Hai sáng kiến này sẽ góp phần quan trọng vào việc trao quyền cho thế hệ trẻ, tăng cường năng lực cho các tổ chức địa phương và đóng góp vào các chính sách quốc gia, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững tại Việt Nam.
Quang cảnh lễ ký kết. |
Theo đó, dự án "Thúc đẩy sự phát triển năng động của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam" sẽ hỗ trợ hơn 10.000 thanh niên, nghệ sĩ và doanh nhân sáng tạo qua các chương trình đào tạo, cố vấn và hỗ trợ khởi nghiệp.
Dự án cũng sẽ hiện đại hóa các không gian văn hóa như bảo tàng, nhà hát, trung tâm nghệ thuật, đồng thời thúc đẩy các cuộc đối thoại về chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam.
Hợp tác với Hội Xúc tiến Phát triển điện ảnh Việt Nam, dự án còn nâng cao năng lực cho các nhà làm phim trẻ, thúc đẩy kết nối quốc tế và tăng cường tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo vào GDP từ mức 3,5% hiện nay lên 7% theo chiến lược quốc gia.
Dự án "Xây dựng Trường học Hạnh phúc góp phần đổi mới giáo dục và phát triển bền vững tại Việt Nam" sẽ xây dựng khung chính sách quốc gia về môi trường học đường tích cực, toàn diện, lấy học sinh làm trung tâm, dựa trên mô hình Trường học Hạnh phúc toàn cầu của UNESCO.
Giai đoạn thí điểm sẽ được triển khai tại ít nhất 20 trường học trên cả ba miền đất nước, với sự tham gia của Trường Victoria Nam Sài Gòn là đối tác chiến lược. Các trường sẽ lồng ghép yếu tố văn hóa địa phương, thúc đẩy môi trường học tập an toàn, nhân văn, đồng thời chú trọng đến sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của học sinh, giáo viên và cộng đồng nhà trường.
Hai dự án này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, bình đẳng và bao trùm tại Việt Nam, nơi thanh thiếu niên, phụ nữ và những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục được trang bị các kỹ năng để tạo ra sự thay đổi tích cực. Với tiềm năng lớn từ nguồn nhân lực sáng tạo trẻ và tài nguyên văn hóa phong phú, Việt Nam đang có cơ hội lớn để thúc đẩy sự phát triển bền vững thông qua văn hóa và giáo dục.
Ông Jonathan Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, chia sẻ: “UNESCO rất vui khi được đồng hành cùng SOVICO trong hành trình đổi mới và phát triển của Việt Nam. Hai dự án này đánh dấu một giai đoạn hợp tác mới, dựa trên những giá trị chung, sự tin tưởng và niềm tin sâu sắc rằng văn hóa, giáo dục và thế hệ trẻ chính là nền tảng vững chắc cho một tương lai bao trùm, bền vững và hòa bình”.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị sáng lập SOVICO, khẳng định: “Với SOVICO, sự thịnh vượng không chỉ được đo bằng những con số tăng trưởng mà còn bởi di sản chúng ta để lại – là những giá trị văn hóa được gìn giữ, những tâm hồn được truyền cảm hứng và những cộng đồng được chắp cánh. SOVICO và UNESCO cam kết cùng nhau tạo dựng một xã hội bao trùm, sáng tạo và nhân văn hơn”.
Quan hệ đối tác giữa UNESCO và Tập đoàn SOVICO là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên Liên hợp quốc hợp tác với một doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên Liên hợp quốc vào năm 1977. Sự hợp tác này khẳng định văn hóa và giáo dục là nền tảng của sự phát triển bền vững, góp phần thực hiện các ưu tiên phát triển của Chính phủ Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/hop-tac-trien-khai-du-an-thuc-day-van-hoa-giao-duc-va-phat-trien-ben-vung-tai-viet-nam-postid421040.bbg
Bình luận (0)