Ký ức về một thời chiến đấu và ký họa tại “tọa độ lửa” vẫn sống mãi trong tâm trí của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu.
Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, Trưởng Ban tổ chức triển lãm “Bài ca thống nhất” giới thiệu một trích đoạn hồi ký của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu, để công chúng hiểu rõ hơn về thời điểm kháng chiến gian khổ, cũng như trân trọng hơn những đóng góp thầm lặng của các họa sĩ quân đội nơi chiến trường.
Cuối năm 1972, tình hình chiến sự đang dồn lên đỉnh cao, cả miền bắc hậu phương đâu đâu cũng là chiến tuyến. Binh chủng thông tin cũng ráo riết chuẩn bị lực lượng tinh nhuệ nhất cung cấp cho chiến trường. Về đơn vị báo cáo ý định của mình sẽ đi vẽ ở tuyến trước, tôi được các thủ trưởng Ban Tuyên huấn và Phòng chính trị Bộ tư lệnh cử đi B5. Vì thế, mặc dù là họa sĩ tương lai, tôi vẫn được trang bị đầy đủ như một anh lính đi B, nghĩa là cũng ba lô, tăng võng, lương khô, thuốc men và tất nhiên là cả mũ tai bèo nữa.
Nhóm chúng tôi có 3 người. Chúng tôi được gửi gắm xuống một đơn vị quân bưu - nơi đang tổ chức những đơn vị nhỏ, những kỹ sư, kỹ thuật viên, chiến sĩ thông tin thành thạo nghiệp vụ để nam tiến.
Đêm đầu tiên, chúng tôi hành quân bằng cơ giới, trên chiếc xe Môlôtova của Nga. Trên xe không chỉ là những khí tài thông tin mà còn là những bao thư từ, công văn, báo chí - món hàng đặc trưng của quân bưu. Qua được Bến Thủy, một trạm quân bưu ở phía tây Nghệ An đón chúng tôi. Mỗi người chúng tôi được trang bị một chiếc xe đạp Vĩnh Cửu của Trung Quốc. Anh lính quân bưu dẫn đường thì phải đèo một bịch công văn tài liệu cùng khẩu AK, còn hai lính vẽ (tôi và Xuân Hạnh) thì lặc lè với ba lô, lỉnh kỉnh cặp vẽ, giấy vẽ.
Chỉ nhà thơ Phạm Đức là gọn nhẹ, vì với công việc viết báo và làm thơ, một cuốn sổ tay và cái bút chì là quá đủ. Bám được anh quân bưu thật vất vả, dù anh đã nhiều lần phải dừng lại để chờ. Bởi ban ngày là phải bám sát bìa rừng tránh những đoạn đường địch thường xuyên đánh phá. Trời mưa, đường bìa rừng nhầy nhụa đất đỏ. Vừa trơn vừa bết, đất đỏ trộn với nước sền sệt thành một thứ keo bám chặt vành lốp và khung xe, xe chúng tôi cứ đổ oành oạch, dù nhiều chỗ chẳng thể nào đạp được, cứ đẩy như đẩy xe thồ hồi chiến dịch Điện Biên Phủ.
![]() |
Tác phẩm "Tìm đài bạn", ký họa chiến trường năm 1972. |
Qua đất Quảng Bình thì chúng tôi đành phải từ giã “ngựa sắt” ở một trạm quân bưu. Một chiến sĩ quân bưu khác lại dẫn đường cho chúng tôi. Trên vai anh không phải là ba lô mà là một bao tải có quai chật căng công văn thư từ chuyển tiếp vào Nam. Hết rừng thưa quang đãng lại đến rừng già tối om, cổ áo tay áo gài chặt, bít tất trùm ngoài ống quần vẫn không thoát khỏi những con vắt tinh quái bò vào cổ vào nách, chén no rồi rơi ngay trong đó.
Những chặng đường hành quân cùng chiến sĩ quân bưu, chúng tôi mới thấm thía vì sao phải đeo gạch leo núi Yên Tử. Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được Sở Chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Thông tin. Và những bức tranh về tổ đường dây, về nữ chiến sỹ thông tin A10 thuộc Trung đoàn 134, các chiến sỹ giao liên… đã lần lượt ra đời từ đây.
Thú vị nhất là chúng tôi được dự một đám cưới ngay giữa rừng Trường Sơn: chú rể là chiến sĩ đường dây, cô dâu là cán bộ Tổng trạm A10. Họ đã từng cùng nhau đọc tác phẩm về tình yêu của Mác và Gienny khi đang trong giai đoạn “tìm hiểu”. Đám cưới dưới hầm mà thật vui. Có rượu trắng tự nấu lấy bằng gạo dẻo, có thịt hộp, cá hộp chế biến cùng rau rừng. Và nhiều loại bánh kẹo thật khó đặt tên do lính tự chế bằng đường, lạc, bột mỳ, bột gạo...
Cặp vợ chồng mới được anh em tặng cho một căn hầm chữ A xinh xắn có lát và ốp gỗ rừng Trường Sơn làm phòng tân hôn. Đồng chí tư lệnh tiền phương Phạm Niên tặng họ một chiếc màn tuyn đôi được ghép từ 2 chiếc màn cá nhân của chiến sĩ đi B. Tuần trăng mật của họ ấm áp tình đồng đội.
Lại theo đường giao liên, chúng tôi đến Phân đội 18 - đơn vị anh hùng của Thông tin Vĩnh Linh. Thật là một kho tư liệu thực tế! Chúng tôi hối hả ký họa: tổ đài 15W, tổng đài hữu tuyến, trạm quân bưu, giao liên đưa quân ra quân vào, các chiến sĩ bộ đàm ở nhiều hướng nhiều mũi khác nhau... Chính tại đây, tôi đã được chiến sĩ quân bưu Đồng Văn Mức dạy tỉ mỉ cách đi đứng, luồn lách dưới hào sao cho an toàn, bí mật. Sau này, tôi được biết chính anh Mức là người bắn phát pháo hiệu đầu tiên truyền lệnh mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh.
Được phép vượt sông Bến Hải, chúng tôi đến một trung đoàn bộ binh đang dàn binh ở sông Thạch Hãn. Đi theo một tổ thông tin hữu tuyến, ngược về phía tây Vĩnh Linh, tìm một đoạn sông hẹp nhất và an toàn nhất, chúng tôi cho hết ba lô cặp vẽ giấy vẽ vào bao đựng gạo, buộc chặt lại để làm phao. Tất cả trần như nhộng vượt sông. Dưới ánh sáng sao trời mờ ảo, luồn lách trong rừng cây, lá lau cứa rát cả mặt, mà cứ lầm lũi đi, nhìn hình ảnh những người đi trước in đậm nét trên nền trời thật kiêu hãnh và hùng tráng. Anh giao liên giới thiệu với tôi đây là Cồn Tiên, kia là Dốc Miếu, xa xa là sân bay Ái Tử... Thật là diệu kỳ! Tôi thẫn thờ nhìn ngắm những địa danh mà trước đây tôi chỉ được nghe, được đọc qua đài báo trong những bản tin chiến sự. Nào ngờ hôm nay mình lại được đặt chân lên chính mảnh đất lừng danh này.
Đêm ấy, chúng tôi ngủ với anh em chiến sĩ ở một căn hầm trên điểm chốt. Toàn các chiến sĩ trẻ, họ chăm sóc chúng tôi rất chu đáo. Chúng tôi chiêu đãi anh em bằng thuốc lào Thống Nhất - món quà quý hiếm ở chiến trường. Anh em chia nhau hút và lấy phần về cho các tổ. Có cậu từ điểm chốt ở bên kia sông sát sân bay Ái Tử nghe báo bằng điện thoại là đã có thuốc lào liền lặn qua sông Thạch Hãn sang chỉ để hút một điếu cho đã đời, rồi mang phần về cho anh em. Tôi ngạc nhiên vì sao cậu bơi qua sông mà không bị lộ khi pháo sáng đèn pha nó quét như thế?
![]() |
Tác phẩm "Bữa cơm giữa rừng", chất liệu bột màu. |
Đầu năm 1973, ngay sau mấy ngày đình chiến để hai bên cùng được ăn Tết Nguyên đán, tôi đi vẽ ở một trận địa chốt trên bờ sông Thạch Hãn. Cuộc giao ban trao đổi tình hình nhiệm vụ của một tiểu đội trong phần nổi của căn hầm chữ A. Người ngồi trên bao cát, người ngồi trên cuộn dây bọc. Người khoác súng chếch, người lại kẹp súng ở hai đùi, người đứng dựng khẩu B40 như cầm thanh long đao...
Một bố cục tự nhiên rất sinh động và chặt chẽ. Tôi ghi nhanh toàn bộ bối cảnh này. Giao ban xong, từng người còn nán lại giúp tôi hoàn thiện nốt chi tiết dáng, anh nào xong trước rời vị trí trước. Và cuối cùng, tôi chia tay anh em với thuốc lào và nước chè rừng mà không thể chờ được đến bữa cơm. Tôi còn phải tới tiểu đội khác.
Vừa rời khỏi căn hầm ấy vài phút, một loạt pháo từ sân bay Ái Tử dội xuống trận địa của ta. Những quả đạn bội ước mở đầu năm mới đã rót chính xác xuống những căn hầm, trong đó có căn hầm tôi vừa vẽ cuộc giao ban. Cả tiểu đội ấy đã ra đi khi chưa kịp triển khai bữa ăn sáng. Tôi rưng rưng nhìn lại chân dung từng người vừa phác hoạ. Họ là những người lính trẻ đẹp trai, thông minh, vừa rời ghế nhà trường. Mới đấy thôi, mà bây giờ họ chỉ còn hiển hiện trong bức ký hoạ của tôi. Nhưng họ sống mãi trong lòng tôi, trong sự ghi công của Tổ quốc. Một lần nữa, tôi lại ân hận vì đã không kịp ghi tên từng người trong tranh, vì tôi không có được thói quen rất đáng trân trọng của các nhà báo.
Sau này, mỗi lần xem lại bức ký họa này, ấn tượng về những người lính trẻ đẹp thông minh ấy lại sống dậy trong tôi. Và họ cũng như được sống lại trong mỗi lần tôi công bố bức tranh này tại các triển lãm chung cũng như triển lãm cá nhân của tôi. Tôi vẫn giữ gìn một cách trân trọng, như gìn giữ phần hồn của những người đã mất…
Những kỷ niệm của một thời đi vẽ ở chiến trường đầy xúc động, chan chứa tình đồng đội như thế, kể sao cho hết, và làm sao tôi có thể quên? Chính đó là suối nguồn trong trẻo, vô tận, theo tôi trong suốt cuộc đời và sự nghiệp làm người lính vẽ.
Trong thời gian chuẩn bị cho triển lãm mỹ thuật “Bài ca Thống Nhất”, Ban tổ chức triển lãm đã đến thăm nhà riêng của các cố họa sĩ quân đội và rất xúc động khi được chiêm ngưỡng khối di sản quý của các ông. Đó không chỉ là những bức tranh, ký họa mà còn rất nhiều kỷ vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp hội họa trên chiến trường.
Triển lãm là lời tri ân sâu sắc gửi tới thế hệ cha ông đã hy sinh tuổi xuân và xương máu của mình để có nền độc lập, hòa bình ngày hôm nay, gửi tới các họa sĩ quân đội đã không quản ngại nguy hiểm nơi chiến trường để có được những bức ký họa chân thực mang ý nghĩa và giá trị lịch sử.
Nguồn: https://nhandan.vn/hoa-si-pham-ngoc-lieu-mot-thoi-chien-dau-va-ky-hoa-post876994.html
Bình luận (0)