Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hóa giải bài toán nguồn vốn phát triển kinh tế cho cựu chiến binh

(Baohatinh.vn) - Bài toán nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế của những người từng tham gia quân ngũ được hóa giải khi Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh ủy thác cho vay vốn qua tổ chức hội cựu chiến binh.

Báo Hà TĩnhBáo Hà Tĩnh28/04/2025

Với cựu chiến binh - những người đi qua chiến tranh và những người từng tham gia phục vụ trong quân ngũ, điều mà họ luôn trăn trở là thiếu vốn đầu tư các mô hình kinh tế, sản xuất – kinh doanh. Với thế mạnh cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách, hàng chục năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai cho vay các chương trình tín dụng ủy thác qua hội cựu chiến binh.

Theo đó, hội cựu chiến binh đứng ra bảo lãnh để các hội viên được tiếp cận vốn vay CSXH. Nhờ “đòn bẩy” này, hàng trăm mô hình kinh tế ra đời, phát triển, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

bqbht_br_100-3.jpg
Gia đình cựu binh Trần Văn Phúc (xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh) đầu tư dịch vụ câu cá và chăn nuôi đặc sản cho doanh thu 2 tỷ đồng/năm.

Ông Trần Văn Phúc – cựu binh ở xã Kỳ Bắc (huyện Kỳ Anh) đã từng “thử sức” với chăn nuôi các vật nuôi truyền thống như: trâu, bò, gà, lợn... Tuy nhiên, sự bấp bênh của thị trường cùng với đe dọa về dịch bệnh trên đàn vật nuôi nên nhiều thời điểm ông thua lỗ. Quyết tâm phát triển kinh tế ngay trên chính mảnh đất ông cha vẫn luôn thôi thúc người lính già, để rồi sau quá trình tìm tòi, học hỏi, ông Phúc quyết định đầu tư chăn nuôi các loại động vật mới được thị trường ưa chuộng như: nhím, dúi, chồn. Ngoài ra, sở hữu trang trại với hệ thống ao hồ quy hoạch bài bản, gia đình đầu tư dịch vụ câu cá kết hợp nuôi cá. Dám đổi mới tư duy phát triển kinh tế cùng sự hậu thuẫn của Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh giúp gia đình ông thay đổi căn bản đời sống.

Ông Trần Văn Phúc chia sẻ: “Sau khi tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, tôi trở về quê gắn bó với nghề nông. Tuy nhiên, nguồn vốn hạn hẹp nên gia đình chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp. Những năm gần đây, được ngân hàng CSXH cho vay nhiều chương trình như: hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, nguồn vốn địa phương ủy thác… với tổng dư nợ 300 triệu đồng đã giúp gia đình có nguồn lực đầu tư chăn nuôi quy mô. Chúng tôi đang nuôi gần 150 con chồn, dúi, nhím và kinh doanh dịch vụ, doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/năm”.

Ông Phạm Anh Đức – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh thông tin: “Tính đến 25/4/2025, tổng dư nợ toàn đơn vị đạt hơn 845,4 tỷ đồng, trong đó dư nợ ủy thác qua hội cựu chiến binh trên 167 tỷ đồng với hơn 2.740 hộ còn phát sinh dư nợ. Với 76 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả, chất lượng tín dụng ủy thác qua hội cựu chiến binh tốt, không có nợ quá hạn. Ngân hàng CSXH luôn tạo điều kiện để hội viên hội cựu chiến binh được tiếp cận nguồn vốn, tạo nguồn lực đầu tư các mô hình có thế mạnh như: chăn nuôi, trồng rừng, nuôi trồng – chế biến thủy hải sản…”.

Thời gian qua, Ngân hàng CSXH thị xã Hồng Lĩnh tập trung tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách để hội viên hội cựu chiến binh nắm bắt, tiếp cận. Ngoài đầu tư các mô hình kinh tế truyền thống, không ít người từng phục vụ trong quân ngũ tại thị xã mạnh dạn mua máy móc, phát triển ngành nghề dịch vụ cho thu nhập khá cao.

bqbht_br_100-2.jpg
Gia đình ông Phạm Duy Lý (TX Hồng Lĩnh) đầu tư máy móc phục vụ dây chuyền sản xuất.

Ông Phạm Duy Lý (trú tại phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh) từng tham gia huấn luyện tại Lữ đoàn 614, Bộ Tư lệnh thông tin liên lạc. Sau khi xuất ngũ về địa phương, một thời gian, cuộc sống gia đình ông gặp khó khăn do thiếu việc làm ổn định. Sau này, ông Lý quyết định học nghề và mở cơ sở nội thất nhôm, kính, nhựa và được Ngân hàng CSXH thị xã Hồng Lĩnh tiếp vốn. Ông đã đầu tư các thiết bị hiện đại phục vụ dây chuyền sản xuất, từng bước mở rộng quy mô, tạo việc làm cho 2 lao động, doanh thu mỗi năm hơn 2 tỷ đồng.

bqbht_br_100-1.jpg
Lãnh đạo Ngân hàng CSXH TX Hồng Lĩnh và Hội Cựu chiến binh thị xã trao đổi về tín dụng chính sách.

Đại tá Lữ Đức An – Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TX Hồng Lĩnh cho hay: “Vốn tín dụng chính sách là một kênh để hội viên tiếp cận, góp phần "giải bài toán" thiếu vốn sản xuất đối với bộ đội xuất ngũ. Với 11 tổ tiết kiệm và vay vốn tại 6 phường, xã, tổng dư nợ tín dụng chính sách ủy thác qua hội cựu chiến binh đạt 38 tỷ đồng. Quá trình cho vay, hội phối hợp hướng dẫn và giám sát, bình xét công khai các hộ thuộc đối tượng có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đúng quy định. Hội cũng phối hợp với ngân hàng tăng cường kiểm tra, giám sát hộ vay và các tổ tiết kiệm và vay vốn để kịp thời nắm bắt thông tin, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng tín dụng”.

bqbht_br_054.jpg
Tính đến 25/4/2025, dư nợ tín dụng chính sách ủy thác qua Hội Cựu chiến binh Hà Tĩnh đạt 1.309 tỷ đồng.

Tính đến 25/4/2025, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh đạt trên 7.400 tỷ đồng, trong đó, dư nợ ủy thác qua hội cựu chiến binh đạt 1.309 tỷ đồng. Đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ ủy thác qua hội cựu chiến binh, ngân hàng CSXH tiếp tục phối hợp với hội các cấp, tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách; chú trọng tập huấn nghiệp vụ cho hội ủy thác cấp xã, tổ tiết kiệm và vay vốn.

Cùng đó, ngân hàng tiếp tục phối hợp, rà soát các trường hợp để cho vay đúng quy định, ưu tiên rà soát các mô hình kinh tế tiêu biểu, các chủ cơ sở OCOP… có nhu cầu vay vốn để tổ chức họp bình xét, hoàn thiện hồ sơ cho vay, giải ngân kịp thời; tiếp tục phối hợp đôn đốc, xử lý kịp thời nợ đến hạn nhằm nâng cao chất lượng tín dụng ủy thác qua hội cựu chiến binh.

Nguồn: https://baohatinh.vn/hoa-giai-bai-toan-nguon-von-phat-trien-kinh-te-cho-cuu-chien-binh-post286747.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM
Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm