Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hơn 20 sàn giao dịch tài sản mã hóa đang hoạt động ngoài pháp luật

DNVN - Ông Trần Huyền Dinh - Chủ nhiệm Uỷ ban Ứng dụng Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) cho biết, hiện tại thị trường Việt Nam đang có khoảng trên dưới hơn 20 sàn giao dịch tập trung, hầu như các sàn không có tư cách pháp nhân hoặc trụ sở tại Việt Nam.

Tạp chí Doanh NghiệpTạp chí Doanh Nghiệp28/03/2025

Bước đi thực sự cần thiết

Quản lý, vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa là một trong những vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của thị trường tài chính số. Gần đây, vấn đề thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung tại Việt Nam trở thành chủ đề "nóng", được các cơ quan, ban, ngành, lãnh đạo Việt Nam và các cơ quan báo chí quan tâm.

Theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì xây dựng khung pháp lý thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số một cách lành mạnh, hiệu quả ngay trong tháng 3/2025. Nghị quyết về việc triển khai thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung, dự kiến được ban hành vào ngày 1/4 tới.

Tại hội thảo hội thảo chuyên đề “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài sản mã hoá tập trung” ngày 27/3 tại Hà Nội, ông Trần Huyền Dinh - Chủ nhiệm Uỷ ban Ứng dụng Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) cho rằng, việc thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung tại Việt Nam là bước đi thực sự cần thiết.

Hiện nay, tài sản mã hóa là một thị trường được đánh giá là rất lớn, với quy mô giao dịch lên đến 200 tỷ USD mỗi ngày, với 617 triệu người dùng, chiếm khoảng 8% dân số toàn cầu.


Các diễn giả tham gia thảo luận về giải pháp quản lý, vận hành sàn giao dịch tài sản mã hoá tập trung.

Trong đó, Việt Nam có khoảng 17 triệu người sở hữu tài sản mã hóa, đứng thứ 7 thế giới. Đáng chú ý, Việt Nam liên tục nằm trong top 5 chỉ số chấp nhận tài sản số toàn cầu của Chainalysis trong 4 năm qua, trong đó có 2 năm giữ vị trí dẫn đầu.

Tới thời điểm này trên thế giới, chưa có quốc gia nào có những chính sách đầy đủ để quản lý sàn giao dịch mã hóa tập trung này bởi nó nằm trên mạng lưới blockchain và cơ bản chạy xuyên biên giới.

Ông Tô Trần Hoà - Phó Trưởng ban Phát triển Thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, dự thảo Nghị quyết về việc triển khai thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung được xây dựng dựa trên các nghiên cứu từ các thị trường tài sản mã hoá được đánh giá là tiên tiến trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật, UAE, Thái Lan và tuân thủ hệ thống các quy định chung của quốc tế về tài chính, công nghệ.

Đặc biệt, các sàn giao dịch cần tự đánh giá, lựa chọn các tài sản có giá trị, có tính thanh khoản cao để bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư.

Ông Phan Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, việc thúc đẩy triển khai thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa cùng lúc với việc thúc đẩy Luật Công nghiệp Công nghệ số, dự kiến thông qua trong tháng 5/2025, thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc xây dựng khung pháp lý trong lĩnh vực tài sản số.

“Việc luật hoá tài chính phi tập trung giúp đảm bảo tính pháp lý của các tài sản mã hoá, đồng thời thúc đẩy đổi mới công nghệ hội nhập toàn cầu, giúp Việt Nam tối ưu nguồn lực từ thị trường mã hoá đang phát triển sôi động và thực hiện cam kết về phòng chống rửa tiền của chính phủ”, ông Trung nhấn mạnh.

Các sàn vẫn hoạt động trong vùng xám pháp lý

Đánh giá thực trạng sàn giao dịch tập trung tại thị trường Việt Nam, ông Trần Huyền Dinh - Chủ nhiệm Uỷ ban Ứng dụng Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) cho biết, hiện tại thị trường Việt Nam đang có khoảng trên dưới hơn 20 sàn giao dịch tập trung.


Ông Trần Huyền Dinh - Chủ nhiệm Uỷ ban Ứng dụng Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA).

Những sàn giao dịch này tập hợp thông qua những cộng đồng bao gồm có cả online và offline. Có những nhóm đã lên tới vài trăm nghìn người đăng ký để có thể chia sẻ ứng dụng cũng như sàn của họ nhằm thu hút người dùng. Khối lượng giao dịch của các sàn quốc tế ở thị trường Việt Nam được đánh giá rất là lớn.

Theo ông Dinh, các sàn vẫn đang hoạt động trong "vùng xám" pháp lý. Hầu như các sàn không có tư cách pháp nhân hoặc trụ sở tại Việt Nam. Nếu có, hầu như chỉ là những công ty công nghệ gia công những sản phẩm công nghệ cho các sàn ở thị trường Việt Nam. Các sàn chưa có hệ thống giám sát, chưa tuân thủ các quy định về chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CTF).

"Đặc biệt, các sàn không hợp tác với cơ quan chức năng. Điều này dẫn đến gia tăng các vụ lừa đảo liên quan đến tài sản mã hóa.

Khi có dấu hiệu lừa đảo, chúng tôi đã liên hệ với các sàn để tiếp tục truy vết nhưng các sàn lại từ chối hợp tác. Thậm chí khi có báo cáo từ các cơ quan công an thì các sàn cũng từ chối hợp tác để tiếp tục truy vết", ông Dinh nêu.

Trong bối cảnh này, ông Dinh gợi ý 3 hướng tiếp cận đối với thị trường Việt Nam.

Thứ nhất, sẽ tìm cách quản lý chặt chẽ hơn đối với các sàn giao dịch tài sản mã hoá tập trung. Đó là xây dựng những quy định cho sàn tập trung để kiểm soát dòng tiền cũng như thuế và rủi ro để bảo vệ người dùng Việt tại thị trường Việt Nam.

Thứ 2, cân bằng giữa lợi ích kinh tế và đổi mới công nghệ. Thực tế cho thấy, đã rất nhiều quốc gia tìm cách đưa ra chính sách phù hợp giữa đổi mới công nghệ và cân bằng giữa lợi ích quốc gia.

Đơn cử, Thái Lan tập trung vào việc thúc đẩy đổi mới công nghệ cùng với phát triển du lịch; thúc đẩy chính sách về tài sản mã hóa phù hợp với chính sách du lịch. Vào tháng 10 năm nay, Thái Lan bắt đầu cho phép thử nghiệm sandbox trong việc là thanh toán bằng tài sản mã hóa ở tại Phuket - một trong những địa điểm du lịch cực kỳ nổi tiếng.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, để vận hành một sàn giao dịch tài sản mã hoá tập trung thành công và bền vững thì công nghệ là chưa đủ. Cần phải tăng cường bảo mật và quản lý rủi ro nội bộ để tránh các sự cố gây mất niềm tin nhà đầu tư. Bảo đảm độ sâu thị trường, tốc độ khớp lệnh nhanh và kết nối thanh khoản đa dạng để hỗ trợ giao dịch hiệu quả.

Cải thiện giao diện, tối ưu quy trình giao dịch, nâng cao chất lượng hỗ trợ và tăng cường giáo dục người dùng cũng rất cần thiết. Đáp ứng các quy định KYC/AML, hợp tác với cơ quan quản lý và xây dựng chiến lược vận hành phù hợp với khung pháp lý là điều cần lưu tâm...

Nguyệt Minh

Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/kinh-te-so/hon-20-san-giao-dich-tai-san-ma-hoa-dang-hoat-dong-ngoai-phap-luat/20250327070313371


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước
Hơn 1.000 phụ nữ mặc áo dài diễu hành, xếp hình bản đồ Việt Nam tại Hồ Gươm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm