Từ 1/7, hoạt động cho vay ngang hàng sẽ được thử nghiệm trong 2 năm, cùng với chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Theo đó, các tổ chức tín dụng, công ty Fintech và các đơn vị liên quan sẽ được triển khai thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech) như: chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), và cho vay ngang hàng (P2P Lending).
Cho vay ngang hàng, theo định nghĩa, là hình thức kết nối trực tiếp giữa người đi vay và người cho vay thông qua nền tảng trực tuyến, không cần thông qua các trung gian tài chính truyền thống như ngân hàng.
Theo Nghị định mới, chỉ các công ty được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới đủ điều kiện tham gia thử nghiệm. Cụ thể, gồm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định (không áp dụng đối với điểm c là cho vay ngang hàng); các công ty công nghệ tài chính; các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; khách hàng và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến Cơ chế thử nghiệm.
Tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm chỉ được cung cấp các giải pháp Fintech trong phạm vi được quy định tại Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm.
Tùy thuộc vào giải pháp Fintech và đề xuất cụ thể của tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm tại Hồ sơ đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm, ý kiến của các bộ, Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định phạm vi thử nghiệm của giải pháp Fintech thử nghiệm tại Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm.
Công ty cho vay ngang hàng chỉ được thực hiện cung ứng giải pháp cho vay ngang hàng trong phạm vi thử nghiệm tại Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm được Ngân hàng Nhà nước cấp cho Công ty cho vay ngang hàng theo quy định tại Nghị định này. Công ty cho vay ngang hàng tham gia Cơ chế thử nghiệm không được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác không được nêu tại Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm, không được tự cung cấp biện pháp bảo đảm cho khoản vay của khách hàng, hoạt động với tư cách là khách hàng và cung ứng giải pháp cho vay ngang hàng cho công ty cầm đồ.
Một điểm đáng chú ý là hoạt động thử nghiệm này không áp dụng với các ngân hàng nước ngoài. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng trong nước và các công ty công nghệ tài chính sẽ được xem xét tham gia, nếu đáp ứng điều kiện theo quy định.
Hiện tại, Việt Nam có khoảng 100 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng, với không ít đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài. Trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước từng lên tiếng cảnh báo về sự thiếu minh bạch trong một số mô hình P2P Lending, đặc biệt là về việc sử dụng và quản lý vốn vay.
Không chỉ dừng lại ở P2P Lending, Nghị định 94 còn mở rộng phạm vi thí điểm sang các dịch vụ fintech khác, bao gồm chấm điểm tín dụng và chia sẻ dữ liệu tài chính thông qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API). Đây là các giải pháp được kỳ vọng sẽ làm thay đổi cách tiếp cận dịch vụ tài chính truyền thống, mang đến sự minh bạch và tiện ích lớn hơn cho người dùng.
Theo Chính phủ, cơ chế thử nghiệm lần này không chỉ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng, mà còn hướng tới mục tiêu rộng hơn là nâng cao hiệu quả, giảm chi phí, và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân và doanh nghiệp. Việc tạo lập môi trường kiểm soát rủi ro ngay từ giai đoạn thử nghiệm được đánh giá là bước đi chiến lược, giúp bảo vệ người dùng và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của hệ sinh thái fintech tại Việt Nam.
Nguồn: https://baodaknong.vn/hoat-dong-cho-vay-ngang-hang-p2p-chinh-thuc-duoc-thu-nghiem-theo-co-che-co-kiem-soat-trong-vong-2-nam-251273.html
Bình luận (0)