Ngày 26/5, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, Bình Định), Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm ICISE và Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE) đã khai mạc hội thảo Vật lý Thiên văn SAGI 2025.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định chào mừng các nhà khoa học về dự hội thảo Vật lý Thiên văn SAGI 2025 tại Trung tâm ICISE.
Diễn ra từ ngày 26-30/5, hội thảo thu hút hơn 40 đại biểu là các nhà khoa học, nghiên cứu sinh, sinh viên đến từ 6 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm: Ấn Độ, Đài Loan, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam. Đặc biệt, hội thảo còn có 16 nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực từ các nước Pháp, Tây Ban Nha, Thuỵ Sỹ, Mỹ tham gia trình bày trực tuyến.
Sự kiện cũng có sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của các nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực, như: GS.TS Alexandre Lazarian - Đại học Wisconsin–Madison (Hoa Kỳ); TS Nguyễn Trọng Hiền - Phòng Thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA (Hoa Kỳ); GS Hoàng Chí Thiêm - Viện Khoa học vũ trụ và Thiên văn Hàn Quốc; PGS.TS Phạm Ngọc Điệp - Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC).
PGS.TS Phạm Ngọc Điệp - Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), phát biểu khai mạc hội thảo.
Hội thảo bao gồm 43 bài trình bày tại phiên toàn thể, tập trung vào các nội dung chính: vật lý và kỹ thuật phân cực ánh sáng cùng các phương pháp bổ trợ để nghiên cứu khí, bụi và từ trường trong vũ trụ; sự hình thành và tiến hoá của các thiên thể, từ quy mô hành tinh, ngôi sao đến thiên hà và lỗ đen siêu khối lượng; kết hợp các dữ liệu từ các kính thiên văn hiện đại như ALMA, JWST, JCMT, SOFIA; thảo luận về các hướng đi mới, kết nối lý thuyết – mô phỏng – quan sát.
Theo PGS.TS Phạm Ngọc Điệp - Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), tiếp nối thành công của hai kỳ trước, hội thảo Vật lý Thiên văn SAGI 2025 nhằm tạo diễn đàn trao đổi chuyên sâu giữa lý thuyết và quan sát về nhiều chủ đề đang được quan tâm trong Vật lý Thiên văn.
TS Nguyễn Hữu Hà - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định (trái), trao đổi với các nhà khoa học bên lề hội thảo.
Chủ đề trọng tâm của hội thảo là kết nối các nhà khoa học trong hai lĩnh vực: sự hình thành sao và vật lý bụi vũ trụ – hai lĩnh vực có mối liên hệ sâu sắc với nhau. Bên cạnh đó, mục tiêu chung của hội thảo là cùng nhau khám phá các kết quả quan sát mới nhất, các mô hình lý thuyết hiện đại và các kỹ thuật tính toán tiên tiến. Từ đó xác định những điểm giao thoa tiềm năng, giải quyết các thách thức còn tồn đọng và mở ra các hướng nghiên cứu đột phá.
“Hội thảo Vật lý Thiên văn SAGI 2025 không chỉ góp phần thúc đẩy hợp tác khoa học quốc tế mà còn là cơ hội để các nhà nghiên cứu trẻ tại Việt Nam tiếp cận với các xu hướng nghiên cứu hiện đại, từ đó phát triển tiềm năng nghiên cứu trong nước”, PGS.TS Phạm Ngọc Điệp nhấn mạnh.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/hoi-thao-vat-ly-thien-van-sagi-2025-thu-hut-nhieu-nha-khoa-hoc-uy-tin/20250526015633577
Bình luận (0)