Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Phương |
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Phương nói rằng, 50 năm đã trôi qua kể từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - một khoảng thời gian khá dài trong lịch sử, đủ để làm thay đổi sâu sắc diện mạo của một địa phương. Thành phố Huế - nơi từng gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề do chiến tranh để lại nay đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành đô thị văn hóa - du lịch đặc trưng, xanh, thông minh và hiện đại.
Thưa Chủ tịch, khi nhắc đến bước “chuyển mình” của Huế, ông có thể cho biết những yếu tố quan trọng nào đã góp phần vào sự đổi thay tích cực đó?
Nhớ lại những ngày đầu sau giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Huế đối mặt với muôn vàn khó khăn. Cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề, đời sống người dân thiếu thốn trăm bề. Với tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, toàn Đảng, toàn dân đã đồng lòng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống và từng bước phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng bức tranh kinh tế - xã hội của Huế đã có những chuyển biến rõ nét, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Thành phố vừa giữ được cốt cách sâu lắng của vùng đất Cố đô, vừa vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vai trò là trung tâm văn hóa, du lịch, giáo dục - đào tạo lớn của cả nước.
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,15%, xếp vào nhóm khá trong vùng; thu ngân sách đạt 12.880 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 96% kế hoạch, xếp trong nhóm cao cả nước; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,41 %...
Những đổi thay tích cực đó là kết quả của hội tụ nhiều yếu tố quan trọng:
Thứ nhất, đó là đường lối lãnh đạo đúng đắn, nhất quán của Đảng và Nhà nước - tạo nền tảng chính trị ổn định, môi trường thuận lợi để Huế phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh. Đặc biệt, những cơ chế, chính sách đặc thù dành cho TP. Huế trong thời gian qua đã trở thành “cú hích” quan trọng, mở ra dư địa phát triển mới cho địa phương.
Thứ hai, tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên và lòng tự hào của người dân Huế. Trong mỗi con người Huế là sự kết tinh giữa chiều sâu văn hóa truyền thống với ý chí đổi mới. Chính điều đó đã tạo nên nguồn lực nội sinh bền vững, thúc đẩy thành phố phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Thứ ba, Huế đã biết khai thác, phát huy thế mạnh về di sản - không chỉ để bảo tồn mà còn tạo động lực phát triển. Chúng tôi xác định rõ: Phát triển văn hóa là nền tảng, là động lực cho kinh tế; phát triển kinh tế là điều kiện để gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa. Từ định hướng này, nhiều mô hình kinh tế sáng tạo, xanh, bền vững đã ra đời, góp phần làm nên thương hiệu riêng cho thành phố.
Cuối cùng, không thể không nhắc đến sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, sự hợp tác từ các địa phương, tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp. Tất cả đã tạo nên một hệ sinh thái phát triển đồng hành, gắn kết vì mục tiêu chung đưa Huế ngày càng tiến xa.
Thời gian qua, ngành dệt - may đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của thành phố |
Với vị thế là thành phố trực thuộc Trung ương, ông có thể cho biết định hướng phát triển của Huế sắp tới? Thành phố sẽ phải làm gì để cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di sản?
Với vai trò là trung tâm di sản đặc sắc của cả nước, Huế luôn đặt công tác bảo tồn, trùng tu di tích và phát huy giá trị di sản văn hóa lên hàng đầu. Từ năm 1996 đến nay, gần 200 công trình tiêu biểu như, điện Kiến Trung, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, các lăng vua Triều Nguyễn… đã được tu bổ với tổng kinh phí hơn 2.265 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương.
Thời gian tới, Huế định hướng phát triển dựa trên các giá trị đặc thù về lịch sử, văn hóa và cảnh quan kiến trúc. Bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thành phố vẫn kiên định mục tiêu phát triển gắn với bảo tồn di sản và bảo vệ môi trường sống. Dù định hướng này có thể phần nào làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, nhưng là sự lựa chọn mang tính chiến lược, nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững, có chiều sâu.
Công tác quy hoạch đô thị sẽ tiếp tục được triển khai đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với công tác bảo tồn. Các định hướng quy hoạch đã xác định rõ không gian phát triển đô thị, khu vực bảo vệ di tích, cảnh quan và các khu chức năng - nhằm đảm bảo xây dựng hạ tầng hiện đại mà không xâm lấn các giá trị di sản. Qua đó, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng TP. Huế trở thành đô thị phát triển năng động, hiện đại, nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa, di sản và nét riêng trường tồn với thời gian.
So với nhiều tỉnh, thành khác, quy mô nền kinh tế của Huế vẫn còn khá khiêm tốn. Chủ tịch có ý kiến gì về nhận xét đó? Những lời giải nào để Huế mở rộng quy mô nền kinh tế?
Đúng là so với nhiều địa phương khác, quy mô nền kinh tế của Huế hiện vẫn còn khá khiêm tốn. Chúng tôi đang nỗ lực từng ngày để mở rộng quy mô nền kinh tế bằng nhiều giải pháp cụ thể và thực chất.
Thứ nhất, Huế xác định du lịch - đặc biệt là du lịch di sản, du lịch văn hóa và du lịch nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang thu hút các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao, dịch vụ số, y tế, giáo dục chất lượng cao - những lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển bền vững của thành phố.
Thứ hai, hạ tầng đang được đầu tư mạnh mẽ. Các dự án (DA) lớn như, cầu vượt sông Hương, trung tâm logistics, các tuyến đường kết nối vùng… đang giúp Huế mở rộng không gian phát triển và tăng khả năng cạnh tranh với các địa phương khác.
Thứ ba, Huế coi chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng trong giai đoạn tới. Thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đưa công nghệ vào quản lý đô thị, dịch vụ công và hỗ trợ doanh nghiệp.
Chúng tôi xác định rằng, Huế không đi nhanh bằng mọi giá, mà đi đúng hướng, dựa trên nền tảng là con người, văn hóa, tri thức, sự sáng tạo và công nghệ. Tôi tin rằng, nếu kiên trì con đường đó, Huế sẽ có một mô hình phát triển riêng biệt, khác biệt, nhưng hiệu quả và bền vững trong tương lai. Huế hoàn toàn có thể xây dựng được một mô hình kinh tế đặc trưng - hài hòa giữa phát triển và bảo tồn - mang lại giá trị cao, độc đáo và lâu dài.
Những nhiệm vụ trọng tâm mà Huế cần tập trung cho mục tiêu phát triển ngang tầm vị thế mới của thành phố, nhất là mục tiêu đảm bảo tăng trưởng hai con số cho năm nay và những năm kế tiếp?
Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP quý I/2025 ước đạt 9,9% - mức tăng trưởng cao, nằm trong top 10 tỉnh/thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước, tạo nền tảng vững chắc để phấn đấu đạt mức tăng 10% trở lên trong cả năm.
Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, hướng tới đạt mức tăng trưởng từ 10% trở lên. Đồng thời, tập trung triển khai hiệu quả chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính theo chỉ đạo của Trung ương; hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị hai cấp, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Cụ thể, tăng cường chỉ đạo và đôn đốc các DA trọng điểm nhằm tạo động lực phát triển đột phá, đặc biệt là trong ngành công nghiệp. Các DA như, Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motor Huế (giai đoạn 2, 3), DA nhà máy Kanglongda Huế (giai đoạn 2, 3), DA mở rộng nhà máy Bia CARLSBERG Việt Nam; các DA du lịch, nghỉ dưỡng… sẽ được ưu tiên triển khai, với mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp, dịch vụ, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội và tạo việc làm cho người dân.
Tập trung giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh tiến độ các DA hạ tầng giao thông trọng điểm, có tính liên vùng, hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng văn hóa, xã hội.
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây; tiếp tục đầu tư hạ tầng logistics, các bến cảng tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa và hiện thực hóa tiềm năng của các khu vực ven biển.
Thành phố cũng đang quyết liệt triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xem đây là động lực tăng trưởng mới cho giai đoạn 2026 - 2030.
Cùng với đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thành phố Huế vươn mình bằng chính thế và lực của địa phương để trở thành một thành phố phát triển bền vững, an toàn, bình yên, thân thiện, hạnh phúc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/hue-nua-the-ky-hoi-sinh-va-khat-vong-vuon-tam-153100.html
Bình luận (0)