Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hợp tác giáo dục Việt - Pháp hướng đến đào tạo nhân lực chất lượng cao

Hiện nay, VN đứng thứ 3 trong số các quốc gia nhận học bổng từ chính phủ Pháp, với tổng ngân sách khoảng 2,5 triệu euro/năm, chỉ xếp sau Trung Quốc và Brazil.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên27/05/2025

Các chương trình hợp tác giáo dục Việt - Pháp đã được xây dựng và phát triển vững chắc từ nhiều năm qua, được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần củng cố tình hữu nghị song phương.

Sáng 26.5, trong khuôn khổ chuyến thăm VN của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tại Phủ Chủ tịch, sau hội đàm, Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Macron đã có cuộc gặp gỡ báo chí. Về các phương hướng và biện pháp để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, Chủ tịch nước Lương Cường cho biết: "Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh như hàng không vũ trụ, năng lượng hạt nhân, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, dược phẩm; thúc đẩy chuyển giao và làm chủ công nghệ. VN đề nghị Pháp tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường giảng dạy tiếng Pháp tại VN và mở rộng chương trình học bổng cho học sinh, sinh viên VN".

CHƯƠNG TRÌNH SONG NGỮ PHÁP - VIỆT

Ở lĩnh vực giáo dục - đào tạo, sự hợp tác giữa hai nước rất đa dạng, cả về ngành nghề lẫn cấp bậc đào tạo. Có thể kể đến chương trình song ngữ Pháp - Việt chính thức thực hiện trên toàn quốc vào năm học 1994 - 1995, ban đầu do Chính phủ Pháp triển khai và từ năm 2006 giao lại cho Bộ GD-ĐT VN quản lý nhưng vẫn hỗ trợ tích cực về nhiều mặt, đặc biệt là đào tạo giáo viên. Chương trình này từ hơn 3 thập niên qua đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ học sinh có nền tảng ngoại ngữ tốt - là "chìa khóa" quan trọng mở ra cánh cửa du học Pháp.

Sau khi ký kết hiệp định liên chính phủ về giáo dục vào tháng 10.2024 tại Paris, một dự án trị giá 1 triệu euro đã được Đại sứ quán Pháp và Bộ GD-ĐT VN cùng xây dựng, dành cho giáo viên và học sinh. Ngay từ mùa hè năm nay, 30 suất trao đổi sẽ tạo điều kiện cho các giáo viên và học sinh có cơ hội sang Pháp học tập và trải nghiệm. Chương trình sẽ được tiếp tục triển khai vào mùa hè năm 2026.

Hợp tác giáo dục Việt - Pháp hướng đến đào tạo nhân lực chất lượng cao - Ảnh 1.

Nhiều học sinh, sinh viên VN tìm hiểu về các ngành kinh tế, khoa học trong các hội thảo du học Pháp

ẢNH: VIỆN PHÁP TẠI VN

Tại VN, hiện có 3 cơ sở đào tạo đại học Pháp - Việt, bao gồm Trung tâm đào tạo về quản lý Pháp - Việt (CFVG); Chương trình Đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại VN (PFIEV); và Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), được công nhận là những mô hình thành công, đạt các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Pháp và quốc tế, mỗi năm mở thêm ngành mới đáp ứng nhu cầu thị trường VN. Tính đến nay, đã có 15.000 kỹ sư được đào tạo tại Pháp hoặc trong các chương trình đào tạo của Pháp tại VN; mục tiêu đạt 20.000 kỹ sư vào năm 2030.

Ở lĩnh vực y tế, trong hơn 30 năm qua, hợp tác y tế Pháp - Việt đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ chuyên gia trong ngành y, với khoảng 3.000 bác sĩ, cán bộ.

Các chương trình kể trên đã mang lại nhiều thuận lợi cho những học sinh, sinh viên VN có ý định theo học tại Pháp. Theo số liệu từ Campus France VN - cơ quan chính thức của Đại sứ quán Pháp tại VN chuyên về quảng bá các chương trình giảng dạy đại học của Pháp, tính đến cuối năm 2023, có 5.250 du học sinh VN theo học tại nước này. Trong số đó, lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh thu hút đông đảo các bạn trẻ VN nhất (1.581 sinh viên), kế đến là khoa học - kỹ thuật (1.254 sinh viên). Đáng chú ý, sinh viên Việt đang rất quan tâm đến các ngành đào tạo liên quan đến chuỗi cung ứng, quản trị và trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích/xử lý dữ liệu. Điều này được ghi nhận rõ qua các hội thảo về du học Pháp gần đây ở khu vực VN.

ĐÀO TẠO NHỮNG NGÀNH MŨI NHỌN: NĂNG LƯỢNG HẠT NHÂN, ĐƯỜNG SẮT CAO TỐC

Từ những nền tảng sẵn có, VN và Pháp hoàn toàn có thể hướng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là ở những ngành mũi nhọn mà nước ta đang hướng tới, chẳng hạn như năng lượng hạt nhân, đường sắt cao tốc.

Hợp tác giáo dục Việt - Pháp hướng đến đào tạo nhân lực chất lượng cao - Ảnh 2.

Điện hạt nhân chiếm tỷ lệ lớn trong các nguồn cung cấp năng lượng tại Pháp

ảnh: Reuters

Người viết đã có dịp trao đổi với ông Võ Tuyết Hồ, kỹ sư làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân từ 17 năm qua ở Pháp, hiện sống tại TP.Rouen (tây bắc Pháp). Ông Tuyết Hồ vốn là cựu học sinh chương trình song ngữ Pháp - Việt của Trường THCS Thực nghiệm sư phạm (nay là Trường Trung học thực hành Sài Gòn) và Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Sau khi tốt nghiệp bậc phổ thông, ông sang Pháp, học ngành cơ học kết cấu tại INSA (Viện Khoa học ứng dụng quốc gia, chuyên về đào tạo kỹ sư), cơ sở ở Rouen. Ra trường, 17 năm qua, ông đi chuyên sâu về điện hạt nhân, hiện là thanh tra về thiết kế của các lò phản ứng tại Pháp và một số nước.

Kỹ sư Hồ chia sẻ về đào tạo nhân lực liên quan đến năng lượng hạt nhân: "Ở Pháp, có nhiều trường liên quan đến lĩnh vực này, có thể kể đến những trường kỹ sư như INSA - nơi tôi theo học; các trường chuyên về lĩnh vực hạt nhân như Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân quốc gia (INSTN); các đại học tổng hợp với định hướng về nghiên cứu khoa học, với những ngành như vật lý hạt nhân… Ngoài ra, có thể kể đến Institut de Soudure, học viện chuyên đào tạo kỹ sư hay kỹ thuật viên về hàn/vật liệu kim loại". Theo ông Hồ, các bạn học sinh, sinh viên VN học tốt những môn khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa là lợi thế lớn để có thể thi đầu vào các trường kỹ sư và theo học những ngành đòi hỏi nhiều về tư duy khoa học. "Tôi lấy ví dụ một số môn đã học tại INSA: tính toán sức bền vật liệu; năng lượng, các mô hình chuyển đổi năng lượng; toán ứng dụng và nâng cao; tính toán thiết kế chống động đất. Rõ ràng đây là những môn phù hợp với các bạn sinh viên khối A ở VN", ông Hồ phân tích.

Ông Hồ cho biết thêm, trên hóa đơn tiền điện của mỗi hộ dân Pháp đang đóng hằng tháng có ghi rõ là hơn 70% tổng cung điện có nguồn gốc từ điện nguyên tử, tỷ lệ cao nhất ở EU. Các nguồn thủy điện, phong điện, nhiệt điện, năng lượng mặt trời… chiếm 30% còn lại. Việc nước này là quốc gia hàng đầu châu Âu về điện hạt nhân giúp cho chương trình đào tạo về năng lượng hạt nhân có sự kết nối chặt chẽ với thực tiễn. Sinh viên có nhiều cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia từ Cơ quan Điện lực quốc gia Pháp (EDF), Ủy ban Năng lượng nguyên tử và năng lượng thay thế Pháp (CEA)... Nhiều khóa học có giảng viên thỉnh giảng là nhà khoa học, kỹ sư đang làm việc tại nhà máy điện hạt nhân hoặc viện nghiên cứu. Sinh viên cũng có cơ hội thực hành, thực tập và tham gia trực tiếp vào các dự án nghiên cứu ứng dụng tại nhiều cơ sở nghiên cứu và nhà máy điện hạt nhân.

Hợp tác giáo dục Việt - Pháp hướng đến đào tạo nhân lực chất lượng cao - Ảnh 3.

Pháp cũng là một trong những quốc gia có hệ thống giao thông đường sắt phát triển bậc nhất châu Âu

ảnh: Reuters

Pháp cũng là một trong những quốc gia có hệ thống giao thông đường sắt phát triển bậc nhất châu Âu, bao gồm cả hệ thống đường sắt đô thị lẫn đường sắt cao tốc. Ở thủ đô Paris, phần lớn dân cư ít khi dùng đến xe cá nhân vì họ có 14 tuyến tàu điện ngầm, hàng chục tuyến tàu điện, tất cả được kết nối với những tuyến tàu điện đi về các khu ngoại ô… Giữa các tỉnh, thành của Pháp thì có hệ thống tàu cao tốc (TGV), tàu liên tỉnh rất tiện dụng. Chính vì vậy ở nước này, các lĩnh vực đào tạo liên quan đến giao thông đường sắt rất đa dạng: từ đào tạo nghề lái tàu điện, tàu cao tốc, tàu điện ngầm đến kỹ thuật viên, kỹ sư... Tại ESTACA - một trong những trường kỹ sư có đào tạo chuyên ngành về giao thông đường sắt, trong quá trình học, sinh viên có 400 giờ được trực tiếp học với các chuyên gia đến từ những cơ quan, tập đoàn hàng đầu của ngành, bao gồm Cơ quan Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF); đồng thời tham gia 4 dự án thực tế.

Nguồn: https://thanhnien.vn/hop-tac-giao-duc-viet-phap-huong-den-dao-tao-nhan-luc-chat-luong-cao-185250526223047447.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm