Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Học sinh muốn thay đổi việc dạy học như thế nào?

Các học sinh trung học nhìn nhận, từ đề thi tốt nghiệp THPT 2025, nhất thiết cần thay đổi cách học, đồng thời bày tỏ mong muốn giáo viên cần thay đổi cách dạy.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên04/07/2025

HỌC TƯ DUY NHIỀU HƠN

Mỹ Uyên, học sinh (HS) Trường THPT Marie Curie (P.Xuân Hòa, TP.HCM), vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, cho biết đề thi các môn bắt buộc là toán, ngữ văn cho tới tự chọn (như địa lý, tiếng Anh) đều nhấn mạnh về tư duy. Do đó, dù các năm học sắp tới thí sinh sẽ thi tốt nghiệp với môn gì thì cũng cần rèn luyện tư duy, những đề bài thực tế, chứ không chỉ chăm chăm vào lý thuyết.

Theo Mỹ Uyên, để học tư duy tốt, người học cần nâng cao năng lực tự học. Như vậy sẽ tạo cho HS thói quen suy nghĩ độc lập, tự suy ra đáp án, thay vì phải đi theo những bước nhất định như đã được dạy.

"Ví dụ, nhìn từ đề toán tốt nghiệp THPT vừa qua, có nhiều dạng bài thực tế nên HS cần học và dành nhiều thời gian luyện dạng bài như thế này hơn. Với tiếng Anh, bên cạnh việc học từ vựng, luyện đề, HS cần nhiều môi trường như từ sách, báo, phim, các bài viết trên mạng xã hội... để thấy tiếng Anh quen thuộc. Ngoài ra, với những môn khoa học xã hội như ngữ văn, địa lý, HS nên thường xuyên theo dõi tin tức, đọc sách báo, nắm bắt thông tin để rèn luyện tư duy, suy nghĩ", Mỹ Uyên nói thêm.

Học sinh đề xuất thay đổi cách học để thích nghi với thi cử mới năm 2025 - Ảnh 1.

Cần thay đổi cách dạy và học để thích nghi với đổi mới thi cử

ẢNH: NHẬT THỊNH

Kiệt Luân, HS lớp Khoa học tự nhiên Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), vừa thi tốt nghiệp THPT với 2 môn tự chọn là hóa học, sinh học, cho biết năm nay đề thi ở cả 4 môn bắt buộc và tự chọn "đều hay và lạ". Luân nhận xét: "Những đề này cần hiểu bản chất mới làm được. Với môn sinh học, cũng không thuần về tính toán quá máy móc".

Kiệt Luân cho biết nhìn từ cách ra đề thi tốt nghiệp THPT, HS cần thay đổi cách học ở tất cả các môn, áp dụng cách học tư duy, làm những đề bài thực tế nhiều thì có thể làm bài thi tốt ở tất cả các môn.

CHUẨN BỊ TINH THẦN TỪ KHI VÀO LỚP 10

Vừa đậu nguyện vọng 1 lớp 10 vào một trường trong top 10 trường có điểm chuẩn cao nhất của TP.HCM mới, N.L.Cát Tiên đã theo sát sao kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, đặc biệt chú trọng đến đề thi môn toán, ngữ văn, tiếng Anh.

"Nhìn từ đề thi của các anh chị, em nghĩ HS trung học tụi em cần thay đổi cách học văn, chú trọng học thật, nhìn nhận đúng bản chất và tích lũy kinh nghiệm sống nhiều hơn chứ không chỉ chép văn mẫu qua loa để đối phó - cách làm của khá nhiều HS hiện nay. Đối với môn tiếng Anh, em nghĩ rằng HS hiện nay cần ôn thi có lộ trình rõ ràng, nắm chắc dạng đề trước khi thi 3 - 4 tháng, tránh chủ quan như mọi năm. Với môn toán, HS cần tập nhiều dạng đề khác nhau và học cách suy luận, không lạm dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình giải bài thì mới có thể dễ vận dụng vào nhiều dạng khác nhau một cách linh hoạt", N.L.Cát Tiên nói.

Học sinh muốn thay đổi việc dạy học như thế nào? - Ảnh 1.

Với cách ra đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT từ năm 2025, học sinh thay đổi cách học và cũng mong giáo viên thay đổi cách dạy

ảnh: Ngọc Dương


MONG GIÁO VIÊN CHÚ TRỌNG GIẢNG BÀI HƠN LÀ CHO LÀM BÀI TẬP

Thủy Tiên, HS một trường THPT tại P.Bến Thành (TP.HCM), sẽ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2026. Theo nhận định của Tiên, đề thi ngữ văn rất hay, bám sát tình hình thời sự, đồng thời cho HS thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của mình mà không bị bó hẹp trong văn mẫu, văn học tủ. Riêng đề toán và tiếng Anh, HS này cảm thấy lo lắng vì đề khó hơn so với mọi năm, đặc biệt là đề thi tiếng Anh.

"Với cách ra đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT từ năm 2025, HS thay đổi cách học, em cũng mong GV thay đổi cách dạy. Mong các thầy cô sẽ không đặt nặng quá mức việc soạn văn trước thật chính xác ở nhà, tránh việc các bạn chép văn mẫu, thay vào đó có thể yêu cầu đọc trước, soạn câu hỏi để trao đổi với GV và HS vào tiết học ngày hôm sau", Thủy Tiên nói.

"Em nghĩ, với cả môn toán, ngữ văn hay tiếng Anh, trong 1 tiết học, GV nên chú trọng giảng bài nhiều hơn là cho HS làm bài tập. Vì chỉ khi HS hiểu bản chất, các em mới có thể dễ làm bài hơn. Đặc biệt, với tiếng Anh, chúng em mong GV ôn thi theo từng đơn vị kiến thức như cách chia từ loại, cách làm các dạng khác nhau… GV cần giảng cho HS về kỹ năng làm bài lẫn kiến thức trong lớp, thay vì chỉ cho tụi em học ngữ pháp và từ vựng riêng lẻ, rời rạc trong sách giáo khoa", Thủy Tiên chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, Thủy Tiên mong thầy cô và nhà trường sẽ tổ chức nhiều kỳ thi thử tốt nghiệp THPT với thời gian thật hơn để HS quen với cảm giác khi thi thật, tránh áp lực. "Đồng thời, với môn ngữ văn, GV cần tổ chức các tiết trên lớp cho HS tự viết thành bài văn nhiều hơn - để các bạn quen với câu viết bài văn 4 điểm, tối đa 600 chữ như trong đề thi tốt nghiệp THPT - vì đây là phần mà HS dễ bỏ bê nhất trong tất cả các môn học", Thủy Tiên đề xuất.

Nguồn: https://thanhnien.vn/hoc-sinh-muon-thay-doi-viec-day-hoc-nhu-the-nao-18525070319345162.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm

Happy Vietnam
Quà của biển !
Quà của biển !