu có chiều dài từ 15m trở lên, tỉnh không chỉ hỗ trợ thiết bị GSHT, thuê bao kết nối thiết bị GSHT theo Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ mua thiết bị GSHT và phí thuê bao dịch vụ thiết bị GSHT cho chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, mà còn vận dụng linh hoạt chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ đó, nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá để tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường, giai đoạn 2020-2025 tỉnh Thanh Hóa đã triển khai một số chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản và bảo đảm an toàn cho ngư dân như: hỗ trợ thiết bị GSHT, thuê bao dịch vụ GSHT, hỗ trợ ngư dân, tàu thuyền bị rủi ro do thiên tai... với số tiền hỗ trợ đạt hơn 17,1 tỷ đồng. Thông qua nguồn hỗ trợ không chỉ ổn định tình hình sản xuất của ngư dân mà còn để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển sản xuất, tạo động lực mạnh mẽ, huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển thủy sản. Đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nhằm góp phần cùng với cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, từng bước phát triển nghề cá theo hướng bền vững, hội nhập.
Bài và ảnh: Lê Thanh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/hieu-qua-tu-chinh-sach-ho-tro-phat-trien-thuy-san-nbsp-va-bao-dam-an-toan-cho-ngu-dan-255130.htm
Bình luận (0)