AI là mối đe dọa hay là cơ hội?
Kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI) đang tái định hình mọi lĩnh vực, từ cách con người sống, làm việc đến học tập. Trong bối cảnh đó, nhiều bậc phụ huynh và học sinh - sinh viên không khỏi lo lắng: liệu AI sẽ lấy đi công việc của con người, hay mở ra những cánh cửa nghề nghiệp mới?
"Mỗi ngày đọc báo, thấy AI có thể viết văn, xử lý số liệu, thậm chí tư vấn khách hàng còn tốt hơn cả người thật. Tôi trăn trở liệu con mình có còn cơ hội không nếu học những ngành nghề đang bị AI đe dọa? Liệu con mình có được chuẩn bị đủ để thích nghi với một thế giới đang thay đổi quá nhanh như vậy không?", chị Thúy Hạnh, một phụ huynh có con đang học lớp 12 và chuẩn bị chọn ngành vào đại học tại TPHCM, băn khoăn.

AI làm mất đi nhiều việc làm, nhưng cũng tạo ra nhiều việc làm mới (Ảnh: DC_Studio).
Báo cáo "Tương lai việc làm 2025" của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự báo, 90 triệu việc làm có thể biến mất, nhưng đồng thời sẽ có khoảng 170 triệu việc làm mới được tạo ra.
Một khảo sát gần đây do RMIT Việt Nam thực hiện với hơn 4.000 phụ huynh, sinh viên và người trẻ tham gia cho thấy: 72% tin rằng AI sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành nghề họ theo đuổi, nhưng đồng thời, 64% cho rằng đây là cơ hội nếu họ được chuẩn bị đúng.
Theo bà Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc dịch vụ tuyển dụng cấp cao Navigos Search, AI đang giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nhiều khâu trong quy trình tuyển dụng như sàng lọc hồ sơ, viết mô tả công việc, phân tích dữ liệu ứng viên.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc con người bị thay thế. "AI chỉ thay thế những người không biết cách tận dụng AI. Những ai biết dùng AI như một cộng sự sẽ có nhiều lợi thế trong công việc", bà nhấn mạnh.
Không sợ hãi, cần chuẩn bị để sẵn sàng vững bước đón tương lai
Thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z, đang là nhóm chịu tác động mạnh nhất từ công nghệ và AI. Nhưng thay vì lo sợ, điều quan trọng là phải thay đổi cách nhìn: AI là công cụ, không phải là đối thủ.
Bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc điều hành Groove Technology Việt Nam chia sẻ: "Nếu AI có thể làm thay công việc của bạn, thì đó không phải lỗi của AI, mà là bạn chưa làm tốt hơn AI. Điều quan trọng là cần học cách cộng tác cùng AI, biến nó thành cánh tay nối dài để tăng hiệu suất, chứ không phải để phó thác công việc".
Điều này đòi hỏi người trẻ không chỉ có kỹ năng chuyên môn, mà còn cần có năng lực đa ngành. Đồng tình với ý kiến của bà Nguyễn Phương Mai, PGS.TS. Đinh Ngọc Minh - Phó trưởng khoa Nghiên cứu và Đổi mới, khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, RMIT Việt Nam, khẳng định, một kỹ sư ngày nay cần có kỹ năng giao tiếp, quản lý dự án, tư duy thiết kế, cũng như một sinh viên ngành kinh doanh cần hiểu về dữ liệu, công nghệ và tư duy hệ thống.

Tiến sĩ Đinh Ngọc Minh là thầy hướng dẫn trực tiếp sinh viên Phùng Minh Tuấn - tác giả dự án giải mã chữ bác sĩ sử dụng công nghệ học máy (Ảnh: RMIT).
Vì vậy, các trường đại học tiên phong như RMIT Việt Nam đã và đang chuyển dịch mạnh mẽ từ mô hình đào tạo thuần lý thuyết sang cách tiếp cận thực tiễn và hướng đến năng lực toàn diện để trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết giúp các em vững vàng trước tương lai.
Bên cạnh cung cấp kiến thức chuyên môn, trường đặc biệt nhấn mạnh vào phát triển tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp - những yếu tố cốt lõi mà con người cần có để cộng tác với AI thay vì bị thay thế bởi AI.
Những kỹ năng này được sinh viên RMIT rèn luyện ngay từ năm nhất không chỉ trong lớp học mà còn qua nhiều hoạt động học tập tích hợp thực tiễn.
Tiến sĩ Đinh Ngọc Minh cho biết, Đại học RMIT Việt Nam tích cực tích hợp công nghệ mới vào chương trình giảng dạy, chẳng hạn như sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ học tập, giảng dạy và đánh giá. Trường khuyến khích sinh viên không né tránh công nghệ, mà hiểu rõ cách AI vận hành, giới hạn của nó, và tìm ra cách sử dụng AI như một đồng đội thông minh trong học tập lẫn công việc. Sinh viên các ngành thuộc 3 khoa trong trường là Kinh doanh, Truyền thông và Thiết kế và Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ đều có cơ hội ứng dụng AI và nhiều công nghệ khác vào các môn học, hoạt động học tập hàng ngày.

RMIT Việt Nam tổ chức Lễ phát động Diễn đàn Đổi mới sáng tạo giáo dục Việt Nam với Trí tuệ nhân tạo 2025, có sự tham gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại sứ quán Úc, UNICEF Việt Nam, các Sở Giáo dục và Đào tạo... (Ảnh: RMIT).
Không chỉ dừng lại ở giảng đường, mô hình đào tạo của RMIT còn kết nối sinh viên với thị trường lao động thông qua các chương trình cố vấn nghề nghiệp, hội thảo với chuyên gia, các cuộc thi khởi nghiệp và mạng lưới cựu sinh viên trải rộng toàn cầu.
Sinh viên được khuyến khích rèn luyện khả năng thích nghi và tư duy học tập suốt đời và tinh thần sẵn sàng đón nhận thử thách - yếu tố then chốt giúp họ không bị tụt lại khi công nghệ thay đổi từng ngày.
Sinh viên không chỉ học một chuyên ngành, mà còn được khuyến khích học chéo, học mở, để thích ứng với các vai trò đa dạng trong tương lai.
Điều chỉnh chiến lược chọn nghề
Việc lựa chọn ngành học giờ đây không còn phụ thuộc vào "ngành hot" hay "trường top" mà cần dựa trên sự hiểu mình, hiểu nghề và chuẩn bị chiến lược dài hạn. Chiến lược này cần khởi đầu với việc lựa chọn một môi trường học tập phù hợp, nơi giúp sinh viên khai phá tiềm năng của bản thân cũng như trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để luôn sẵn sàng thích nghi với thời cuộc.
Theo bà Ngô Thị Ngọc Lan, điều quan trọng là phải có năng lực thích nghi và khả năng phục hồi: "Thành công trong tương lai phụ thuộc vào việc bạn luôn sẵn sàng để học hỏi từ sai lầm, thay đổi hướng đi khi cần, và không ngừng phát triển bản thân", bà nói.
Thị trường lao động thời AI tuy nhiều biến động nhưng cũng đầy cơ hội. Nỗi lo là có thật, nhưng tương lai không nằm ở sự sợ hãi, mà nằm ở việc chuẩn bị đúng cách. Cha mẹ cần đồng hành với con trong việc khám phá bản thân, phát triển kỹ năng và định hướng nghề nghiệp dựa trên năng lực - sở thích - giá trị sống, thay vì áp đặt con theo những ngành an toàn hay theo trào lưu.
Các bạn trẻ hiện cũng đang bắt đầu xem AI như một phần tất yếu trong hành trình nghề nghiệp, đã và đang học cách hợp tác, nhanh và sâu. Ưu điểm của giới trẻ là không phải quá lo ngại thất bại, thái độ và khả năng thích ứng có thể giúp các bạn trẻ đi xa.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/huong-nghiep-trong-ky-nguyen-ai-20250515223534060.htm
Bình luận (0)