
Khi hơn 1,5 triệu người Việt đồng loạt thức khuya theo dõi livestream chuyện tình cảm của streamer ViruSs, hiện tượng “hóng drama” đã vượt khỏi ranh giới giải trí thông thường. Buổi livestream của ViruSs với rapper Pháo thu hút hơn 4,8 triệu lượt xem, thời điểm cao nhất đạt 1,6 triệu người xem cùng lúc.
Với nhiều người trẻ, những câu chuyện đầy mâu thuẫn của người khác đang trở thành nguồn “an ủi méo mó” - nơi họ tìm kiếm sự đồng cảm, so sánh và tự thấy “may mắn hơn” giữa áp lực cuộc sống hiện đại.
Tìm an ủi từ “so sánh xuống”
Một trong những động lực tâm lý ít được nhắc đến khiến nhiều người say mê theo dõi các vụ “drama” (câu chuyện kịch tính gay cấn) là nhu cầu cảm thấy mình vẫn ổn.
Khi chứng kiến người nổi tiếng rơi vào rắc rối, sai lầm hay bị chỉ trích, người xem có xu hướng so sánh ngầm và cảm thấy nhẹ nhõm hơn về bản thân. Sự sa sút hay tổn thương của người khác đôi khi trở thành “liều thuốc tinh thần” giúp họ nguôi ngoai những bất an nội tại, thậm chí coi đó như một cách “tự chữa lành” không lời.
Cảm giác thích thú khi theo dõi “drama” không đơn thuần là ngẫu nhiên, mà bắt nguồn từ một cơ chế thần kinh rõ ràng. Người trẻ thường có xu hướng dễ bị cuốn vào các kích thích mạnh từ bên ngoài.
Khi tiếp xúc với những tình huống gây kịch tính, mâu thuẫn hay tranh cãi, não sẽ tiết ra dopamine - một chất dẫn truyền thần kinh mang lại cảm giác khoái cảm. Chính sự “thưởng” sinh học này khiến việc theo dõi drama trở thành một dạng giải trí dễ gây nghiện.
Ẩn sâu bên trong là một cơ chế đối phó tâm lý: tìm kiếm cảm giác tốt đẹp hơn khi thấy người khác gặp khó khăn. Lối thoát tạm thời này, đặc biệt trong thời đại mà mạng xã hội liên tục tạo áp lực về một cuộc sống “hoàn hảo”, đang dần trở thành liệu pháp thay thế không lành mạnh.
Việc thường xuyên tiếp xúc với nội dung tiêu cực có thể khiến não bộ rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài, dễ dẫn đến những rối loạn tâm lý như lo âu hay stress. Về lâu dài, thói quen này không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc, mà còn định hình lối tư duy thiên lệch.
Nhiều người dần trở nên dễ phán xét, thích soi mói và có xu hướng nhìn nhận cuộc sống bằng lăng kính bi quan, từ đó đánh mất sự cảm thông và cân bằng nội tâm vốn cần thiết.
Khi mạng xã hội thay thế phòng tư vấn tâm lý
Mạng xã hội đang dần trở thành “phòng trị liệu” không chính thống cho nhiều người trẻ. Thay vì tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp, họ ngụp lặn trong các drama để tìm kiếm đồng cảm và bài học kinh nghiệm.
Với nhiều người, việc theo dõi câu chuyện đời tư của người khác không chỉ đơn thuần là tò mò, mà còn được xem như một cách mở rộng góc nhìn về cuộc sống - những lát cắt ít khi xuất hiện trên báo chí hay truyền hình chính thống.
Có người từng tự đặt giới hạn rằng chỉ đọc thông tin trong khung giờ hành chính để không ảnh hưởng tới sinh hoạt cá nhân. Thế nhưng thực tế, họ vẫn dễ dàng bị cuốn vào các dòng tin “drama”, thức trắng nhiều đêm để dõi theo từng tình tiết mới.
Ngày càng nhiều người rơi vào trạng thái mất kiểm soát trong việc tiếp nhận thông tin, để cảm xúc bị dẫn dắt hoàn toàn bởi dòng chảy của mạng xã hội.
Họ dễ dàng bị cuốn vào những câu chuyện thị phi, kịch tính, để rồi tâm trí lúc nào cũng lơ lửng giữa trạng thái bất an, mệt mỏi mà không rõ lý do. Việc liên tục tiếp xúc với nội dung tiêu cực rõ ràng sẽ gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tâm thần.
Một yếu tố nữa thúc đẩy việc theo dõi “drama” đến từ áp lực vô hình của cộng đồng ảo. Nhiều bạn trẻ cho biết họ khó lòng bỏ qua bất kỳ vụ việc gây xôn xao nào, đơn giản vì không muốn bị xem là “lạc hậu” hay “tối cổ” trong mắt bạn bè. Trong môi trường giao tiếp số, việc không theo kịp thông tin đôi khi đồng nghĩa với bị gạt ra ngoài cuộc trò chuyện.
Việc cập nhật tin tức, ở một mức độ nhất định, có thể mang lại cảm giác giải trí, giúp giảm căng thẳng và tạo điều kiện thuận lợi để kết nối với người khác. Tuy nhiên, khi chuyển sang mức độ “hóng drama” quá mức - đặc biệt là tiêu tốn thời gian cho những nội dung thiếu chiều sâu - nó dễ trở thành hành vi tiêu tốn năng lượng một cách vô ích.
Không ít người thừa nhận ban đầu chỉ xem để giải trí, nhưng càng theo dõi càng bị cuốn vào vòng xoáy của bình luận, phân tích, phản ứng... khiến họ mất kiểm soát thời gian. Hậu quả là giấc ngủ bị xáo trộn, tinh thần uể oải, hiệu suất công việc giảm sút.
Để tránh rơi vào trạng thái lệ thuộc thông tin, người trẻ cần chủ động điều chỉnh cách sử dụng mạng xã hội. Học cách chọn lọc nội dung, giới hạn thời gian lướt tin, thay đổi hình thức giải trí bằng hoạt động thể chất, phát triển kỹ năng hoặc đóng góp cho cộng đồng... sẽ mang lại lợi ích lâu dài và thiết thực hơn.
Nỗi sợ bị bỏ rơi
Văn hóa “hóng drama” đã phát triển một hệ sinh thái ngôn ngữ đặc thù trong cộng đồng mạng Việt Nam. “Hóng biến”, “tối cổ”, “phốt”, “bóc phốt” là những từ vựng mới đã xuất hiện trên báo chí truyền thông gần đây. Trong thế giới mạng ngày nay, việc “không để bản thân trở thành người tối cổ” đã trở thành phương châm sống của không ít bạn trẻ. Cụm từ này phản ánh nỗi sợ bị gạt ra khỏi dòng chảy của cộng đồng số, thúc đẩy họ dành thời gian theo dõi những câu chuyện kịch tính chỉ để đảm bảo không “thua kém” trong các cuộc trò chuyện hàng ngày.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/hong-drama-lieu-phap-tinh-than-meo-mo-3154507.html
Bình luận (0)